Lối đi mới
Trong buổi tọa đàm về kinh tế tuần hoàn, nhân hội nghị POwR Earth Summit 2024 lần đầu tiên được tổ chức tại Paris từ ngày 13 đến 15-3 vừa qua, có rất nhiều chủ đề được nêu ra, chẳng hạn như việc tái sử dụng đá quý trong ngành trang sức, hay việc sử dụng nguyên liệu có “trách nhiệm hơn” trong ngành mỹ phẩm cao cấp. Giám đốc phát triển bền vững khu vực châu Âu của tập đoàn L’Oréal, ông Joel Tronchon, nêu ra những dự án mà tập đoàn chuyên về mỹ phẩm đã thực hiện, như sử dụng các nguyên liệu tái chế trong đóng gói sản phẩm.
Theo ông Tronchon, nếu xét từ đầu chuỗi giá trị của một sản phẩm là phải xét đến nguyên liệu. Thế nào là nguyên liệu mang tính tuần hoàn? Ông Tronchon lấy ví dụ về cánh hoa hồng để trả lời câu hỏi này. Hoa hồng được sử dụng rất nhiều trong mỹ phẩm hay nước hoa. Cách đây vài năm, L’Oréal chỉ lấy hoa, không sử dụng thân cây hoa hồng vì chúng được coi là rác thải nông nghiệp. Nhưng kể từ khi làm thử nghiệm lấy chiết xuất thân cây hoa hồng và phát hiện ra có các chất chống oxy hóa, L’Oréal đưa chúng vào các loại kem dưỡng da của Lancôme. Như vậy, L’Oréal đã tạo ra tính tuần hoàn đối với một nguyên liệu mà trước kia được coi là rác bỏ đi. Tập đoàn cũng có các đội ngũ nghiên cứu để xác định các sản phẩm nông nghiệp có thể sử dụng làm nguyên liệu mỹ phẩm, hạn chế các chất hóa học có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Các tập đoàn hàng xa xỉ nhanh nhạy bắt kịp độ “nóng” từ sự quan tâm đối với môi trường để xây dựng các chiến lược tiếp thị. Dù sao đi nữa, trên thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kinh tế tuần hoàn có thể đem lại lợi nhuận về lâu về dài cho doanh nghiệp. Ví dụ việc tái chế hoặc giảm sử dụng các bao bì đóng gói sản phẩm. Theo đó, thay vì mua một lọ nước hoa mới, người dùng có thể tiết kiệm bằng cách chỉ mua nước hoa được đóng gói tối giản, sau đó tự đổ vào lọ có sẵn. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng có thể áp dụng mức giá cao hơn vì tích hợp “phí bảo hiểm xanh” đối với những sản phẩm dễ tái chế.
Khó tuần hoàn triệt để
L’Oréal đã thông báo muốn đạt tiêu chuẩn “trung hòa carbon” trên toàn bộ các cơ sở sản xuất của tập đoàn từ nay đến năm 2025, thông qua việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo. L’Oréal đã đầu tư vào mỗi nhà máy của mình khoảng 300.000 EUR để xây dựng hệ thống sử dụng nước theo quy trình khép kín: nước qua sử dụng được lọc và tái sử dụng. Hệ thống này trên thực tế lại có lợi về lâu về dài. “Kinh tế tuần hoàn không có nghĩa là đi kèm với chi phí đắt đỏ mà còn có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp”, ông Tronchon nói.
Trong khi đó, tập đoàn LVMH đã đặt ra mục tiêu không sử dụng nhựa có nguồn gốc hóa thạch từ năm 2026. Tập đoàn này cũng khẳng định đã tăng cường việc sửa chữa các sản phẩm tại hơn 70 thương hiệu của mình như Berluti hay Louis Vuitton, với khoảng 600.000 sản phẩm/năm. Tập đoàn Kering của Italy, nắm giữ thương hiệu Gucci, đã mở một bộ phận chuyên phụ trách về kinh tế tuần hoàn vào năm 2023, nhằm xem xét lại tất cả quá trình, từ việc lựa chọn nguyên liệu thô, tối ưu hóa sản xuất đến tái sử dụng những mặt hàng chưa bán được.
Tuy nhiên, ông Daniel Halbheer, giảng viên Trường Thương mại Paris, cho rằng, rất khó để doanh nghiệp có thể đạt được tính tuần hoàn một cách triệt để. Bởi những hiệu ứng tích cực từ việc giảm chất thải, tái sử dụng nguyên liệu… đôi khi bị bù lại nhiều hơn qua việc tăng doanh số bán nhiều sản phẩm sinh thái hơn. Khi các sản phẩm được tái chế càng dễ thì càng có nhiều người sử dụng. Bên cạnh đó, theo tạp chí Forbes, trong bối cảnh các vấn đề về môi trường ngày càng được quan tâm, cần thận trọng trước các tham vọng về môi trường của các doanh nghiệp dán mác tẩy xanh (green washing) để thu hút người tiêu dùng. “Bởi cuộc đua tranh giành lợi nhuận và sự hài lòng của khách hàng vẫn là tôn chỉ của những gã khổng lồ hàng xa xỉ”, Forbes nhận định.