Chưa phát hiện ca bệnh nhiễm virus gây hội chứng phổi Hantavius tại Việt Nam

(SGGPO). - Phản ứng trước thông tin từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đã có hàng ngàn người từng đến Công viên quốc gia nổi tiếng thế giới Yosemite ở Mỹ có khả năng nhiễm loại virus gây hội chứng phổi từ loài gặm nhấm nhỏ, sáng nay, 6-9, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận việc xuất hiện bệnh nhân nhiễm virus gây hội chứng phổi Hantavius (HPS). Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ căn bệnh nguy hiểm này.

(SGGPO). - Phản ứng trước thông tin từ Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đã có hàng ngàn người từng đến Công viên quốc gia nổi tiếng thế giới Yosemite ở Mỹ có khả năng nhiễm loại virus gây hội chứng phổi từ loài gặm nhấm nhỏ, sáng nay, 6-9, TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận việc xuất hiện bệnh nhân nhiễm virus gây hội chứng phổi Hantavius (HPS). Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ căn bệnh nguy hiểm này.

Trước đó, CDC có thông tin cảnh báo khoảng 10.000 người từng đến Công viên quốc gia Yosemite ở Mỹ có khả năng nhiễm loại virus gây hội chứng phổi Hantavirus (HPS). Đặc biệt, trong đó đã ghi nhận 2 ca tử vong và 4 người được xác nhận là đã nhiễm bệnh từ virus này nhưng may mắn sống sót. Đây là loại virus được cho là lây nhiễm từ các loài gặm nhấm nhỏ như chuột.

Theo CDC, những người nhiễm loại virus này sẽ xuất hiện triệu chứng giống như người bị cảm cúm như đau đầu, vàng da, đau cơ, ho và thở dốc và ngày càng khó thở dẫn đến tử vong.

Liên quan tới ca bệnh viêm não – màng não do đơn bào Naegleria fowleri gây ra được ghi nhận lần đầu tiên ở nước ta, TS Bình cho biết: Đây là một bệnh hiếm gặp nhưng có tỉ lệ tử vong rất cao, diễn biến nhanh. Bệnh này đã xuất hiện rải rác trên thế giới từ những năm 1960 nhưng chưa thành dịch. Trong vòng 49 năm từ 1962 đến  2011, tại Hoa Kỳ mới chỉ ghi nhận 123 trường hợp nhiễm. Đơn bào Naegleria fowleri sống phổ biến ở khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong môi trường nước ngọt như hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo....

Đến nay, chưa ghi nhận loại đơn bào này sống ở môi trường nước mặn và ở những vùng có khí hậu lạnh. Đơn bào Naegleria fowleri phát triển tốt nhất trong môi trường nhiệt độ từ 35 – 46 độ, đặc biệt ở những nơi nước nông, có cặn bẩn, còn nước ở ao hồ sâu quá thì loại đơn bào này không phát triển.

Về việc người dân hoang mang lo lắng vì loại đơn bào Naegleria fowleri có thế xuất hiện ở các bể bơi, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, hầu hết các bể bơi ở nước ta đều được khử khuẩn bằng dung dịch Clo hóa nên đơn bào này rất khó để tồn tại, vì thế người dân có thể yên tâm đến các bể bơi đã được khử khuẩn an toàn.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên thận trọng đối với những nơi nước hồ, ao, sông, suối không được khử khuẩn. Đặc biệt là những hành vi nguy cơ cao như ngụp, lặn, bơi thì nên sử dụng kẹp mũi tránh để nước sộc vào mũi, vì đơn bào có trong nước bẩn rất dễ theo các niêm mạc mũi vào mạch máu và lên não. Trường hợp bị sặc nước lên mũi,  tốt nhất nên dùng dung dịch sát khuẩn mũi họng để xịt rửa mũi, đề phòng đơn bào di chuyển lên não vì khi đơn bào đã lên não thì tỉ lệ tử vong rất cao.

Ngoài ra, người dân khi có các biểu hiện sốt, sốt cao, đau đầu, cứng gáy, rối loạn thị giác thì nên đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trước việc thời gian gần đây xuất hiện một số bệnh lạ chưa rõ nguyên nhân gây hoang mang dư luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng, kiểm soát các bệnh chưa rõ nguyên nhân mới phát sinh, nhằm đáp ứng kịp thời, hiệu quả đối với công tác phòng chống các bệnh mới nổi, chưa rõ nguyên nhân trong cộng đồng. Ban chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng ban.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các hoạt động giám sát, phòng, kiểm soát và điều trị các bệnh chưa rõ nguyên nhân, mới phát sinh trên phạm vi toàn quốc. Chỉ đạo triển khai các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, truyền thông nguy cơ, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát và đánh giá các hoạt động dự phòng, kiểm soát và điều trị chưa rõ nguyên nhân, mới phát sinh.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục