Bệnh viện kiện bác sĩ bồi thường chi phí đào tạo

Sau làn sóng nở rộ các bệnh viện (BV), phòng khám tư nhân là hàng loạt bác sĩ từ các BV công lần lượt xin nghỉ việc. Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng các BV công “chảy máu chất xám” hay “hổng chân” nhân sự mà còn chịu thiệt thòi vì đã bỏ chi phí đào tạo. Có bác sĩ đơn phương nghỉ việc sẵn sàng bồi thường đúng cam kết, nhưng cũng có bác sĩ không chịu bồi thường, dẫn đến kéo nhau ra tòa. Không bồi thường thì kiện
Bệnh viện kiện bác sĩ bồi thường chi phí đào tạo

Sau làn sóng nở rộ các bệnh viện (BV), phòng khám tư nhân là hàng loạt bác sĩ từ các BV công lần lượt xin nghỉ việc. Điều này không chỉ dẫn đến tình trạng các BV công “chảy máu chất xám” hay “hổng chân” nhân sự mà còn chịu thiệt thòi vì đã bỏ chi phí đào tạo. Có bác sĩ đơn phương nghỉ việc sẵn sàng bồi thường đúng cam kết, nhưng cũng có bác sĩ không chịu bồi thường, dẫn đến kéo nhau ra tòa.

Không bồi thường thì kiện

BV Nhân dân 115 (TPHCM) đang nghiên cứu tiếp tục kháng án sau phán quyết của bản án phúc phẩm của Tòa án Nhân dân TPHCM rằng bác sĩ Lâm Bảo Cường chỉ đền bù 9 triệu đồng chi phí đào tạo, một con số rất thấp so với yêu cầu của BV là bồi thường 240 triệu đồng như đôi bên đã từng ký cam kết. “Vậy thì thiệt cho BV, khi các khoản chi phí từ tiền lương tăng thêm, tiền thưởng lễ tết không đòi được”, TS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 ngán ngẩm.

Bản cam kết của BS Lâm Bảo Cường ký với BV Nhân dân 115.

Theo TS Nguyễn Đình Phú, bác sĩ Cường được ký hợp đồng lao động không thời hạn, làm việc tại Khoa Ngoại từ năm 2010. Năm 2011, bác sĩ Cường được cử đi học chuyên khoa cấp I, chuyên ngành Ngoại chung, niên khóa 2011 - 2013 tại BV 175 (Bộ Quốc phòng). Hai bên đã ký cam kết với nội dung sau khi học xong, bác sĩ Cường sẽ làm việc cho BV 115 với thời gian gấp 3 lần khóa đào tạo (tức làm 6 năm); nếu không làm đủ cam kết thì sẽ bồi thường chi phí đào tạo và bồi thường gấp 3 lần các khoản thu nhập tăng thêm, trợ cấp đã nhận trong thời gian đi học. “Tuy nhiên, đến ngày 14-11-2012, chưa kết thúc khóa học thì ông Cường có đơn xin nghỉ việc với lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phòng Tổ chức cán bộ đã mời lên động viên tiếp tục làm việc nhưng ông Cường kiên quyết thôi việc”, TS Phú cho biết.

Được biết, hiện BV Nhân dân 115 có 62 bác sĩ đang theo học sau đại học. Trong đó, nghiên cứu sinh 5 người; thạc sĩ 10 người; chuyên khoa II có 25 người và chuyên khoa I có 22 người.

Trước đó, năm 2012, TAND quận 6 cũng đã thụ lý vụ kiện mà bị đơn là bác sĩ V.T.L công tác tại một BV của TPHCM. Phía BV đòi chi phí đào tạo và bồi thường số tiền gần 80 triệu đồng do không giữ đúng cam kết làm việc ít nhất 5 năm sau khi hoàn thành khóa học!

Cần có chế tài chặt chẽ

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, thực tế BV kiện bác sĩ đòi chi phí đào tạo là có, và điều này đã quy định trong Luật Viên chức. Đó là chưa kể Sở Y tế và BV các tỉnh, thành cũng có các đề án đào tạo bác sĩ theo địa chỉ và đã từng lôi nhau ra kiện vì sau khi đào tạo thì sinh viên, bác sĩ không chịu về tỉnh làm việc. “Đây là một thực tế mà các tỉnh, BV địa phương, kể cả BV ở thành phố lớn cũng đang lo vì không giữ được nguồn nhân lực, tạo ra lỗ hổng lớn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến dưới”, PGS Lương Ngọc Khuê băn khoăn.

Theo lãnh đạo một số BV của TPHCM, để đề xuất một cán bộ đi đào sau đại học hoặc bổ túc chuyên ngành thì căn cứ vào nhu cầu thực tế cần thiết để phục vụ chuyên môn, căn cứ đề xuất của khoa và nguyện vọng của cá nhân: tha thiết được học và sẽ phục vụ lâu dài cho BV. Nếu các bác sĩ sau khi đã tham gia khóa đào tạo lại nảy sinh ý định khác nhằm phục vụ cho cá nhân sẽ ảnh hưởng rất lớn trong phục vụ khám chữa bệnh cho người dân, đảo lộn về nhân sự, nhất là tuyến tỉnh, thiếu nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. “Một vấn đề nổi cộm hiện nay là nhiều bác sĩ tuyến tỉnh được cử đi đào tạo xong là ở lại thành phố. Vậy là BV tuyến dưới đã yếu lại càng yếu, mất niềm tin của người bệnh với tuyến cơ sở”, một lãnh đạo BV tuyến tỉnh trăn trở.

Bác sĩ khám bệnh tại Bệnh viện quận Bình Thạnh TPHCM.

Về việc đền bù chi phí đào tạo, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, khoản 3 Điều 35 Luật Viên chức 2010 đã quy định: Trong trường hợp viên chức được cử đi đào tạo, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc thì phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ. Theo các chuyên gia y tế, việc viên chức bác sĩ được cử đi học rồi tự ý xin nghỉ việc ra làm riêng hay làm cho cơ sở tư nhân là gây thiệt hại cho phía BV nói riêng và kinh phí nhà nước nói chung. Hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế đang tiến hành nhiều giải pháp nhằm củng cố, chuẩn hóa đội ngũ y bác sĩ với mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, giảm tải tuyến trên. Do đó, cần sớm có những chế tài chặt chẽ hơn để ràng buộc nhân lực ngành y sau đào tạo gắn bó lâu dài hơn với BV, y tế cơ sở.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục