10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004

Mỗi người một lĩnh vực, một thế mạnh, yếu khác nhau nhưng cùng chung khát vọng được thể hiện hết khả năng, được làm giàu cho chính mình và cho xã hội.
10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004

Mỗi người một lĩnh vực, một thế mạnh, yếu khác nhau nhưng cùng chung khát vọng được thể hiện hết khả năng, được làm giàu cho chính mình và cho xã hội.

  • Nguyễn Thị Ngọc Chúc (TGĐ Công ty TNHH TM-SX Hoàng Quan)

Kinh doanh bằng thực tiễn

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 1

Là nữ doanh nghiệp duy nhất trong số 10 doanh nghiệp trẻ được bình chọn năm 2004, chị Chúc đến với kinh doanh  gần như duyên nợ. Lên 9 tuổi, chị mới cắp sách đến trường. Tốt nghiệp trung học năm 1987, chị xin làm công nhân  ở Công ty Nông sản thành phố.

Năm 1992, thấy loại keo dán đa năng 502 của Đài Loan được thị trường ưa chuộng, chị nghỉ việc, mở cửa hàng bán keo ở chợ Kim Biên.  Khi ấy, thị trường keo ở Việt Nam chỉ có Đài Loan độc quyền. Thấy người dân xài keo giá cao, chị bàn với chồng (là kỹ sư hóa chất) sản xuất keo.

Ròng rã nhiều tháng trời, hai vợ chồng mày mò làm keo, rồi ôm từng thùng sản phẩm từ Đồng Nai lên Bình Dương, về Vũng Tàu năn nỉ các doanh nghiệp gỗ, sơn mài xài thử. Sau một thời gian, người tiêu dùng đã tin tưởng vào sản phẩm keo của chị.

Sản phẩm có đầu ra, năm 2001, chị thành lập Công ty TNHH SX-TM Hoàng Quan ở quận 8. Lên làm giám đốc ở tuổi 30, chị vẫn chưa học qua một lớp kinh doanh nào ngoài vốn liếng kinh nghiệm từ cửa hàng bán keo. Không có thời gian đến lớp bổ sung kiến thức, chị  gặp gỡ các chủ doanh nghiệp khác để lắng nghe ý kiến và tiếp thu kinh nghiệm từ họ.

Chính sự cầu tiến ấy đã giúp chị thành công. Đến nay, công ty chị là một trong những công ty cung cấp phần lớn các sản phẩm keo dán 502, keo Con Voi, keo Tictac cho thị trường cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Sản phẩm keo của Hoàng Quan đã đoạt Huy chương vàng Hội chợ quốc tế công nghiệp, Cúp vàng Thương hiệu năng động năm 2004.

  • Nguyễn Tiến Dũng (TGĐ Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - SAMCO)

Uy tín và chất lượng

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 2

Nguyễn Tiến Dũng được bạn bè đánh giá là người “kín tiếng”. Sự trầm tĩnh, cân nhắc kỹ trước khi làm một việc gì đó đã trở thành bản chất của anh.

Là lãnh đạo “tối cao” của SAMCO, một đơn vị chuyên ngành về kinh doanh, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng và sửa chữa xe ôtô các loại có quy mô lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Tiến Dũng không ngừng đưa ra những chiến lược kinh doanh, sản xuất để đưa doanh nghiệp phát triển lớn mạnh.

Đối với anh, uy tín và chất lượng là hai tiêu chí hàng đầu để nâng cao chất lượng sản phẩm xe bus, xe ôtô khách và nhiều chủng loại xe, thiết bị chuyên dùng khác mang thương hiệu SAMCO. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các phong trào doanh nghiệp trẻ, anh đã được nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố, các ban ngành trong các năm 2002, 2003.

Vừa qua, SAMCO cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3 do Chủ tịch nước tặng thưởng và nhận giải thưởng Sao vàng đất Việt.

  • Nguyễn Hiếu Đức (GĐ DNTN TM-SX Đức Quân)

Bền bỉ sáng tạo

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 3

Sinh ra trong gia đình đông anh em, cuộc sống khó khăn thủa thiếu thời giúp anh thêm nghị lực. Từ những năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh đã tự xoay xở để trang trải việc học hành. Ra trường năm 1984 với bằng kỹ sư hóa loại ưu, anh về công tác tại Công ty In Liksin (Xí nghiệp In tổng hợp).

Những năm 1985-1991, Xí nghiệp Mực in Liksin chỉ chuyên sản xuất mực in offset để in sách báo, biết thị trường đang cần mực in bao bì nhựa, anh mạnh dạn đề xuất lên lãnh đạo xí nghiệp ý tưởng này  nhưng bị… phớt lờ.

Vậy là anh xin nghỉ việc, tự mày mò sản xuất mực in bao bì. Không có vốn, anh lấy số nữ trang của vợ đem bán được bốn chỉ vàng để mua dụng cụ sản xuất tại nhà. Suốt một năm trời thử nghiệm, cuối cùng sản phẩm mực in bao bì của anh ra đời và được khách hàng chấp nhận.

Năm 1993, anh vay Ngân hàng Đông Á 50 triệu đồng mua mặt bằng lập cơ sở mực in Đức Quân; năm 1998, chính thức thành lập DNTN TM-SX Đức Quân ở quận Phú Nhuận.

Qua hơn 15 năm không ngừng lao động bền bỉ và sáng tạo, đến nay, Đức Quân đã có hơn 10 loại mực in khác nhau để in trên nhiều loại bao bì như PP, PE, PVC, BOPP…đáp ứng các loại công nghệ in: ống đồng, flexo, in lụa…Các sản phẩm mực in mang nhãn hiệu Đức Quân đã được nhận giải thưởng Sao vàng Đất Việt năm 2004.

  • Thái Tấn Dũng (GĐ Công ty TNHH KYVY)

Không ngại chông gai

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 4

Xuất thân trong một gia đình làm nghề thuốc, từ năm 16 tuổi anh đã vừa đi làm, vừa đi học. Sau khi ra trường, anh tham gia điều hành Công ty Dệt may Thái Tuấn với chức danh Phó Chủ tịch HĐQT. Chưa thỏa “máu” kinh doanh và muốn khẳng định chính mình, đầu năm 2001, anh thành lập Công ty TNHH KYVY chuyên sản xuất tã giấy.

Tháng 7-2001, khi tung ra sản phẩm đầu tiên mang nhãn hiệu BINO, sản phẩm của Công ty KYVY đã được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao ngay trong năm. Có được uy tín, Dũng tiếp tục đưa ra  chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Sau BINO là BINBIN, KYHOPE…

Dưới sự điều hành của Thái Tấn Dũng, ba năm liền, sản phẩm của KYVY đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Ông giám đốc trẻ luôn tâm niệm: “Đừng mong đợi không trải qua chông gai vì nếu không qua chông gai thì chí nguyện không kiên cường”.

  • Quan Đắc Hiền  (GĐ Công ty TNHH SX-TM Tam Hữu)

Chữ tin + chữ tín

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 5

Năm 1979-1980 thấy dép lưới thịnh hành, anh mở cửa hàng bán dép lưới ở chợ An Đông. Việc bán buôn phát triển, anh mua máy dập mở cơ sở sản xuất dép mang nhãn hiệu SUN. Không có tay nghề, anh đạp xe khắp thành phố để tìm những người sửa dép vỉa hè về giúp. Vậy mà dép lưới do cơ sở anh sản xuất đến đâu bán hết đến đấy.

Không được học qua một trường lớp bài bản nào nhưng Quan Đức Hiền rất nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường. Những năm 1993-1994, nhận thấy các cơ sở dệt may rất cần dây thun may mặc nhưng đều phải nhập từ nước ngoài, anh bỏ vốn đầu tư dây chuyền sản xuất dây thun.

Sau khi dây chuyền đi vào hoạt động, hầu hết các cơ sở dệt may đều tìm đến anh. Chưa hết, sau lần đi Đài Loan thấy khăn giấy được sử dụng rộng rãi, còn Việt Nam thì  phải nhập khẩu, anh lại đầu tư sản xuất khăn giấy…

Năm 2000, anh thành lập Công ty TNHH SX-TM Tam Hữu ở quận 5. Nhiều năm liền Tam Hữu được nhận bằng khen của UBND TP Hồ Chí Minh; sản phẩm phụ liệu may mặc do Tam Hữu sản xuất đạt giải thưởng Sao vàng Đất Việt; các sản phẩm khăn giấy được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao…

Nói về sự thành công của mình cũng như của công ty, Quan Đức Hiền cho rằng đó là nhờ chữ tin và chữ tín. Hãy tin vào chính mình và giữ uy tín với khách hàng.

