Các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tin giả, tin sai sự thật

Sáng 19-9, tại TP Đà Nẵng, diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng đã được khai mạc. Đây là nền tảng trao đổi mở, khẳng định quyết tâm của ASEAN trong giảm thiểu các tác hại từ thông tin sai lệch và tin giả, góp phần cho nỗ lực chung của ASEAN nhằm tạo ra một "không gian mạng đáng tin cậy và có trách nhiệm" cho người dân.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT cho biết, từ năm 2017 đến nay, ASEAN đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về việc đối phó với tác hại của tin giả. Bao gồm các chương trình và hội thảo chia sẻ các chính sách quản lý, các chiến dịch nhằm nâng cao sự hiểu biết về công nghệ số cho người dân, cũng như thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý thông tin điện tử.

Chủ tọa hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Chủ tọa hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bước tiến vượt bậc là khi Khuôn khổ và Tuyên bố chung về giảm thiểu các tác hại của tin giả được thông qua vào năm 2018 tại Hội nghị Bộ Trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 14 (AMRI 14). Nhận thức về tầm quan trọng của việc hành động đoàn kết trước tin giả, Hội nghị lần thứ 19 của các Quan chức Cao cấp ASEAN về Thông tin (SOMRI) vào năm 2022 đã phê duyệt đề xuất của Việt Nam về việc thành lập đội phản ứng của ASEAN về tin giả. Những khuôn khổ và cơ chế của ASEAN đã tạo nền tảng cho các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề này trong khu vực.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các hoạt động liên quan đến việc xử lý tin giả, tin sai sự thật trong giai đoạn này mới dừng lại ở việc chia sẻ chính sách và kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa mở rộng cho các cơ quan báo đài – đơn vị tham gia với vai trò tăng cường thông tin chính thống, phát hiện, công bố và cải chính tin giả... hay các cơ quan nghiên cứu, đơn vị truyền thông tham gia với vai trò như các tổ chức nghiên cứu và kiểm chứng độc lập, hay các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới.

Tại diễn đàn, bà Tunku Latifah Tunku Ahmad, đại diện Bộ TT-TT Malaysia cho rằng, có những tin giả làm ảnh hưởng đến tính đoàn kết quốc gia. Những thông tin giả liên quan đến Covid-19 làm người dân hoang mang, làm suy yếu những nỗ lực chống dịch của chính phủ.

Bà Tunku Latifah Tunku Ahmad, đại diện Bộ TT-TT Malaysia chia sẻ kinh nghiệm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bà Tunku Latifah Tunku Ahmad, đại diện Bộ TT-TT Malaysia chia sẻ kinh nghiệm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Từ đó, chính phủ cũng đã có sáng kiến ứng phó thông tin sai lệch là tạo Cổng thông tin điện tử- trung tâm một cửa toàn quốc để người dân kiểm tra, xác minh thông tin trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hoạt động này cũng ngăn chặn sự lây lan nhanh của thông tin giả - tin sai sự thật. Bên cạnh đó, người dân có thể đưa những thông tin chưa được xác minh lên kiểm tra.

Theo bà Nguyễn Liên, đại diện Google, đơn vị tiếp cận một cách đa hướng để chống lại thông tin sai lệch. Trước mắt, đơn vị nâng cao vai trò chất lượng của thông tin bằng hệ thống xếp hạng thông tin. Khi người dùng đưa ra yêu cầu về thông tin thì sẽ được hướng dẫn trực tiếp đến thông tin chính xác có thẩm quyền trên nền tảng Google.

Bà Nguyễn Liên, đại diện Google phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bà Nguyễn Liên, đại diện Google phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bên cạnh đó, đơn vị phát triển các chính sách khác nhau để bảo vệ người dùng khỏi những thông tin có hại bằng cách có những hướng dẫn chung cho cộng đồng. Điển hình, trong thời điểm Covid-19, đơn vị đưa ra những chính sách phòng chống thông tin sai lệch có liên quan; phối hợp Bộ Y tế của từng quốc gia để đảm bảo đưa ra thông tin chính xác nhất. Đặc biệt, đơn vị có hệ thống phòng chống thông tin sai lệch bằng việc sử dụng thuật toán tự động, việc kiểm tra thông tin từ con người.

Theo ông Izzad Zalman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin (Ban Thư ký ASEAN), vấn đề quan trọng nhất để ứng phó tin giả - tin sai sự thật là cần có khung hướng dẫn để quản lý thông tin. Từ đó, có bước tiến, trao quyền công bằng nhằm vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận, vừa đảm bảo tính chính xác minh bạch của thông tin. Để làm được điều đó, cần huy động sự tham gia của tất cả các nước thành viên và có định nghĩa chung và khung hướng dẫn. Không chỉ vậy, người dân phải được nâng cao nhận thức về việc phát hiện thông tin giả qua nhiều cách thức, từ đó giảm thiểu thông tin giả và có trách nhiệm khi đăng thông tin trên mạng xã hội...

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng cần thúc đẩy hợp tác giữa chính phủ, địa phương và nền tảng mạng xã hội để tận dụng tốt nhất lợi thế về công nghệ. Sự phối hợp này sẽ giúp ASEAN trở nên kiên cường và phản ứng nhanh hơn trong một thế giới luôn thay đổi.

Ông Trần Ngọc Long, đại diện Báo Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam) cho rằng, những tin tức bịa đặt có thể dẫn đến thảm họa và lan truyền nhanh chóng thông qua phần mềm trò chuyện, nền tảng truyền thông xã hội. Năm 2020, Thông tấn xã Việt Nam ra mắt tài khoản Tiktok Factchekvn, đây là kênh kiểm chứng, một phần trong dự án chống tin giả của Thông tấn xã Việt Nam.

Người dùng TikTok hoặc Facebook nào cũng có thể gắn thẻ @Factcheckvn hoặc Vietnamplus nếu họ nghĩ có bất kỳ tin tức đáng ngờ nào trên nền tảng mạng xã hội, để phóng viên có thể phát hiện tin giả và đăng tải thông tin chính xác dưới hình thức phỏng vấn chuyên gia hoặc cơ quan chức năng liên quan. Khi nhận được bất kỳ tin đồn và bằng chứng giả mạo nào, các phóng viên sẽ kiểm tra các nguồn tin tức và phổ biến thông tin chính xác để cảnh báo độc giả và khán giả. Để kiểm chứng tin giả, Thông tấn xã Việt Nam có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông và một số bộ, ngành khác ở Việt Nam.

Bà Teresa Tan, đại diện TikTok chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bà Teresa Tan, đại diện TikTok chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong khi đó, theo bà Teresa Tan, đại diện TikTok, đơn vị đang sử dụng đồng thời công nghệ và sự kiểm duyệt của con người để kiểm soát thông tin bị báo cáo, ứng phó với các xu hướng mới và làm việc với các đối tác để xác minh thông tin. Mỗi chương trình, nội dung cung cấp trên nền tảng sẽ được phân loại, gắn độ tuổi phù hợp, kiểm duyệt… Những nội dung không đủ điều kiện, chưa xác minh liên quan đến trường hợp khẩn cấp sẽ được TikTok thêm các nhãn cảnh báo người dùng cân nhắc trước khi chia sẻ hay đăng thông tin trên mạng xã hội. TikTok cũng trao quyền cho cộng đồng sử dụng thông tin phù hợp và báo cáo những nội dung sai lệch.

Ông Izzad Zalman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin (Ban Thư ký ASEAN) nhấn mạnh, các nước thành viên ASEAN và các nền tảng xuyên biên giới cần có từ khóa để kiểm soát, phát triển nền tảng cho cộng đồng ASEAN. Điển hình như ở thời điểm dịch Covid-19, ASEAN đã đồng lòng nâng cao nhận thức, ứng phó xử lý tin giả về Covid-19 trong khu vực. Chúng ta có thể chia sẻ thông tin, vấn đề với nhau tại nhiều cấp độ.

Ông Izzad Zalman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin (Ban Thư ký ASEAN) góp ý. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Izzad Zalman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin (Ban Thư ký ASEAN) góp ý. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT nhìn nhận, các bên liên quan trong ASEAN ưu tiên, phối hợp đối với vấn đề chống tin tức giả và thông tin sai lệch trong khu vực.

Trước hết là giáo dục cộng đồng, cần nâng cao nhận thức của công chúng về tác hại của tin tức giả và thông tin sai lệch, cùng với việc giáo dục người dân cách nhận biết, xác minh, báo cáo và chống lại thông tin sai lệch. Khuyến khích giao tiếp hiệu quả thông qua các kênh chính thức, như cơ chế người phát ngôn, nâng cao năng lực của nhà báo, đa dạng hóa các phương tiện truyền thông...

Bên cạnh đó, cần áp dụng sự tiến bộ công nghệ trong việc quét, phát hiện và xử lý thông tin để nhận dạng, dự báo xu hướng và hỗ trợ ra quyết định. Các quốc gia thành viên ASEAN, các nền tảng trên mạng xã hội cần thúc đẩy sự hợp tác, áp dụng trí tuệ nhân tạo để chống lại thông tin sai lệch. Cuối cùng là cần tiếp tục cập nhật chính sách giữa các nước thành viên và các bên liên quan khác để giải quyết thách thức chung về vấn đề tin giả có hiệu quả.

“Những giải pháp này, từng bước một, sẽ đưa ASEAN hướng tới sự hiểu biết chung và phản ứng phối hợp đối với vấn đề tin tức giả và thông tin sai lệch trong khu vực. Thông qua những nỗ lực chung, chúng tôi mong muốn ASEAN trở nên kiên cường và phản ứng nhanh hơn trong một thế giới luôn thay đổi, lấy con người làm trung tâm và dựa trên các quy tắc của ASEAN. Chúng tôi khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của người dân, xã hội và các bên liên quan khác vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Tin cùng chuyên mục