Vụ 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine: Đề nghị WHO hỗ trợ tìm nguyên nhân

Đây là thông tin được TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết vào hôm qua (23-7). Cục trưởng Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, tới thời điểm này để có kết luận chính xác và khách quan nhất về vụ tai biến nghiêm trọng làm 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để gửi mẫu vaccine này đi xét nghiệm ở một phòng xét nghiệm độc lập tại nước ngoài.

        Chưa từng xảy ra

Cục trưởng Nguyễn Văn Bình cho biết, trong quá trình kiểm tra thực tế, nhằm xác định nguyên nhân vụ tai biến trên, đoàn công tác của Bộ Y tế đã phát hiện một sai sót trong quy trình tiêm chủng. Theo đó, tiêm chủng là một kỹ thuật phải thực hiện ở phòng tiêm nhưng bệnh viện lại tiến hành tiêm vaccine viêm gan B cho các cháu ngay tại phòng đẻ. Việc tiêm ở ngoài phòng tiêm như vậy có thể ảnh hưởng tới các phản ứng do điều kiện vô trùng không đảm bảo. Việc bảo quản vaccine tại bệnh viện cũng chưa đúng quy trình như: để vaccine lẫn lộn với các sinh phẩm khác, không ghi chép quản lý vaccine hàng ngày, không lưu vỏ, lọ đúng quy định. Trong trường hợp này phải phân tích từng sai sót một có ảnh hưởng tới tính mạng của 3 trẻ không, từ đó mới có thể quy kết trách nhiệm cụ thể.

Trước nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng vaccine là nguyên nhân dẫn tới cái chết của 3 cháu, nhất là trước khi vaccine được lấy ra tiêm cho các bé thì tủ lạnh bảo quản vaccine tại bệnh viện bị mất điện trước đó 2 giờ, ông Bình cho biết còn tùy thuộc vào từng loại vaccine. Có những loại vaccine, chẳng hạn như vaccine sởi, có thể để được ở nhiệt độ 37°C trong vài ngày. Ở mức độ nào đấy, việc bảo quản vaccine theo những quy định tương đối ngặt nghèo song các loại vaccine cũng có những giới hạn tự bảo vệ của nó. Trong thời gian ngắn, nếu nhiệt độ trong tủ lạnh bảo quản bị mất điện đột ngột hoặc nhiệt độ lên cao đột ngột thì chất lượng vaccine vẫn có thể duy trì đảm bảo.

        Có nên tiêm vaccine cho trẻ sau khi sinh 24 giờ?

Ngày 23-7, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, mặc dù 3 trẻ chết sau khi tiêm vaccine viêm gan B có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng nhưng cơ quan chức năng chưa khởi tố vụ án, vì đang điều tra tìm hiểu nguyên nhân. Trong ngày hôm nay (24-7) đơn vị sẽ cử người chuyển mẫu vaccine viêm gan B thu từ Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa đến Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để đánh giá chất lượng.

Hôm qua, một số chuyên gia y tế cho rằng nên điều chỉnh quy trình tiêm chủng, không nhất thiết phải tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ ngay 24 giờ đầu sau sinh để giảm tỷ lệ tai biến.

GS-TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vaccine và sinh phẩm y tế quốc gia, cho rằng, không nên tiêm vaccine cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh, càng không nên tiêm trong 24 giờ đầu khi chào đời để tránh những tác động lạ mà nên thực hiện mũi tiêm đầu tiên khi trẻ đã được 2-3 tháng tuổi.

GS-TS Nguyễn Đình Bảng cho biết, virus viêm gan lây qua 3 con đường chính gồm: đường tiêm truyền máu (tiêm chích ma túy), đường tình dục và từ người mẹ truyền cho con. Như vậy, đối với trẻ sơ sinh có thể loại trừ đường tiêm chích và đường hoạt động tình dục. Chỉ còn khả năng thứ ba là truyền từ người mẹ sang con. Tuy nhiên nếu chúng ta kiểm soát tốt người mẹ không bị viêm gan thì đứa con sẽ không bị nhiễm viêm gan.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Văn Bình cho biết: Năm 2007-2008, sau khi có nhiều trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine viêm gan B, những ý kiến trên cũng đã được đặt ra. Khi đó, Chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Cuối cùng, WHO vẫn khuyến cáo nên tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ ngay 24 giờ đầu sau sinh. Bởi lẽ qua các nghiên cứu, đối với những trẻ có bà mẹ bị viêm gan thì việc tiêm cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh, khả năng phòng bệnh viêm gan sau này sẽ tốt hơn so với những trẻ được tiêm muộn hơn.

Ngày 23-7, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở Y tế tỉnh khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân một trẻ sơ sinh ở huyện Tuy Phong tử vong sau khi tiêm vaccine ngừa viêm gan B. Trong khi chưa có ý kiến của Bộ Y tế và chưa xác định nguyên nhân tử vong, UBND tỉnh yêu cầu sở y tế rà soát, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tạm ngưng sử dụng lô vaccine viêm gan B có cùng seri với lô đã tiêm cho cháu bé trên.

Về trường hợp tai biến vaccine viêm gan B tại tỉnh Bình Thuận, ThS-BS Hồ Vĩnh Thắng, Trưởng nhóm tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam, cho biết, lô vaccine gây tai biến ở Bình Thuận không trùng với lô vaccine mà Viện Pasteur TPHCM vừa cấp cho TPHCM. Số lô vaccine mà TPHCM vừa nhận được là V-GB 010213E, còn số lô ở Bình Thuận là V-GB 010812E, dù đều do Vabiotech sản xuất. Mỗi năm TPHCM có nhu cầu tiêm chủng mũi 1 vaccine viêm gan B lên tới 100.000 liều nhưng chưa có tai biến đáng tiếc xảy ra.

NHÓM PV

- Thông tin liên quan:

>> Vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine: Khoanh vùng 3 nguyên nhân

Tin cùng chuyên mục