Dịch bệnh tay chân miệng đang bùng phát - Chật vật đối phó

Chết vì chẩn đoán nhầm
Dịch bệnh tay chân miệng đang bùng phát - Chật vật đối phó

Mới 3 tháng đầu năm 2012 nhưng cả nước đã có 21.295 ca mắc tay chân miệng, trong đó ghi nhận 16 ca tử vong. Hiện 63 tỉnh thành đã có dịch bệnh tay chân miệng lây lan và có nguy cơ lan rộng, khó kiềm chế, nhất là ở khu vực phía Nam.

Nhiều bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM có biến chứng lên não. Ảnh: Tr.Ng.

Nhiều bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM có biến chứng lên não. Ảnh: Tr.Ng.

Chết vì chẩn đoán nhầm

Là một trong những tỉnh đang “nóng nhất” về dịch tay chân miệng, 3 tháng qua An Giang đã có 4 ca tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang không khỏi đau lòng khi báo cáo về công tác điều trị bệnh dịch tay chân miệng ở địa phương do còn nhiều yếu kém nên chưa kịp thời cứu sống các ca bệnh. Trong đó, nguyên do được xác định hai trường hợp tử vong là chẩn đoán nhầm. “Một phần bệnh cảnh của bệnh tay chân miệng rất khó phát hiện và có những biểu hiện tương tự các bệnh khác, một phần chuyên môn của bác sĩ chưa cao, chưa được tập huấn tốt”, vị lãnh đạo bệnh viện tỉnh An Giang ngậm ngùi.

Cũng đang trong cao điểm dịch tay chân miệng bùng phát, tỉnh Khánh Hòa được liệt vào danh sách những tỉnh thành có ca mắc cao với 576 ca tính từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đó chỉ là con số thống kê được, thực tế có thể cao hơn. Điều đáng nói, do các bệnh viện tuyến dưới chưa có kinh nghiệm trong điều trị nên hầu hết ca bệnh đều chuyển dồn về tuyến tỉnh…

Theo TS Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện 63 tỉnh thành đã có dịch bệnh tay chân miệng lây lan, trong đó 10 tỉnh có tỷ lệ mắc cao nhất là Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hòa Bình và Hậu Giang.

Riêng khu vực miền Nam đã ghi nhận 9.337 ca mắc tay chân miệng (chiếm 43,8% số mắc của cả nước) và đứng đầu về số trường hợp tử vong (13 ca, chiếm 81,3% số tử vong của cả nước). “Năm nay dịch tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp và khó lường bởi có nhiều tuýp virus gây bệnh, tỷ lệ người lành mang trùng bệnh trong các ổ dịch tới 71%”, TS Dương khuyến cáo.

Tuy vậy, điều quan ngại nhất vẫn là tỷ lệ tử vong do tay chân miệng chưa có dấu hiệu giảm. Trong đó không ít trường hợp tử vong do chẩn đoán nhầm bệnh hoặc được chuyển viện không an toàn. Qua nghiên cứu 153 trường hợp trong tổng số 169 trường hợp tử vong do tay chân miệng trong năm 2011, BS Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết tuổi trung bình mắc và tử vong do tay chân miệng là dưới 3 tuổi. Trong 153 ca tử vong đến 40 ca có nguyên nhân chẩn đoán nhầm thành viêm phổi, sốt xuất huyết, viêm màng não, sốc nhiễm trùng… “Hầu hết các ca chẩn đoán nhầm là do cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên”, BS Tiến nói. Chưa hết, điều tra bệnh sử của 153 trường hợp tử vong do tay chân miệng, BS Tiến ghi nhận 24 trường hợp chuyển viện không an toàn.

Chỉ có... niềm tin

Tuy dịch tay chân miệng đang vào mùa bùng phát và rất nguy hiểm đến tính mạng của nhiều trẻ em, nhưng thông tin từ hội nghị tăng cường biện pháp giảm tử vong hôm qua cho thấy năng lực chẩn đoán, điều trị cũng như trang thiết bị còn rất hạn chế.

Theo các chuyên gia y tế, điều trị bệnh tay chân miệng cần nhất là máy giúp thở nhưng hiện hầu hết các bệnh viện huyện không có, thậm chí cả bệnh viện tỉnh cũng không có cái nào. Có bệnh viện tỉnh có 2 cái thì một cái bị hỏng, còn một cái hoạt động lúc được lúc không.

Theo lãnh đạo một số bệnh viện tỉnh, hiện công tác điều trị bệnh tay chân miệng còn rất nhiều hạn chế như không theo dõi sát bệnh nhân, nhập viện trong tình trạng sốc nặng, hỗ trợ hô hấp trễ, thời điểm sử dụng thuốc đặc hiệu Gamma Globumin không phù hợp. Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết từ nay đến tháng 9-2012 phải giảm một nửa số ca tử vong so với năm 2011. “Đó là niềm tin. Giảm ca tử vong là nằm trong tầm tay của thầy thuốc Việt Nam nếu làm, làm quyết liệt theo phác đồ điều trị”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, không thể kiểm soát hết ca mắc tay chân miệng thì coi tương tự dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy năm nào cũng nhiều ca mắc nhưng nhất quyết phải giảm ca tử vong. Để làm được điều này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối gồm BV Nhi Trung ương, Nhiệt đới Trung ương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhiệt đới TPHCM thành lập ngay các đơn vị huấn luyện điều trị bệnh tay chân miệng. Đồng thời phải phân tuyến điều trị phù hợp. “Hiện Bộ Y tế vừa ban hành tiếp phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng mới, phải cập nhật ngay cho bác sĩ. Nhưng quan trọng, phải biết sàng lọc bệnh từ đầu, tiếp đến mới điều trị tích cực. Quan trọng nữa là phải có điều dưỡng túc trực chăm sóc điều trị bệnh nhân chứ tôi thấy nhiều bệnh nhân chết là do giữa lúc giao ca không có y tá, điều dưỡng chú ý”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện tuyến tỉnh phải chịu trách nhiệm về các ca tử vong do tay chân miệng…

Mặc dù Bộ Y tế quyết liệt giảm ca tử vong tay chân miệng là thế nhưng thực tế với những khó khăn về trang thiết bị, hạn chế về chuyên môn hiện nay của các bệnh viện tuyến huyện, thậm chí tuyến tỉnh thì quả thực rất khó.

Tường Lâm


TPHCM: Số ca tay-chân-miệng giảm 51 ca so với tuần trước

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tình hình dịch bệnh tay-chân-miệng tại TPHCM giảm 51 ca so với tuần trước (162/213 ca). Tính từ đầu năm đến nay, tại TPHCM đã có 2 ca tử vong tay-chân-miệng (bằng với số ca tử vong trong cùng kỳ năm 2011). Trong khi đó, số ca tử vong do sốt xuất huyết là 3 ca, cao nhất so với thời kỳ từ năm 2006 đến nay.

Ngày 6-4, UBND tỉnh Quảng Nam phát động hưởng ứng “Chiến dịch quốc gia phòng, chống bệnh tay chân miệng”. Theo thống kê của tỉnh Quảng Nam, trong 3 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã có 330 ca tay chân miệng. Tuy nhiên chưa có trường hợp tử vong. Riêng 2 huyện miền núi Nam Giang và Tây Giang chưa có ca nào nhiễm bệnh tay chân miệng. Trong 3 tuần vừa qua, số ca mắc có xu hướng tăng cao, bình quân 1 tuần có thêm từ 30 - 35 ca nhiễm mới.

T.Đạt - Ng.Khôi

Tin cùng chuyên mục