Y tế cơ sở - Bao giờ khởi sắc?

Vắng như chùa Bà Đanh
Y tế cơ sở - Bao giờ khởi sắc?

Y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong hệ thống y tế với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, hơn 10.000 trạm y tế xã, phường trong cả nước vẫn chưa thu hút được nhiều người dân tới khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh thành lớn, khiến các bệnh viện trung luôn quá tải.

Trạm y tế phường - xã chưa thu hút được nhiều người đến khám, chữa bệnh.

Trạm y tế phường - xã chưa thu hút được nhiều người đến khám, chữa bệnh.

Vắng như chùa Bà Đanh

Nằm ngay sát Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính với hàng vạn nhân khẩu, Trạm Y tế phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội được đầu tư xây dựng rất khang trang, hiện đại. Thế nhưng, suốt ngày, từ đầu tuần cho tới cuối tuần, trạm y tế luôn trong tình trạng đìu hiu, các phòng bệnh hầu như không có bệnh nhân tới điều trị, thỉnh thoảng mới có vài người dân đưa trẻ tới khám sức khỏe, hay tiêm vaccine. Nhân viên y tế của trạm ngoài công việc sổ sách thông thường thì chỉ những lúc triển khai chương trình tiêm chủng, dinh dưỡng hay phát động uống vitamin A… mới cảm thấy bận rộn.

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện nay toàn thành phố có khoảng 577 trạm y tế xã, phường, trong đó trên 97% đã đạt chuẩn quốc gia. Nhiều trạm y tế xã, phường mặc dù đạt được chỉ tiêu tối đa, nhưng phần lớn đều do có các đợt chiến dịch khám sức khỏe cho người cao tuổi, khám cho các đối tượng chính sách. Khi bị ốm, người dân thường lên thẳng tuyến trên vì vẫn ngại về chất lượng khám chữa bệnh của trạm xá.

Người dân chưa thực sự mặn mà với y tế cơ sở không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà đây là tình trạng chung diễn ra ở rất nhiều địa phương. Mới đây, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng đã có đánh giá cho biết phần lớn trạm y tế xã, phường chưa thu hút được bệnh nhân đến khám chữa bệnh, nhiều trạm y tế xã, phường chỉ khám khoảng 10-15 người/ngày.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Bộ Y tế về tình hình thực hiện chức năng nhiệm vụ của trạm y tế tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Cần Thơ cho thấy, điều tra 16 trạm y tế ở 4 thành phố trên trung bình mỗi ngày mỗi trạm khám 29 lượt người, trong đó trạm ít nhất là 6 lượt người/ngày, còn nhiều nhất là 70 người/ngày.

Ví dụ như Trạm Y tế Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội), số người tới khám chỉ 6-8 người/ngày, Trạm Y tế phường Thạo Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) mỗi tháng chỉ có 60-70 bệnh nhân có BHYT tới khám. Trong khi đó, khảo sát tại quận Bình Thạnh, TPHCM cho thấy, trung bình các trạm y tế phường trên toàn quận chỉ khám 12 lượt bệnh nhân/ngày. Tuy nhiên qua khảo sát với người dân sử dụng dịch vụ y tế thì chỉ có 60,4% lựa chọn khám ở trạm y tế.

Thiếu toàn diện

Thực tế cho thấy nguyên nhân khiến cho trạm y tế xã, phường chưa thu hút được người bệnh là do thiếu bác sĩ, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn hạn chế. Khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh ở 125 xã của Hà Giang, Bắc Giang, Đắk Lắk, Trà Vinh cho thấy 23 xã chưa có bác sĩ. Còn tại Hà Nội đang thiếu 91 bác sĩ và 499 dược sĩ cho các trạm y tế, đặc biệt trong số bác sĩ hiện có tại trạm y tế mới có 52/486 bác sĩ có trình độ chuyên khoa I.

Hơn nữa, theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay, phần lớn đội ngũ bác sĩ đang công tác tại trạm y tế xã, phường thường đảm nhiệm vai trò trạm trưởng nên phải tham gia nhiều cuộc họp của địa phương và của trung tâm y tế quận, huyện nên có ít thời gian tham gia khám chữa bệnh cho người dân.

Còn đối với cán bộ y tế của trạm thường có từ 5-10 người, nhưng tại trạm y tế có tới 35 chương trình y tế được triển khai thường xuyên nên trung bình mỗi cán bộ sẽ phải phụ trách từ 3-7 chương trình khiến không còn nhiều thời gian đảm nhận khám chữa bệnh vì quá bận với các chương trình này. Hơn nữa, chế độ đãi ngộ lại chưa tương xứng với công việc được giao khiến bác sĩ cũng không mặn mà về trạm y tế làm việc.

Cùng với việc thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, không ít trạm y tế xã, phường không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở các đô thị lớn cũng đang bị xuống cấp, thiếu trang thiết bị y tế. Rất nhiều trạm không có máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm mà chỉ có những thiết bị khám thông thường. Hiện nay, ở Hà Nội có hơn 300 trạm y tế cần được đầu tư sửa chữa hoặc xây mới, đặc biệt nhiều trạm ở nhất là khu vực nội thành như quận Hoàn Kiếm, Đống Đa diện tích quá hẹp, chưa được 50m².

Còn tại TPHCM, nhiều trạm y tế ở xã trung tâm thuộc các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè… cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực khiến chất lượng khám chữa bệnh chưa đạt yêu cầu, công suất sử dụng giường bệnh thấp.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, trạm y tế cần phải đổi mới để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân bằng hình thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, để các trạm y tế hoạt động tốt cần có các chính sách hợp lý để thu hút được nhân lực cho trạm y tế xã, cũng như đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế.

Minh Khang

Tin cùng chuyên mục