Truy xuất nguồn gốc chất tạo nạc

Sáng 13-4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề về chất tạo nạc và an toàn thực phẩm. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, cần phải tăng cường kiểm soát để ngăn chặn việc lạm dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Sáng 13-4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề về chất tạo nạc và an toàn thực phẩm. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, cần phải tăng cường kiểm soát để ngăn chặn việc lạm dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tình trạng sử dụng chất tạo nạc là đáng báo động, cần phải xử lý triệt để tận gốc các cơ sở chăn nuôi vi phạm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sử dụng.

Theo ông, tại các vùng ven TPHCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi có trên 20 tiệm thuốc thú y bán loại chất siêu tăng trọng. Các khu vực khác như Dĩ An (Bình Dương); Biên Hòa, Trảng Bom (Đồng Nai) cũng có gần 30 cửa hàng bán các loại chất cấm này. Đây là chất được sản xuất tại Trung Quốc, không mùi, không màu.

Tại TPHCM và các tỉnh lân cận có hơn 10 đường dây, đầu nậu quy mô lớn, có hệ thống lấy hàng theo các chuyến xe tải chở về các tỉnh phía Nam và bỏ sỉ cho các cửa hàng bán thuốc thú y. Chất tạo nạc nguyên chất bán trên thị trường với giá 20-25 triệu đồng/kg, nhưng sau đó các đầu nậu thường pha trộn với nhiều loại thuốc khác để bán giá 500.000 – 1,2 triệu đồng/kg. Nếu heo nuôi theo cách thông thường thì phải sau 4 tháng mới xuất chuồng, nhưng khi có “thần dược” thì chỉ nuôi khoảng hơn 3 tháng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, mặc dù hiện nay các cơ quan chức năng liên tục bắt giữ các vụ nhập lậu chất tạo nạc vào nội địa song khi kiểm tra trên sản phẩm thịt (bằng định lượng) thì tỷ lệ chất tạo nạc đã giảm khá rõ.

Cụ thể là khi kiểm tra, thu thập các mẫu phân tích tại phòng kiểm định, tỷ lệ chất cấm chỉ còn có 4,8% trong thức ăn chăn nuôi và 4,4% trong thịt và nội tạng heo. Trong khi trước đó, đã có thông tin cho rằng tỷ lệ chất cấm trong thịt heo tới 43%, theo ông Dương thì đây chỉ là tỷ lệ được xác định bằng định tính, độ chính xác không đảm bảo.

Để có kết quả chính xác, cần phải thông qua kiểm tra định lượng và với tỷ lệ chất cấm giảm như hiện nay thì thịt có chất tạo nạc không phải nhiều trên thị trường, người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm sử dụng.

Tuy nhiên khi mua thịt heo, người tiêu dùng cũng có thể phân biệt được thịt có chất tạo nạc so với loại thịt bình thường bằng mắt.

Theo TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), heo sống có chất tạo nạc thì da mỏng bóng, căng mọng (như bị ứ nước bên trong), có thể có các đốm xuất huyết, đi đứng chậm chạp, các khu vực vai, mông, lưng, đùi có cơ ụ cao. Còn nếu quan sát lát cắt của thịt thì da rất mỏng, lớp mỡ dưới da chỉ dưới 0,4cm (bình thường là 1 - 1,5cm), ấn tay vào có cảm giác căng cứng, mặt cắt thịt thường ướt, mùi thịt không thơm tự nhiên.

Còn TS Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia lại nhận định, việc cấm sử dụng các chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi là cần thiết, nhưng cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi không có nghĩa là hàm lượng của các chất này trong thực phẩm phải bằng “không”.

TS Hồng Hảo lý giải, vì nhiều khi gia súc không cho ăn chất tạo nạc nhưng trong thịt vẫn có hàm lượng Beta-agonist do nhiễm từ nhiều nguồn khác, với điều kiện là hàm lượng rất thấp, dưới ngưỡng nguy hại. Trên thế giới, nhiều nước vẫn cho phép sử dụng các chất tạo nạc như: Mỹ, Canada, Australia , Brazil, Mexico, Thái Lan…

Song, TS Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng vẫn cần phải kiểm soát chất tạo nạc, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng và yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt khâu nhập khẩu và có cơ chế để truy xuất nguồn gốc của những sản phẩm thịt bị phát hiện có chứa chất tạo nạc trên thị trường.

Bộ NN-PTNT cũng cho biết vừa ban hành Thông tư 66, hiệu lực từ 1-7-2012 để siết chặt quản lý thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Theo đó tất cả các lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kiểm tra chất lượng để ngăn ngừa chất cấm. 

PHÚC HẬU 

Ngày 13-4, đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội tiến hành kiểm tra việc kinh doanh gia súc, gia cầm và truy tìm thịt heo chứa chất tạo nạc (chất cấm nhóm Benta - agonits sử dụng trong chăn nuôi) tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn thủ đô.

Tại chợ Nghĩa Tân, địa điểm kinh doanh nhiều gia súc, gia cầm giết mổ sẵn, đoàn đã phát hiện một số tồn tại như điều kiện vệ sinh khu vực bày bán thực phẩm bẩn thỉu, hàng thịt heo sống và chín bày xen lẫn, các bàn bày bán thịt heo không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.

Tương tự, tại siêu thị Big C cũng tồn tại sai phạm như một số sản phẩm thịt đóng gói do siêu thị mua lô về tự sơ chế đóng gói không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng không ghi đầy đủ theo quy chế nhãn mác. Đoàn kiểm tra đã lấy 5 mẫu thịt heo tươi tại chợ Nghĩa Tân và siêu thị Big C để gửi Viện Chăn nuôi – Bộ NN-PTNT làm kiểm nghiệm, tìm xem có chứa chất tạo nạc hay không. Nếu phát hiện có mẫu thịt chứa Benta - agonits sẽ tiếp tục truy tìm nguồn gốc.

NG.QUỐC


- Thông tin liên quan:

>> Hưng Yên: Giữ hơn 7 tấn nghi chất tạo nạc

Tin cùng chuyên mục