Dập dịch cúm gia cầm, ngăn cúm A/H5N1 trên người

Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp đã khiến số người mắc và tử vong do cúm A/H5N1 có chiều hướng tăng trở lại. Cùng với đó, số người mắc, tử vong do bệnh tay chân miệng trong 2 tháng đầu năm nay cũng tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Trước những diễn biến bất thường của 2 dịch bệnh nguy hiểm này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương…

Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp đã khiến số người mắc và tử vong do cúm A/H5N1 có chiều hướng tăng trở lại. Cùng với đó, số người mắc, tử vong do bệnh tay chân miệng trong 2 tháng đầu năm nay cũng tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Trước những diễn biến bất thường của 2 dịch bệnh nguy hiểm này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương…

* PV: Tại khu vực phía Nam vừa qua có thêm một ca nhiễm cúm A/H5N1, nâng số người mắc dịch bệnh nguy hiểm này trong vòng 2 tháng qua lên 3 trường hợp (2 ca tử vong). Phải chăng virus cúm A/H5N1 đang biến chủng và lây lan mạnh?

* PGS-TS NGUYỄN TRẦN HIỂN:
Hiện nay, trong các chủng virus gây bệnh cúm thì virus cúm A/H5N1 vẫn là chủng virus có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao, thậm chí có những thời điểm tỷ lệ tử vong lên tới 100%. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu và phân tích mới đây cho thấy, hiện chủng virus cúm A/H5N1 ở người giống với chủng virus cúm A/H5N1 đang lưu hành ở gia cầm, chưa có sự thay đổi đáng kể về đặc điểm di truyền học hay biến đổi về độc lực nguy hiểm hơn. Chủng virus này vẫn thuộc phân nhóm lưu hành từ trước tới nay ở nước ta, nên chưa ghi nhận việc lây truyền từ người sang người.

* Nhưng số người mắc và tử vong vẫn ở mức cao?

* Thực tế qua kiểm tra và giám sát, có hiện tượng không chỉ gia cầm, thủy cầm ốm, chết bị nhiễm virus cúm A/H5N1 mà virus cúm A/H5N1 còn lưu hành trong các đàn thủy cầm, gia cầm nhưng không có biểu hiện bệnh, hay còn gọi là “lành mang trùng”. Điều này gây khó khăn cho công tác phòng chống, giám sát, phát hiện sớm và xử lý ổ dịch. Hơn nữa, cũng không thể xem thường trước những thay đổi của chủng virus cúm A tiềm ẩn nguy cơ lây truyền từ gia cầm sang người và từ người sang người. Vì vậy, để phòng chống, ngăn chặn mối nguy hiểm của virus cúm A/H5N1, người dân ngoài việc không được giết mổ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng gia cầm, thủy cầm ốm chết thì tuyệt đối không ăn tiết canh, gỏi, thịt gia cầm, thủy cầm chưa được nấu chín kỹ.

* Hiện nay, cả nước đã có hàng chục địa phương ghi nhận có cúm gia cầm. Thực trạng này tác động như thế nào tới việc lây lan của virus cúm A/H5N1 trên người, thưa ông?

* Cúm gia cầm và cúm A/H5N1 ở người có mối liên quan chặt chẽ với nhau, cúm A/H5N1 ở người chỉ xuất hiện khi có dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm. Vì thế, cúm A/H5N1 ở người phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch ở gia cầm. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm hiện đã lan ra 13 tỉnh thành, với hàng vạn con gia cầm, thủy cầm mắc bệnh nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn, nhất là nguy cơ lây lan virus cúm gia cầm H5N1 sang người. Vì thế, quan trọng nhất là các địa phương cần phải chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm, gia súc và nhanh chóng ngăn chặn, khoanh vùng dập dịch và xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm, thủy cầm.

* Cùng với cúm A/H5N1, hiện nay dịch bệnh tay chân miệng cũng đang có số người mắc và tử vong ở mức cao. Ông đánh giá như thế nào về những diễn biến của dịch bệnh tay chân miệng hiện nay?

* Trong 2 tháng qua, cả nước đã có trên 7.000 trường hợp mắc tay chân miệng, với 9 ca tử vong, so với cùng thời điểm này năm ngoái thì số mắc và tử vong do tay chân miệng tăng đột biến và diễn biến phức tạp. Hơn nữa, hiện nay, dịch bệnh tay chân miệng do nhiều nhóm virus đường ruột gây ra, chứ không phải chỉ một loại virus nên rất khó lường trước những nguy cơ và diễn biến của dịch bệnh tay chân miệng. Cùng với đó, hiện nay số người không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn mang virus tay chân miệng cũng khá cao gây khó khăn cho công tác phòng chống và điều trị.

Tuy nhiên về bản chất dịch bệnh tay chân miệng lây từ người sang người, qua đường tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với các chất tiết mũi, miệng, nước bọt, nước mụn phỏng vỡ, phân của người bệnh nên để ngăn ngừa dịch bệnh tay chân miệng lây lan, mọi người cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác phòng chống dịch, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và đặc biệt là vệ sinh ăn uống.

NGUYỄN QUỐC

Quảng Nam công bố dịch cúm gia cầm H5N1 tại 2 xã 

Ngày 29-2, ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh này chính thức công bố dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Điện Phương (huyện Điện Bàn) và xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc), UBND tỉnh đã yêu cầu huyện Điện Bàn và Đại Lộc triển khai các biện pháp cấp bách để khống chế và dập dịch, tổ chức các chốt kiểm tra tại hai địa phương có dịch.

Ngành thú y tỉnh phối hợp với ngành y tế và các địa phương thông báo đến toàn dân diễn biến dịch cũng như cách đề phòng dịch bệnh lây sang người; nếu người dân nào có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở thì đến ngay cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe để có biện pháp chữa trị kịp thời.

Hiện tỉnh Quảng Nam đang tiến hành tiêm 500.000 liều vaccine cho các đàn gia cầm để bao vây vùng dịch, đồng thời tiến hành phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại các chuồng trại chăn nuôi nhằm hạn chế lây lan của dịch.

V.ĐIỆN

- Thông tin liên quan:

>> Hàng triệu người có thể đã nhiễm cúm H5N1

>> Sắp có vaccine ngừa cúm A/H5N1 “Made in Vietnam”

Tin cùng chuyên mục