  • Nguyễn Thành Nhơn (TGĐ Công ty Cổ phần Công nghệ Nhơn Hữu)

“Phải coi trọng người lao động”

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 6

Bước vào thương trường bằng việc bán hàng lưu động bút bi Bến Nghé khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Nguyễn Thành Nhơn đã cảm nhận phần nào cái khó của nghề kinh doanh. Vì vậy, anh chưa vội nhảy vào thương trường mà tập trung tích lũy thêm kiến thức.

Năm 29 tuổi, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Kinh tế loại xuất sắc. Năm 2002, anh thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ Nhơn Hữu ở quận 10 và hoạt động trên 3 lĩnh vực: công nghệ sinh học, thiết bị điện và phần mềm máy móc.

Có sẵn vốn kiến thức bài bản, anh nỗ lực nghiên cứu ứng dụng các loại công nghệ tiên tiến vào các sản phẩm kinh doanh. Dự án làng nấm ở huyện Củ Chi là một trong những sáng kiến độc đáo của anh được UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá cao, tạo công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Dưới sự quản lý của anh, doanh nghiệp Nhơn Hữu luôn đạt tốc độ phát triển bình quân 45%/năm, riêng năm 2003 là 350%. Bí quyết dẫn đến thành công của vị TGĐ 32 tuổi này là người lãnh đạo doanh nghiệp phải biết coi trọng người lao động, gần gũi với họ để nhận biết năng lực của mỗi người, biết tìm tòi phương pháp và không sợ thất bại.

  • Trương Vỹ Kiến (TGĐ Công ty dây và cáp điện Tân Cường Thành)

Năng động, và “liều lĩnh”

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 7

Khởi nghiệp từ cơ sở sản xuất gia đình với mặt bằng chưa đến 100m2  ở quận 5,  vốn liếng của Trương Vỹ Kiến là 6 công nhân và hệ thống thiết bị sản xuất dây điện cũ kỹ, lạc hậu. Không thể khoanh tay đứng nhìn năng suất sản xuất ngày một giảm dần, anh vay mượn bạn bè và ngân hàng để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất.

Những ngày đầu đổi mới công nghệ, sản phẩm làm ra chưa bán được nhiều, nợ nần cứ thúc sau lưng, anh thức trắng nhiều đêm nghĩ cách mở rộng thị trường. 

Từ năm 1996, có được thị trường, Trương Vỹ Kiến thành lập Công ty dây và cáp điện Tân Cường Thành. Bằng sự năng động, nhanh nhạy và không kém phần liều lĩnh, một tay anh đã chèo chống công ty đi lên.

Qua sự điều hành của anh cùng sự hợp tác ăn ý của đội ngũ công nhân, Công ty Tân Cường Thành trở thành doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tiên của ngành cáp điện được cấp chứng chỉ ISO-9002. Hiện nay, với 2 nhà máy có dây chuyền sản xuất khép kín và hiện đại tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có tổng công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm, doanh thu hàng năm của công ty đạt trên 200 tỷ đồng.

Ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp của anh cho cộng đồng, đất nước, anh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều bằng khen khác.

  • Châu Ngọc Mỹ (GĐ Công ty Cổ phần Siêu Thanh)

“Kiến thức là nền tảng”

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 8

Năm 1983, Châu Ngọc Mỹ tốt nghiệp Đại học ngành Kinh tế lao động và về làm cán bộ phòng Tổ chức-Lao động-Tiền lương của xí nghiệp Hóa-Mỹ phẩm (Sở Công nghiệp TP Hồ Chí Minh).

Sự nhiệt tình và đam mê công việc khiến anh được lãnh đạo xí nghiệp cất nhắc lên làm PGĐ Công ty Dịch vụ Hóa-Mỹ phẩm (Sở Công nghiệp). Từ 1988 đến 1991, anh liên tiếp kinh qua nhiều vị trí công việc khác nhau của Sở Công nghiệp.

Năm 1994, Công ty TNHH TM-DV-SX Siêu Thanh chuyên phân phối thiết bị văn phòng nhãn hiệu RICOH (Nhật Bản) tại Việt Nam thành lập. Với khả năng phát triển mạnh mẽ, Siêu Thanh vừa tăng vốn đầu tư vừa “chiêu dụ” nhân tài.

Do đó, ngay khi về làm việc cho Siêu Thanh, Châu Ngọc Mỹ được bổ nhiệm làm Trưởng phòng kinh doanh. Để làm tốt vai trò của mình, anh không ngừng tham gia các khóa học để nâng cao kiến thức. Nhờ vậy, chưa đầy một năm sau, anh được bầu làm PGĐ công ty.

Biết vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm có được vào công việc điều hành, quản lý, Châu Ngọc Mỹ đã đưa Siêu Thanh không ngừng phát triển với vốn đầu tư từ ba trăm triệu đồng tăng lên mười tỷ đồng, hệ thống kinh doanh, dịch vụ khách hàng hoàn hảo, được Tổ chức Chất lượng Quốc tế cấp chứng nhận ISO 9001.

Năm 2001, Công ty TNHH TM-DV-SX Siêu Thanh chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Siêu Thanh và Châu Ngọc Mỹ trở thành giám đốc công ty cho đến nay. Nói về sự thành công của mình, anh cho rằng kiến thức và kinh nghiệm đóng vai trò chính.

  • Lâm Trọng Sơn  (Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty TNHH SX-TM-DV gỗ sấy GOSACO)

Tự mày mò đi đến thành công

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 9

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh ngành xây dựng, Lâm Trọng Sơn đinh ninh cuộc đời mình sẽ gắn bó với vôi vữa. Vậy nhưng, trong quá trình làm việc ở các công trình xây dựng, anh phát hiện ra gỗ xây dựng rất dễ cong vênh.

Anh lấy những mảnh vụn gỗ tạp đem về mày mò sấy, gia công thì thấy gỗ bền chắc hơn. Thế là anh mở một xưởng sấy nhỏ, gia công gỗ tạp, gỗ kém chất lượng rồi đem đi chào hàng. Lúc đầu, các nhà thầu không tin nhưng khi sử dụng họ thực sự hài lòng vì chất lượng gỗ tốt hơn nhiều.

Bước đầu thành công, Lâm Trọng Sơn thành lập Công ty TNHH SX-TM-DV gỗ sấy GOSACO. Với thói quen mày mò, muốn làm sản phẩm mới-lạ từ gỗ, anh lên rừng gom từng cành gỗ nhỏ mang về xẻ làm ván sàn, cắt thành từng lát mỏng theo đường vân để dán nền nhà.

Thấy gỗ ngày càng hiếm, anh xẻ gỗ thành lát mỏng hơn, dán lên đá granite. Không ngờ, gạch lót nền bằng gỗ do anh tự mày mò sản xuất rất được khách hàng chú ý, làm ra đến đâu bán hết đến đó…

Sau 14 năm mày mò và làm việc không mệt mỏi, đến nay, Lâm Trọng Sơn đã tạo dựng nên thương hiệu gỗ sấy GOSACO nổi tiếng với 9 nhà máy sản xuất, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Các sản phẩm gỗ sấy của GOSACO 3 năm liền được bình chọn là Thương hiệu vàng ngành xây dựng Việt Nam và đoạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2004.

  • Võ Tấn Thịnh (GĐ Công ty Dây và cáp điện  Thịnh Phát)

Biết tận dụng cơ hội

10 gương mặt doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất TP Hồ Chí Minh năm 2004 ảnh 10

Năm 1985, Võ Tấn Thịnh thành lập cơ sở sản xuất dây điện dân dụng ở quận 5. Vốn có tay nghề lại đam mê công việc, anh vừa làm chủ vừa làm thợ đứng máy để sản xuất những sản phẩm có chất lượng mà giá thành rẻ.

Sau một năm hoạt động, dây điện làm ra được khách hàng đặt mua hết. Chưa thỏa chí, năm 1998, anh dời cơ sở về huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân) và thành lập Công ty TNHH SX-TM Thịnh Phát.

Quy mô sản xuất, kinh doanh mở rộng đòi hỏi trình độ chuyên môn, quản lý cao hơn, Võ Tấn Thịnh bắt đầu tham gia các lớp đào tạo trong và ngoài nước. Có được kiến thức, kinh nghiệm, anh khai thác, tận dụng triệt để những cơ hội kinh doanh cũng như cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Các sản phẩm dây cáp điện lực, ống luồn dây điện, ống xả máy lạnh… do công ty anh sản xuất ngày càng được thị trường ưa chuộng, lấn át hàng nhập khẩu. Năm 2003, sản phẩm công ty Thịnh Phát được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Đến nay, Thịnh Phát trở thành đơn vị cung cấp chủ yếu các sản phẩm cáp và dây dẫn cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và điện lực các tỉnh…

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục