10 năm “Chuông vàng vọng cổ”

Hành trình 10 năm tổ chức cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” của Đài Truyền hình TPHCM tuy không dài nhưng đủ để kiến tạo một thương hiệu uy tín, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu cải lương, góp phần gìn giữ, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn loại hình nghệ thuật truyền thống này trong đời sống xã hội.
10 năm “Chuông vàng vọng cổ”

Hành trình 10 năm tổ chức cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” của Đài Truyền hình TPHCM tuy không dài nhưng đủ để kiến tạo một thương hiệu uy tín, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu cải lương, góp phần gìn giữ, tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn loại hình nghệ thuật truyền thống này trong đời sống xã hội.

Hành trình tìm “ngọc”

Được Đài Truyền hình TPHCM tổ chức lần đầu tiên vào năm 2006 với tên gọi “Ngôi sao vọng cổ truyền hình”, cuộc thi được sự quan tâm của nhiều bạn xem đài. Sau khi đổi tên thành “Chuông vàng vọng cổ”, sân chơi này ngày càng thu hút công chúng, giới trẻ, các nghệ sĩ sân khấu chuyên và không chuyên tham gia sôi nổi. Năm 2015, bước vào năm thứ 10, cuộc thi tiếp tục nhận được sự đón đợi và ủng hộ của đông đảo khán giả yêu mến nghệ thuật sân khấu, điều này càng khẳng định được vị thế của một chương trình truyền hình có mục đích, ý nghĩa và giá trị văn hóa nghệ thuật cao, đã tạo điều kiện để nhiều bạn trẻ tìm đến, tham gia, thưởng thức, mở rộng hiểu biết, ủng hộ loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc.

“Chuông vàng vọng cổ” 2014 - Nguyễn Minh Trường (giữa) xuất sắc với vai Cao Thục trong trích đoạn “Chiếc áo thiên nga”.

Sức hút của cuộc thi này được ghi nhận ở con số khoảng 500 thí sinh đến từ khắp các tỉnh, thành đăng ký tham gia ở mỗi kỳ thi và sự dõi theo của hàng triệu khán giả xem đài ở các tỉnh, thành trên cả nước, sự ủng hộ trực tiếp của đông đảo khán giả dành cho thí sinh tại các đêm thi tài. Trải qua các cuộc thi, qua những vòng tranh tài đầy màu sắc với không ít vất vả, gian khó, các thí sinh từng đoạt chuông vàng, chuông bạc và các giải thưởng khác đã được trang bị thêm rất nhiều kiến thức bổ ích để phát triển giọng ca sao cho đúng, chuẩn, nhuyễn, ngọt, có chiều sâu, đong đầy cảm xúc, thể hiện được hiệu quả tốt nhất về diễn xuất, phong cách, thần thái, cá tính, số phận từng nhân vật, vai diễn… Từ đó, các thí sinh vững tin tiếp tục phát huy tài năng cá nhân khi tham gia trong các chương trình văn hóa nghệ thuật, góp phần tạo thêm những sắc màu mới cho hoạt động sân khấu tại TPHCM và các tỉnh, thành. Đến nay, những gương mặt sáng giá có giọng ca hay, triển vọng đã được công chúng đón nhận bằng nhiều tình cảm, trong đó có Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Hồ Ngọc Trinh, Võ Thành Phê, Lê Văn Gàn, Trần Thị Thu Vân, Bùi Trung Đẳng, Nguyễn Văn Mẹo, Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Thị Linh Phượng…

Dấu ấn năm thứ 10

Năm nay có 321 thí sinh đăng ký tham gia, chủ yếu là các nghệ sĩ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp đang sinh hoạt, làm việc tại các đoàn nghệ thuật, trung tâm văn hóa, thí sinh tự do đăng ký không nhiều vì áp lực cuộc thi khá cao. Có 48 thí sinh được tuyển chọn thi chung kết khu vực và đêm thi đầu tiên đã diễn vào tối 6-8 tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM, với cuộc tranh tài sôi nổi của các thí sinh thuộc khu vực miền Bắc và miền Trung. Những đêm thi tiếp theo sẽ diễn ra tại TPHCM vào tối 13-8, tại tỉnh Tiền Giang vào tối 20-8 và tỉnh An Giang vào đêm 27-8. Trong 4 đêm thi này, Ban giám khảo gồm: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Quế Trân và NS Lê Tứ sẽ chọn ra 12 thí sinh xuất sắc vào vòng chung kết xếp hạng. Ở vòng chung kết này, cả 3 giám khảo sẽ chuyển sang đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên cho 12 thí sinh, cùng nhau thảo luận, lập kế hoạch luân phiên huấn luyện các thí sinh trong suốt vòng chung kết xếp hạng, tư vấn cho thí sinh về nội dung thi, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn về giọng ca, cách phát âm, nhã chữ, sắp nhịp, kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo, hình thể… Đặc biệt, ở các đêm thi chung kết xếp hạng, bộ 3 thành viên ban huấn luyện và Hội đồng nghệ thuật gồm NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương sẽ có những cuộc đối thoại về chuyên môn, mang tính phản biện cao nhằm tạo không khí trao đổi, chia sẻ thông tin để có những đánh giá khách quan hơn về tài năng ca diễn của các thí sinh, từ đó chọn ra thí sinh xuất sắc nhất để trao giải Chuông vàng vào tối 24-9-2015.

Ông Cao Anh Minh,  Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình TPHCM, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” lần thứ 10 mang ý nghĩa tổng kết chặng đường dài 9 năm qua - 9 năm ban tổ chức vừa làm vừa học tập, vừa rút kinh nghiệm để đưa cuộc thi trở thành một giải có tính chuyên môn cao, đồng thời mang tính truyền hình, tính giải trí có chất lượng, lôi cuốn người xem. Với thành quả đã đạt được, chúng tôi rất tự tin bước vào giải lần thứ 10. Năm nay, nội dung thi 8 đêm chung kết được chú trọng xây dựng với 8 chủ đề khác nhau, nói về sự hình thành và phát triển cải lương Nam bộ ở phía Bắc, cải lương miền Đông Nam bộ, vọng cổ hài, cải lương trước giải phóng, cải lương hơi dài… như 8 mảnh ghép đặc biệt làm nên bức tranh tổng thể mang chủ đề “Những dòng chảy của cải lương Việt Nam”, nhằm giúp bạn xem đài nhận được nhiều thông tin, hiểu biết hơn về lịch sử cải lương, sự phát triển của các làn điệu vọng cổ...”.

Trải qua chặng đường 10 năm, cuộc thi “Chuông vàng vọng cổ” đã trở thành chương trình, sân chơi nghệ thuật có sức thu hút mạnh mẽ, dành được nhiều tình cảm, sự đồng thuận, ủng hộ từ phía khán giả, giới nghệ sĩ sân khấu và công chúng mộ điệu. Hy vọng, ở mùa giải năm nay, cuộc thi tiếp tục phát hiện và giúp dưỡng nuôi thêm nhiều tài năng trẻ cho nghệ thuật dân tộc, góp phần gìn giữ và quảng bá sâu rộng hơn bộ môn cải lương, nghệ thuật ca cổ, lưu truyền rộng rãi các bài bản vọng cổ truyền thống.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục