Một năm trước, ngày 11-3 trở thành ngày tang thương trên toàn đất nước Nhật Bản. Thảm họa kép động đất và sóng thần bất ngờ xảy ra tại vùng Đông Bắc đã tước đi sinh mạng của hơn 15.800 người dân, nhiều khu vực bị tàn phá nặng nề, rò rỉ phóng xạ tại Fukushima. Khó khăn chồng chất khiến nhiều người cho rằng, Nhật Bản sẽ phải mất vài năm, thậm chí lâu hơn nữa để dọn dẹp đống đổ nát và xây dựng lại từ đầu. Nhưng chỉ một năm sau thảm họa, đất nước và con người xứ Mặt Trời mọc đã cho cả thế giới thấy sự kiên cường trong công cuộc tái thiết đất nước và khôi phục nền kinh tế.
Chung tay, góp sức
Chính quyền Nhật Bản đã cho thấy những nỗ lực không mệt mỏi trong việc điều hành và tái thiết đất nước. Công việc dọn dẹp đống đổ nát về cơ bản đã hoàn thành với cường độ làm việc cao của các kỹ sư, công nhân và hàng trăm đội tình nguyện trong nước và quốc tế tại các vùng chịu ảnh hưởng từ thảm họa kép.
Chỉ riêng tỉnh Miyagi, một trong ba tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất về người và của, đã có 16 triệu tấn chất thải thiên tai, tương đương với lượng chất thải dân sinh của tỉnh trong 19 năm, được dọn sạch, tạo điều kiện sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng. Cục Tái thiết của Nhật Bản được thành lập vào ngày 10-2 là bước đi tiếp theo nhằm tạo điều kiện thúc đẩy quá trình xây dựng lại các vùng bị thiệt hại trong vòng 10 năm.
Trong suốt một năm qua, Nhật Bản vẫn cử những đội tuần duyên đi tìm kiếm thi thể những nạn nhân bị mất tích tại các khu vực bị sóng thần, động đất tàn phá. Dù cơ may tìm kiếm thêm nạn nhân không nhiều nhưng những người tham gia tìm kiếm vẫn không có ý định từ bỏ việc làm này.
Kể từ khi thảm họa xảy ra, sự sẻ chia đau thương đối với nước Nhật cũng đến từ nhiều nước trên thế giới. Trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, đã trợ giúp cho Nhật Bản. Điều làm người dân Nhật Bản xúc động nhất hiện nay là vẫn còn nhiều tình nguyện viên người nước ngoài ở lại những vùng thảm họa để giúp cư dân xây dựng lại cuộc sống mới.
Tại Ishinomaki, địa phương chưa từng được coi là điểm đến của khách du lịch nước ngoài, nay đã trở thành nơi thực hiện các hoạt động tình nguyện của những bạn trẻ đến từ các quốc gia như Mỹ, Anh, Singapore, Canada… Họ xây dựng nhà tạm, dạy tiếng Anh, đem lại tiếng cười ấm áp cho những người dân đang chịu quá nhiều đau thương và mất mát.
Để khuyến khích người dân quay lại các khu vực bị tàn phá, chính phủ Nhật Bản đã ra sức kêu gọi, cam kết hỗ trợ cũng như xây dựng hàng loạt ngôi nhà tạm. Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã quyết định các mức đền bù cho những cư dân địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố của nhà máy điện hạt nhân.
Theo đó, với nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em dưới 18 tuổi, nếu tự nguyện sơ tán khỏi địa phương sẽ nhận được khoản tiền 600 ngàn yen (7.500 USD/người), trường hợp vẫn ở lại nơi cư trú sẽ nhận được 400 ngàn yen. Ngoài nhóm đối tượng này, những người dân khác sẽ được đền bù 80 ngàn yen/người, không phân biệt có đi sơ tán hay không.
Để việc trả tiền đền bù không chậm chễ, TEPCO không yêu cầu phải có giấy chứng nhận sơ tán, thay vào đó chỉ cần có giấy tờ như biên lai của các cơ sở cho thuê nhà ở cho nhóm đối tượng đã đi sơ tán.
