Tăng dần tỷ lệ hộ cận nghèo có BHYT

Tăng dần tỷ lệ hộ cận nghèo có BHYT

(SGGP).- Ngày 4-3, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và đến năm 2020”.

Thông tin tại đây cho thấy, đến hết năm 2014, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật BHYT đã cơ bản được ban hành, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện luật đồng bộ.

Người dân đăng ký khám bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, một thực tế nổi lên là một số nhóm đối tượng tham gia BHYT có tỷ lệ thấp, nhất là đối tượng cận nghèo mới tham gia 40% (khoảng 2,5 triệu người); hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống dưới trung bình; người lao động thuộc doanh nghiệp tư nhân và nhóm đối tượng tham gia tự nguyện…

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Mục tiêu phấn đấu đặt ra là đến năm 2015 đạt tỷ lệ bao phủ 75% dân số và đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ 80% dân số. Qua quá trình triển khai thực hiện, đến hết năm 2014, tỷ lệ bao phủ đã đạt được 71,6% dân số, vượt mục tiêu đề án đề ra.

Cùng với chất lượng công tác khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên, người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao, Thủ tướng cho rằng, những kết quả đạt được đã góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo, phát triển bền vững; đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; phấn đấu quyết liệt hơn để đạt mục tiêu năm 2015 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 75% dân số, đến 2020 đạt 80%. “Phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khám chữa bệnh, bảo đảm cho người tham gia BHYT được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao và chi phí của người bệnh giảm”, Thủ tướng nêu rõ.

Nghiêm túc thực hiện BHYT đối với các đối tượng bắt buộc. Tiếp tục hỗ trợ, tuyên truyền vận động mua bảo hiểm để tăng dần tỷ lệ hộ cận nghèo có BHYT. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, sau cuộc họp sẽ ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện tốt hơn nữa chủ trương BHYT toàn dân trong thời gian tới.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 và chỉ đạo các biện pháp tiếp tục thực hiện đề án này trong thời gian tới. Theo Bộ Y tế, sau 2 năm triển khai đề án giảm quá tải bệnh viện, tình trạng quá tải tại khu vực điều trị nội trú đến nay đã được cải thiện đáng kể. 58% tổng số bệnh viện tuyến trung ương trước đây có tình trạng nằm ghép đã và đang có xu hướng giảm số khoa có tình trạng này và nhiều bệnh viện cam kết không còn tình trạng nằm ghép.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, từ năm 2008 đến nay, không kể đầu tư của khu vực tư nhân, Nhà nước đã dành nguồn lực hơn 120.000 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực y tế. Cùng với nỗ lực của toàn ngành, y tế nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu lớn, quan trọng. Sau 2 năm triển khai đồng bộ các biện pháp chống quá tải, với việc tăng thêm gần 39.000 giường bệnh, trong đó có trên 15.000 giường từ các bệnh viện xây mới; thực hiện các nỗ lực chuyển giao kỹ thuật cao và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh viện tuyến dưới… đã góp phần giảm quá tải bệnh viện hơn 30%, nhất là ở các bệnh viện tuyến trung ương. “Phải quán triệt trong ngành là giảm quá tải phải đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đây là mục tiêu kép, nếu không đạt được thì giảm quá tải cũng không có ý nghĩa” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị, trước hết Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo thúc đẩy việc hoàn thành xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối đã được phê duyệt và bố trí vốn, trong đó có 3 bệnh viện đã khởi công là Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2), Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2) và Bệnh viện Nhi TPHCM (cơ sở 2); thúc đẩy để sớm khởi công các Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ở TPHCM. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế lên kế hoạch các bệnh viện cần xây dựng trong giai đoạn 2016-2020 để Chính phủ tính toán bố trí nguồn vốn ngân sách; đồng thời có các cơ chế để huy động nguồn lực đầu tư. “Nếu chỉ chờ ngân sách thì không biết bao giờ mới xong và cũng sẽ khó có được bệnh viện có chất lượng cao. Bệnh viện nào cam kết tự chủ, Chính phủ sẽ cho vay ưu đãi, thậm chí vay không lãi để đầu tư và cho phép điều chỉnh nhanh giá dịch vụ y tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Một giải pháp mang tính quyết định được Thủ tướng nhấn mạnh là để vừa giảm quá tải bệnh viện, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới. Thủ tướng cũng đồng ý việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với thực hiện tự chủ của các bệnh viện. Từ đó giảm cấp ngân sách chi thường xuyên cho các cơ sở y tế và dùng khoản kinh phí này để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, đối tượng chính sách.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục