Giảm tải cho bệnh viện tuyến trên - Bài 2: Gian nan nâng chất y tế

Thiếu người tài
Giảm tải cho bệnh viện tuyến trên - Bài 2: Gian nan nâng chất y tế

Những năm gần đây, lĩnh vực y tế ở ĐBSCL đã được đầu tư khá nhiều cả về cơ sở vật chất lẫn con người. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng điều trị và dần thu hẹp khoảng cách với các bệnh viện (BV) tuyến trên ở TPHCM là cả một chặng đường dài đầy khó khăn đối với ngành y tế ĐBSCL.

Ngành y tế ĐBSCL cần đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám, điều trị. Trong ảnh: Bác sĩ Khoa cấp cứu Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ đang hướng dẫn sinh viên thực tập.

Ngành y tế ĐBSCL cần đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám, điều trị. Trong ảnh: Bác sĩ Khoa cấp cứu Bệnh viện ĐKTƯ Cần Thơ đang hướng dẫn sinh viên thực tập.

Thiếu người tài

Theo tổng hợp của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, ĐBSCL hiện có gần 9.000 bác sĩ, khoảng 6.000 dược sĩ, trong đó gần 3% bác sĩ có trình độ sau đại học, dược sĩ chiếm gần 2%.

Theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, đến năm 2010 chỉ tiêu về nhân lực y tế trong 10.000 dân phải đạt trên 7 bác sĩ và 1 dược sĩ đại học.

Tuy nhiên hiện nay ở ĐBSCL, tỷ lệ này bình quân chỉ 5,2 bác sĩ, và 0,3 dược sĩ. Cán bộ điều dưỡng có trình độ đại học lại càng thiếu. Đơn cử như tỉnh Sóc Trăng, ở tuyến tỉnh có BV tỉnh Sóc Trăng, BV TP Sóc Trăng và BV Chuyên khoa Lao nhưng tổng số bác sĩ tại 3 BV này chỉ có 200 người. Hiện Sóc Trăng cần khoảng 600 bác sĩ mới đáp ứng cho cơ sở y tế các cấp.

Tại các tỉnh khác như Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long… BVĐK tỉnh chỉ mới đạt hơn 65% số bác sĩ, dược sĩ theo quy định. Còn trung tâm y tế dự phòng các cấp thiếu bác sĩ trầm trọng. Để khỏa lấp những chỉ tiêu không phải chuyện khó bởi hiện tại mỗi năm chỉ riêng Đại học Y Dược Cần Thơ đã cho “ra lò” khoảng 1.000 bác sĩ. Như vậy với khoảng 18 triệu dân, trong vòng 4 năm ĐBSCL sẽ đạt được chỉ tiêu 7 bác sĩ/10.000 dân. Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, vấn đề lớn hiện nay là việc thu hút và giữ chân được những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao…

Một bác sĩ từng công tác tại TP Cần Thơ sau chuyển lên TPHCM làm việc, chia sẻ: “Khi mình được đào tạo bài bản từ TPHCM về, muốn làm chuyên môn tốt thì phải có nhiều người bệnh. Làm nhiều, tự rút kinh nghiệm mới giỏi được. Nhưng ở tỉnh không nhiều bệnh nhân, gặp được ca khó thì chuyển lên tuyến trên, vì thế làm sao có được kinh nghiệm, uy tín, niềm tin với người bệnh”.

Nâng chất từ con người

Theo TS-BS Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, để thu hút được bệnh nhân, điều đầu tiên các BV phải làm là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Cải thiện chất lượng y tế ĐBSCL, trước hết phải bắt đầu từ đào tạo con người. Cần phải có giải pháp chiều sâu cả về chuyên môn lẫn cơ chế, chính sách ưu đãi để cán bộ, bác sĩ an tâm công tác. Theo Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, năm 2011, trường đào tạo trên 400 chỉ tiêu sau đại học. Riêng trong năm 2012, trường đào tạo đến 900 chỉ tiêu sau đại học.

Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho rằng đào tạo là một phần, còn việc thu hút hoặc giữ được các bác sĩ giỏi về địa phương hay không  là chuyện khác. Hiện tại ở ĐBSCL, nhiều tỉnh, thành đã có những chế độ chính sách nhất định để thu hút bác sĩ về địa phương công tác.

Tại Sóc Trăng, mới đây Sở Y tế đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển nguồn nhân lực y tế; trong đó có những chính sách như hỗ trợ tiền học phí cho sinh viên học y, dược tình nguyện về địa phương công tác sau khi tốt nghiệp; hỗ trợ 30 triệu đồng cho bác sĩ về địa phương... Tương tự ở các tỉnh khác như Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… cũng có những chính sách hỗ trợ để thu hút nhân lực y tế.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Dự, Phó Giám đốc BVĐK Cần Thơ, ngoài chính sách ưu đãi về phụ cấp lương thưởng, các địa phương còn cần phải có cơ chế tạo điều kiện cho các cán bộ, bác sĩ, nhất là ở tuyến cơ sở được ưu tiên đi học, nâng cao tay nghề. Đặc biệt triển khai tốt đề án 1816 của Bộ Y tế về chuyển giao kỹ thuật cho các BV tuyến dưới. Hiện tại đề án trên đang được triển khai khá tốt tại các tỉnh ĐBSCL, nhất là tại Cần Thơ.

Ngoài nguồn nhân lực, phải tăng cường trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng khám và điều trị. Dự án hỗ trợ y tế ĐBSCL, trong những năm qua đã mang lại nhiều thay đổi cho các BV trong vùng ĐBSCL. Nhiều thiết bị y tế đã được mua và sử dụng khá hiệu quả như máy siêu âm 3 – 4 màu, máy chụp CT – Scaner, Emri 1.5… Song, nhìn chung có những BV được đầu tư trang thiết bị tương đối khá nhưng lại thiếu nhân sự biết sử dụng nhuần nhuyễn nên nhiều nơi chưa phát huy được.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao hay sắm trang thiết bị y tế hiện đại… là những bước quan trọng nhất để nâng cao chất lượng điều trị cho các BV ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, thái độ phục vụ, phong cách thầy thuốc cũng là những yếu tố quan trọng để người bệnh đừng ngại đến với BV. Đây cũng là bước đệm để tiến tới xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu tại ĐBSCL, và là giải pháp lâu dài để giảm tải cho các BV ở TPHCM.

"Có một thực tế, các bác sĩ học ở Cần Thơ về lại địa phương nhiều. Còn học ở TPHCM hầu hết đều không trở lại, họ sẵn sàng bồi thường kinh phí đào tạo để được làm việc ở những nơi có điều kiện phát triển nghề nghiệp hơn"

PGS-TS Phạm Văn Lình,
Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ

Đình Tuyển

Giảm tải cho bệnh viện tuyến trên

- Bài 1: Mong được… quá tải!

Tin cùng chuyên mục