Nỗ lực không ngừng
Theo dự báo, công cuộc tái thiết của Nhật Bản sẽ mất 10 năm và các tỉnh phía Đông bị tàn phá cần tới 230 tỷ USD. Trong khi đó, những hạt mầm phục hồi đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái toàn cầu và tình trạng đồng yen tăng giá đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Thêm một trở ngại nữa, tỷ lệ nợ công của Nhật Bản đang bỏ xa bất kỳ một nước phát triển nào trên thế giới, với con số lên đến 233,3% GDP. Con số này gấp đôi số nợ của Nhật Bản vào năm 1995 khi xảy ra trận động đất ở Kobe.
Tuy nặng nợ nhưng kinh tế Nhật hiện vẫn chưa lâm vào thảm họa như Hy Lạp, phần lớn nhờ tỷ lệ thất nghiệp thấp và trái phiếu chính phủ chủ yếu do các chủ nợ trong nước nắm giữ. Theo chính phủ Nhật, 95% dư nợ trái phiếu của Tokyo hiện nằm trong tay các nhà đầu tư trong nước, chỉ 5% do các chủ nợ nước ngoài nắm giữ.
Dưới sự kêu gọi của chính phủ, người dân Nhật Bản đã chứng tỏ mong muốn tài trợ cho công cuộc tái thiết. Hồi tháng 12, người dân ở đây đã hưởng ứng mua trái phiếu tái thiết. Mặc dù lãi suất tương đối thấp, nhưng đợt bán công trái này cũng đem lại gần 10 tỷ USD cho nỗ lực tái thiết.
Theo báo cáo vừa được công bố, GDP quý 4-2011 của Nhật Bản giảm 2,3%, mức suy giảm lớn nhất của cường quốc kinh tế lớn thứ 3 thế giới này, kể từ khi thảm họa động đất, sóng thần diễn ra. Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ năm 1947, chính quyền Nhật Bản phải 4 lần thông qua ngân sách bổ sung trong năm tài chính để hỗ trợ quá trình phục hồi. Khó khăn không dừng lại ở đó khi kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 9,8%, vượt dự báo 9,5% của giới chuyên gia, lên 5,985 tỷ yen.
Nguyên nhân chính là nhu cầu về nhiên liệu tăng 74,3% sau thảm họa sóng thần gây sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, thâm hụt thương mại Nhật Bản tăng 2,3%, ở mức 2.500 tỷ yen (32 tỷ USD), cao hơn so với dự báo 1,4% đưa ra trước đó. Đây là lần thâm hụt thương mại đầu tiên kể từ năm 1980. Nó không chỉ thách thức với nội các non trẻ của Thủ tướng Y.Noda, mà còn trở thành gánh nặng với các nhà xuất khẩu nước này khi phải đối phó với tình trạng đồng yen tăng giá, khiến giá thành sản phẩm tăng và làm giảm giá trị doanh thu từ nước ngoài.
Không thoái lui trước những khó khăn của nền kinh tế trong nước, các doanh nghiệp tại Nhật đã chuyển hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi vì nhận ra đây là những thị trường tiềm năng, giúp khôi phục và tăng cường sản xuất trong nước. Sự chuyển mình này đã giúp nền kinh tế Nhật xuất hiện gam màu sáng trong những tháng đầu năm 2012. Sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong tháng 1 vừa qua tăng 2%, cao hơn mức dự kiến được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó là 1,5%.
Có được kết quả này nhờ số lượng ô tô và sản phẩm điện tử bán ra tăng cao trong thời gian qua. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật cho biết, sản lượng công nghiệp tăng cho thấy các dấu hiệu đi lên của nền kinh tế. Một khảo sát mới đây được bộ trên tiến hành cho thấy sản lượng công nghiệp của Nhật sẽ tiếp tục tăng ở mức 1,7% trong tháng 2 và 3.
Sau thảm họa động đất năm 1995 ở Kobe, nước Nhật đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng. Các dự đoán khi đó cho rằng, Nhật Bản sẽ phải mất ít nhất 10 năm mới có thể tái thiết đất nước, nhưng chỉ trong 15 tháng, các nhà máy tại đất nước này trở lại hoạt động bình thường. Kinh nghiệm “đứng lên” của Nhật năm 1995 đang được áp dụng tối đa cho lần vực dậy này.
THANH HẰNG
| |||