Tác hại của thuốc an thần

Tác hại của thuốc an thần

Chắc chắn sẽ không sót người nào nếu hỏi “đố ai chưa từng mất... ngủ?”. Nếu ở CHLB Đức mỗi năm người dân tiêu thụ trên một tỷ viên thuốc ngủ thì ở nước mình cũng không khá gì hơn với số khách hàng cần ngủ cho yên giấc để sáng mai còn sức kéo cày! Đáng nói là không thiếu thuốc ngủ nhưng không tìm được nhà sản xuất thuốc an thần từ hóa chất tổng hợp nào dám quả quyết là thuốc không gây phản ứng phụ! Một trong các hậu quả do lệ thuộc thuốc ngủ, bên cạnh triệu chứng run tay, đãng trí, lờ đờ, mệt mỏi, thay đổi cá tính, lại chính là... mất ngủ khi thiếu thuốc! Theo kết quả nghiên cứu ở Hoa Kỳ, người dùng thuốc an thần nếu kéo dài hơn 3 tháng dễ bị:

- Lo sợ vô cớ.

- Mất ngủ dưới dạng thức quá sớm và thức luôn đến sáng.

- Nín thở trong khi ngủ khiến thiếu máu đột ngột trong não và trên thành tim.

- Trầm uất đến độ phân liệt cá tính dưới dạng hoang tưởng và khuynh hướng tự tử.
Theo chuyên gia về giấc ngủ ở Đức, lệ thuộc thuốc ngủ là đòn bẩy dẫn đến “hội chứng mệt mỏi kinh niên”. Vì thế, thầy thuốc ở Trung tâm nghiên cứu về giấc ngủ ở Stuttgart đã cảnh báo cả người dùng thuốc lẫn người cho thuốc:

Nhiều người hay sử dụng thuốc an thần với mong muốn tìm thấy giấc ngủ cho mình. Ảnh: T.L.

Nhiều người hay sử dụng thuốc an thần với mong muốn tìm thấy giấc ngủ cho mình. Ảnh: T.L.

- Đừng dùng thuốc an thần lâu hơn 3 tuần mà không truy tìm nguyên nhân gây mất ngủ.

- Giảm dần liều lượng cho đến khi ngưng thuốc, đừng quá nhanh nhưng phải ngưng thuốc cho bằng được.

- Thay thế thuốc hóa chất bằng dược thảo hay bằng liệu pháp khác như châm cứu, thiền định, dưỡng sinh… càng sớm càng tốt.

Lời khuyên đó càng hợp lý hơn nữa khi nhiều kết quả nghiên cứu dài hạn cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa lạm dụng thuốc ngủ và tai biến mạch máu não. Ngoại trừ trường hợp bất khả kháng, uống chi thuốc độc từng đêm?

Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục