Giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Bài 1: Mong được… quá tải!

Hàng ngày, có rất nhiều người ở ĐBSCL không ngại đường xa lên TPHCM khám và trị bệnh. Nhiều người sẵn sàng chen lấn, chờ đợi cả buổi chỉ để khám sức khỏe hay trị một số bệnh thông thường mà nhiều bệnh viện ở miền Tây dư sức thực hiện. Nghịch lý này vừa lý giải một phần nguyên nhân quá tải ở các bệnh viện tại TPHCM, vừa cho thấy chất lượng điều trị của các bệnh viện ở ĐBSCL chưa làm người dân an tâm.
Giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Bài 1: Mong được… quá tải!

Hàng ngày, có rất nhiều người ở ĐBSCL không ngại đường xa lên TPHCM khám và trị bệnh. Nhiều người sẵn sàng chen lấn, chờ đợi cả buổi chỉ để khám sức khỏe hay trị một số bệnh thông thường mà nhiều bệnh viện ở miền Tây dư sức thực hiện. Nghịch lý này vừa lý giải một phần nguyên nhân quá tải ở các bệnh viện tại TPHCM, vừa cho thấy chất lượng điều trị của các bệnh viện ở ĐBSCL chưa làm người dân an tâm.

  • Vắng như bệnh viện tỉnh

Tuy là ngày đầu tuần nhưng từ bãi giữ xe đến sảnh lớn bên trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng khá vắng vẻ. Những hàng ghế trước khu đăng ký khám bệnh và phát thuốc bảo hiểm y tế chỉ có vài người ngồi chờ siêu âm, một số người đợi nhận thuốc. Lý giải sự đìu hiu này, một điều dưỡng cho biết: “Ở đây hầu hết bà con nghèo đến khám, họ ở các huyện xa nên thường đi buổi sáng, còn buổi chiều ít bệnh nhân lắm”.

Gần hết buổi chiều, đồng hồ điện tử báo số người đăng ký khám bệnh trong ngày cũng chỉ trên 150 người - con số quá khiêm tốn so với một bệnh viện đa khoa cấp tỉnh. Bà Huỳnh Lan Phương, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Bệnh viện có quy mô 700 giường, thực kê 849 giường, và lúc nào số người bệnh nằm điều trị cũng ngang hoặc cao hơn số giường bệnh. Nhưng qua khảo sát, chúng tôi thấy, nhiều phòng bệnh còn trống trải, vắng vẻ nhất là các chuyên khoa mắt, răng – hàm – mặt, tai – mũi – họng, y học cổ truyền. Riêng khoa tâm thần gần như không có người bệnh điều trị nội trú.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Các, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, nhìn nhận: “Ở đây thường chỉ quá tải khi có đợt dịch bệnh và những ngày đầu tuần. Nhưng so với các bệnh viện tuyến trên không căng thẳng bằng”.

Nhiều phòng bệnh nội trú ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thường xuyên trống trải.

Nhiều phòng bệnh nội trú ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thường xuyên trống trải.

Tương tự, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cũng có những buồng chỉ 2 bệnh nhân/9 giường bệnh. Khoa Nhi ở lầu 2 có lượng bệnh nhi nội trú tương đối nhiều nhưng cũng không lấp hết số giường. Một điều dưỡng trực cho biết: “Khoa Nhi bao giờ cũng đông hơn các khoa khác vì khi trẻ bệnh, phụ huynh thường đưa đến bệnh viện gần nhất điều trị, những ca nặng mới chuyển lên tuyến trên; sản khoa cũng vậy, khám rồi sinh tại tỉnh thuận lợi hơn nên ít người lên tuyến trên”.

TP Cần Thơ, nơi được xem là trung tâm y tế của ĐBSCL nhưng số người bệnh đến khám chữa bệnh ở các bệnh viện cũng chưa tương xứng với khả năng đáp ứng của các bệnh viện.

Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ quy mô 500 giường, là một trong những bệnh viện lớn nhất ở ĐBSCL nhưng rất ít khi xảy ra tình trạng quá tải. Hiện bình quân mỗi ngày có 1.600 lượt người khám bệnh ngoại trú; số bệnh nội trú điều trị cũng chỉ khoảng 500 người/700 giường thực kê. Vì vậy ở hầu hết các khoa, phòng khám đều không đến nỗi căng thẳng.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ - bệnh viện tuyến cao nhất ở ĐBSCL hiện có số giường thực kê vào khoảng 1.000 giường. Số bệnh nhân nội trú ở đây cũng chỉ dao động từ 900 – 1.050 bệnh, nên gần như không có tình trạng bệnh nhân phải nằm chung một giường.

  • Bệnh nhân chưa an tâm điều trị

Nói đến chuyện người dân ĐBSCL đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trên ở TPHCM khám và trị bệnh, một bác sĩ ở Sóc Trăng kể: “Hôm trước tôi lên TPHCM bằng xe đò, nghe hành khách trên xe nói chuyện, mới biết có cả chục người rủ nhau lên TPHCM khám bệnh. Là bác sĩ ở tỉnh thấy cũng buồn, nhưng nghĩ lại, bệnh viện huyện, tỉnh có yếu thì người dân mới phải tốn kém đi xa”.

Tiếp xúc với những người thường xuyên lên TPHCM khám bệnh, có thể nhận ra tâm lý chung là họ chưa cảm thấy an tâm khi điều trị tại địa phương. Anh Lê Quang Tự, ngụ phường 5, TP Vĩnh Long nói: “Chỉ có cấp cứu mới đi bệnh viện tỉnh, còn khám hay trị bệnh, tôi hay lên TPHCM vì thấy an tâm hơn”.

Rõ ràng, trong suy nghĩ của nhiều người dân, chất lượng điều trị ở các bệnh viện ĐBSCL, nhất là các bệnh viện tỉnh rất đáng lo ngại. Điều này không phải không có cơ sở.

Bác sĩ Thạch Văn Hùng, khoa ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng cho biết: “Thường mỗi ca trực cấp cứu chỉ có 2 bác sĩ. Một người nội khoa và một ngoại khoa. Do vậy khi gặp trường hợp nội nhi cũng phải làm luôn. Những lúc nhiều người bệnh quá, bác sĩ nội khoa cũng phải khám ngoại và ngược lại bác sĩ ngoại khoa cũng phải khám nội. Phải bao sân nên chất lượng chẩn đoán không đảm bảo, dễ xảy ra sự cố”. Thiếu nhân lực có chuyên môn cao nên khi có căn bệnh tương đối khó, các bác sĩ tuyến huyện, tỉnh thường chuyển lên tuyến trên cho “an toàn”.

Nhiều phòng bệnh nội trú ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thường xuyên trống trải. Ảnh: ĐÌNH TUYỂN

Nhiều phòng bệnh nội trú ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thường xuyên trống trải. Ảnh: ĐÌNH TUYỂN    

Theo một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, rất nhiều ca chuyển viện từ tuyến tỉnh lên chẩn đoán sai bệnh; trong đó tỉnh Sóc Trăng chiếm tỷ lệ chẩn đoán sai khá cao. Còn vài điều khiến người bệnh ở ĐBSCL chưa thực sự an tâm với chất lượng điều trị ở các bệnh viện, trung tâm y tế trong vùng vì vẫn còn những “hạt sạn” như vụ “bác sĩ mổ nội soi cắt thận móng ngựa ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ” hay những vụ bệnh nhân tử vong do tắc trách của bác sĩ như từng xảy ra ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau…

Chính những vụ việc như trên ít nhiều gây mất niềm tin đối với người bệnh, chưa kể thái độ phục vụ, phong cách thiếu gần gũi, dễ gây “mất cảm tình” của đội ngũ y bác sĩ.

Để giảm tải gánh nặng cho tuyến trên, đã đến lúc các bệnh viện tuyến dưới tại ĐBSCL cần phải cải tổ về chất lượng điều trị. Điều này không chỉ có ý nghĩa giảm tải cho các bệnh viện ở TPHCM mà còn giúp tăng nguồn thu cho bệnh viện, qua đó tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên để họ an tâm công tác. Tuy nhiên, làm thế nào để người bệnh tin tưởng đến điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện tỉnh là cả một chặng đường dài đầy gian nan với ngành y tế ĐBSCL.

ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục