Chanchu hồi tháng 5-2006 là cơn bão mạnh nhất từng ghi nhận trên biển Đông. Hàng trăm ngư dân đang đánh bắt hải sản ngoài khơi bị mất tích. Tại Quảng Nam có gần 200 ngư dân tử nạn, trong đó xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam có 86 người mãi mãi ra đi. 10 năm qua, địa phương này đã có những nỗ lực phi thường để vượt qua nỗi đau “làng góa phụ”, “làng Chanchu”…
Biển đông sâu thẳm
Cách đây đúng 10 năm, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam được gọi bằng nhiều cái tên “làng góa phụ”, “làng Chanchu”… Nhắc lại ký ức buồn, anh Trần Ngọc Trị, 34 tuổi, ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, ngư dân may mắn thoát nạn trong cơn bão, kể: “Tôi đi bạn thuyền cùng với 25 ngư dân khác, đang bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, bất ngờ gió lớn nổi lên. Chúng tôi neo tàu lại chịu trận một ngày đêm; sau đó nhờ gió đổi hướng, cả tàu may mắn thoát nạn nhưng các đồng nghiệp đang ở hướng Đông Bắc của quần đảo Hoàng Sa đã không kịp trở tay…”.
Những góa phụ làng biển Bình Minh, hàng ngày vẫn tiếp tục mưu sinh với biển
Ông Trần Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết trong thời gian đó có trên 500 ngư dân của xã ra khơi đánh bắt xa bờ ở khu vực Trường Sa - Hoàng Sa và 86 ngư dân đã mất tích khi gặp bão Chanchu. Tất cả đều là lao động chính của các gia đình nên cùng lúc những người vợ, người mẹ, con cái ở nhà bỗng chốc trở thành hộ nghèo của xã.
Ông Tám nhớ lại, trong số 86 ngư dân tử nạn có ông Lê Thanh Hoàng. Khi nghe tin ông Hoàng mất tích, bà Nguyễn Thị Bảy (vợ ông) vì quá sốc đã hóa điên, được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam chữa trị được 2 tháng thì qua đời. “Nhiều người kể rằng, bà Bảy chết khi nhảy xuống hồ nước với cử chỉ tát nước để cứu chồng khỏi chết đuối. Đó là nỗi ám ảnh bão Chanchu không thể nào quên khi bà Bảy qua đời để lại 5 đứa con. Đến nay, có đứa được các tổ chức nhận nuôi, đứa gửi vào làng SOS, cháu nhỏ ở với bà ngoại, một gia đình phân ly”, ông Tám trầm tư.
Đổi thay sau nỗi đau
Đó là câu chuyện của 10 năm trước, giờ đây xã Bình Minh đã có những thay đổi đột phá. Trong ngần ấy năm, địa phương kịp thời giúp đỡ 86 gia đình có người tử nạn. Chị Nguyễn Thị Huệ (nay 54 tuổi, ở thôn Bình Tân, xã Bình Minh) có chồng và 2 con trai mất tích trong bão Chanchu. Một mình chị phải bôn ba nuôi 4 đứa con. Được chính quyền hỗ trợ, chị Huệ đã vươn lên thoát nghèo nhờ mở tiệm tạp hóa, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân trong xã. Nay hai con gái lớn đã có chồng, một đứa vào đại học, đứa út lớp 10. Những đứa trẻ mồ côi cha ở “làng Chanchu” cũng được sự giúp đỡ của các tổ chức cá nhân, tập thể khắp nơi hỗ trợ, cưu mang. Hội Phụ nữ xã tổ chức mô hình “Nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” cho hơn 100 trẻ, trong đó có 25 em gia cảnh đặc biệt khó khăn được “các mẹ, các dì” đỡ đầu từ năm 2008… và nay đã tự lo được cho cuộc sống của mình. Ông Trần Văn Tám nhớ lại: “Sau trận bão kinh hoàng, UBND xã đã kêu gọi các công ty hải sản hỗ trợ, tạo việc làm cho các “góa phụ”, một số chị em khác may đồ thuê cho các cơ sở trên địa bàn”.
Hiện toàn xã có 1.700 hộ với 8.230 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,21%. Hệ thống cơ sở hạ tầng, đường, điện, trường, trạm y tế… được xây mới kiên cố, khang trang. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Là địa phương có đến 80% lao động tham gia đánh bắt hải sản, toàn xã có 10 cơ sở chế biến cá, mực. Theo ông Tám, vấn đề trọng tâm phát triển của xã là tiếp tục phát huy mô hình đánh bắt xa bờ. Hiện trong xã có đến 138 tàu với tổng công suất 38.700CV; trong đó, nhiều gia đình có 2-3 tàu như ngư dân Lê Đức Rí có 2 tàu công suất 750CV và 800CV và đang làm hồ sơ vay vốn để đóng tàu thép trị giá 18 tỷ đồng. Ông Rí cho biết, trung bình mỗi chuyến đi biển đánh bắt được khoảng 40 tấn hải sản/tàu.
Ngoài ra, xã Bình Minh còn có 178 cư dân đi lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản… Anh Trần Ngọc Trị, ngư dân sang Hàn Quốc lao động từ năm 2013, mỗi tháng thu nhập 1.000USD, anh dành dụm gửi về cho người nhà mua xe tải chở cá, mắm cho ngư dân.
Người dân xã Bình Minh ngày nay đã có thể tự hào khi thấy quê hương đổi mới, cuộc sống đã no ấm, sung túc. Nhiều thôn dẫn đầu về phát triển kinh tế biển, trở thành một làng biển sung túc chứa chan tình người.
Phú Nhiêu