10 năm sau vụ khủng bố 11-9

Bài 1: Thế giới đối mặt với bất ổn an ninh - chính trị
10 năm sau vụ khủng bố 11-9

Bài 1: Thế giới đối mặt với bất ổn an ninh - chính trị

Cách đây 10 năm, vụ khủng bố 11-9-2001 tước đi sinh mạng 3.000 người tại nước Mỹ đã làm rúng động toàn thế giới. Hình ảnh Tòa tháp đôi sụp đổ, Lầu Năm góc bị tấn công được phát sóng liên tục trên các phương tiện nghe nhìn khiến người ta không khỏi bàng hoàng. Và cũng không lâu sau kể từ giờ phút đó, người ta bắt đầu cảm nhận rõ nét hơn về sự đổi thay của thế giới sau thảm họa kinh hoàng 11-9.

Hình ảnh vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Tòa tháp đôi ở New York, Mỹ.

Hình ảnh vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Tòa tháp đôi ở New York, Mỹ.

  • Chiến tranh bùng nổ khắp nơi

Gần 1 tháng sau thảm họa khủng bố thương tâm khiến 3.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương, ngày 7-10-2001, Mỹ chính thức phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Thế giới đã chính thức thay đổi từ thời điểm đó. Hàng loạt quốc gia đã bị kéo theo guồng máy chiến tranh của Mỹ từ cuộc chiến chống khủng bố đầu tiên tại Afghanistan cho đến cuộc chiến tại Iraq.

Nếu như cuộc tấn công của Mỹ vào Afghanistan được thế giới ủng hộ, thì cuộc tấn công vào Iraq 2 năm sau đó, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, Mỹ đã đặt cả thế giới vào sự bất ổn chưa từng có, kể từ sau kết thúc Thế chiến thứ 2. Và đến năm 2010, Mỹ chính thức mở rộng mặt trận chống khủng bố sang các nước châu Phi.

Vết nứt trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu ngày càng lớn khi có nhiều quốc gia nhận ra lý do Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố chỉ là cái cớ. Hơn nữa, trước khi chiến tranh xảy ra, Mỹ hành động đơn phương bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia. Do đó, Mỹ được xem như “đế quốc bạo lực”.

Cũng vì chiến tranh Iraq, căng thẳng giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo càng thêm sâu sắc, và đặc biệt, với học thuyết “đánh đòn phủ đầu” dưới ngọn cờ “chống khủng bố”, vô hình trung đã mặc định bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều có thể trở thành “nơi chứa chấp khủng bố” theo suy nghĩ của Chính phủ Mỹ. Hàng loạt các quốc gia bị liệt vào danh sách khủng bố của Mỹ như: Syria, Iran, Iraq, Afghanistan, Morocco, Libya, Yemen, Cuba… kéo theo những căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với “trục ma quỷ”, gồm Iran, Iraq và CHDCND Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ G.W.Bush lúc đó nhấn mạnh đến sứ mệnh “ngăn cản những chế độ đỡ đầu cho khủng bố đe dọa đến nước Mỹ, bè bạn và đồng minh bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Song, 2 cuộc chiến tranh bị sa lầy đó đã làm những năm cuối nhiệm kỳ của ông G.W.Bush và đồng minh thân thiết ở bên kia bờ Đại Tây Dương là Thủ tướng Anh Tony Blair trở nên ảm đạm. Tuy cuộc chiến khủng bố do Mỹ phát động diễn ra với quy mô lớn và tốn kém chưa từng có nhưng người dân Mỹ vẫn không cảm thấy an toàn hơn.

Trong 10 năm, ít nhất 35.000 người trên khắp thế giới bị kết tội khủng bố. Riêng ở Mỹ, có 2.934 người bị bắt và 2.568 người bị kết án, nhiều hơn 8 lần so với thập kỷ trước. Trước vụ 11-9, mỗi năm thế giới chỉ có vài trăm người bị kết án về tội khủng bố. Kể từ sau vụ 11-9, hầu như mọi quốc gia trên thế giới, từ nước Tonga nhỏ bé đến Trung Quốc khổng lồ, đều đã thông qua hoặc xem lại luật chống khủng bố của mình.

  • Thế giới không an toàn

O’Hanlon, Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), nhận định, việc Mỹ phát động chiến tranh ở Trung Đông đã làm mất đi thế cân bằng chiến lược ở khu vực này. Kết quả đem lại: tâm lý chống Mỹ lên cao trong thế giới Arab. Sau khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh lật đổ chính phủ Saddam Hussein ở Iraq, Iran ngày càng có ảnh hưởng ở Trung Đông, và vai trò điều phối của Mỹ trong cuộc xung đột giữa người Palestine và người Israel giảm hẳn. Cho đến nay, vai trò hòa đàm Trung Đông của Mỹ đã được xem gần như thất bại khi Palestine tỏ rõ quyết tâm tuyên bố độc lập.

Trong bài báo Thế giới đã thay đổi một cách ngạc nhiên của nhà báo Gideon Rachman đăng trên tờ Finacial Times ngày 8-9, tác giả cho rằng cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ đã khiến chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh hơn. Minh chứng cho hiện tượng này là hàng loạt cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các nước châu Âu (2004-2005); Bali, Indonesia (2002); Mumbai, Ấn Độ (2008), Nga (2004, 2010). Bên cạnh đó, có những thông tin đe dọa sẽ mở các cuộc tấn công vào nhiều quốc gia trên thế giới đã tham gia vào cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan.

Cuộc chiến chống khủng bố còn cướp đi hàng vạn sinh mạng. Tính đến nay, hành động quân sự tại Iraq đã khiến 4.474 lính Mỹ thiệt mạng; chiến tranh tại Afghanistan khiến 1.750 lính Mỹ tử trận. Hiện nay, tuy Mỹ đã lập thời gian biểu rút quân khỏi Iraq và Afghanistan nhưng dường như họ vẫn còn nấn ná ở những mảnh đất này. Ngoài chết chóc còn rất nhiều binh sĩ bị thương. Ngoài quân đội Mỹ, hàng trăm binh lính của các quốc gia khác cũng thương vong do tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố, gồm 318 binh sĩ chết tại chiến trường Iraq, 945 binh sĩ chết tại chiến trường Afghanistan.

Binh sĩ Mỹ còn đối mặt với hội chứng chiến tranh và tỷ lệ binh lính Mỹ tự sát tại Iraq tăng một cách bất thường. Tuy nhiên, cái chết của binh sĩ Mỹ và đồng minh chỉ là một góc của bức tranh “thảm họa”. Bởi số binh sĩ, cảnh sát cùng người dân Iraq và Afghanistan chết trong chiến tranh nhiều đến mức không thể thống kê hết và hiện vẫn còn đang tranh cãi.

Theo cơ quan thống kê, tính đến tháng 10-2010, đã có hơn 107.000 người Iraq chết trong chiến tranh. Cơ quan thống kê Mỹ cho biết đã có 34.000 người Afghanistan thiệt mạng, theo các tổ chức khác thì con số này còn cao hơn nhiều. Hậu quả khác là nền kinh tế của hai quốc gia Iraq và Afghanistan ngày càng kiệt quệ, nạn tham nhũng tràn lan do các khoản viện trợ không thể kiểm soát.

Hiện nay, vẫn còn xuất hiện các cuộc tranh cãi xung quanh con số hơn 1 triệu người đã và đang bị liệt vào danh sách tình nghi khủng bố cần phải theo dõi. Các hố ngăn cách giữa Mỹ, châu Âu và thế giới Hồi giáo vẫn chưa thể được thu hẹp. Sau vụ 11-9, 30% người Mỹ cho rằng, động cơ thúc đẩy Al Qaeda tấn công đất nước này bắt nguồn từ chính sách hiếu chiến của Washington ở Trung Đông. Và con số hiện tại tăng lên đến 45%.

  • Nước Mỹ đốt tiền

Hàng ngàn tỷ USD đổ vào các cỗ máy chiến tranh ở chiến trường Iraq và Afghanistan khiến nước Mỹ phải đối đầu với đống nợ công vượt trần khổng lồ. Trước khi Mỹ xâm lược Iraq năm 2003, giá dầu thế giới chưa đến 25 USD/thùng nhưng đến năm 2008, giá dầu thế giới đã tăng lên gần 160 USD/thùng và hiện nay hơn 110 USD/thùng. Điều này không chỉ tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ mà còn kéo theo hàng loạt các bất ổn kinh tế ở các quốc gia khác, dẫn đến tình trạng lạm phát tăng cao.

TH.HẰNG - X.HẠNH - TH.HẢI (tổng hợp)


Bài 2: Đế chế trở thành con nợ

Khi người dân ở New York và trên khắp nước Mỹ đang tưởng niệm gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9-2001, cũng là lúc dấy lên những tranh cãi về việc nước Mỹ sẽ đi về đâu khi nền kinh tế đang gần như kiệt quệ và xã hội Mỹ đã có những thay đổi sâu sắc về nền tảng xã hội. 10 năm chỉ là một cái chớp mắt trong lịch sử, nhưng cũng đủ để đánh giá những tác động từ thảm họa 11-9 mà không một người Mỹ nào có thể quên được.

  • Kinh tế kiệt quệ

“Sự kiện 11-9 đã làm nước Mỹ sụp nhiều hơn hai tòa tháp” là tựa đề bài viết vừa được đăng trên tạp chí Forbes số ra ngày 8-9. Theo bài báo này, sự kiện 11-9 đã góp phần nhấn chìm nước Mỹ (và một phần ở châu Âu) xét cả về góc độ kinh tế và xã hội.

Về góc độ kinh tế, hàng trăm tỷ USD chi phí quân sự chống khủng bố của Chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục giải ngân, góp phần lớn trong cuộc khủng hoảng nợ nước này. Chi phí cho an ninh của chính phủ và các công ty, doanh nghiệp leo thang từng năm. Một cơ quan an ninh nội địa được hình thành với chi phí và quy mô không nhỏ, nhưng hiệu quả vẫn không rõ ràng trong những năm qua. Chỉ riêng chi phí an ninh quốc gia, Chính phủ Mỹ đã tiêu thêm 401 tỷ USD.

Theo GS kinh tế Brock Blomberg, Trường ĐH Claremont McKenna, chi phí an ninh để ngăn chặn nước Mỹ khỏi nguy cơ khủng bố chiếm khoảng 60 tỷ USD của nền kinh tế. Tức trong 1 USD chi tiêu, có đến 15 cent là chi phí an ninh. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cao một phần do các doanh nghiệp tập trung tăng cường an ninh, chỉ đầu tư cho những thiết bị công nghệ mới mà không thuê mướn nhiều nhân công để bảo vệ cơ ngơi.

Một thập kỷ sau, những thiệt hại về tài chính vẫn còn len lỏi trong nền kinh tế nước Mỹ khi chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn tiếp tục phải trả phí cho cái gọi là các chính sách chống khủng bố. Những tốn kém hữu hình nhất có thể dễ dàng thấy được là chi phí cho an ninh tại các sân bay, tòa nhà văn phòng và cơ quan chính phủ, chi phí bảo hiểm... Chiến dịch tăng chi tiêu quân sự khiến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và đe dọa làm xói mòn chuẩn sống do tiền thuế của người dân Mỹ ngày càng cao hơn.

GS kinh tế Anita Dancs, Trường ĐH Western New England, nhận định: “Tôi không tưởng tượng được là vụ khủng bố 11-9 đã làm thay đổi nền kinh tế Mỹ nhiều đến thế”.

Từ ước tính thiệt hại ban đầu là 35 tỷ USD, đến nay, theo các chuyên gia kinh tế nền kinh tế nước này thật sự đã mất đi hàng ngàn tỷ USD. Con số chi phí chính xác cho các cuộc chiến tranh vẫn chưa thể thống kê hết được. Một báo cáo mới công bố hồi tháng 6 vừa qua của hơn 20 học giả người Mỹ ước tính rằng chi phí quân sự cho 3 cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan, Iraq và Pakistan mà Mỹ dốc vào, tiêu tốn khoảng 2.300 - 2.800 tỷ USD trong thập kỷ qua.

  • Con nợ lớn nhất thế giới

Trong một quyển sách viết chung với nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, giáo sư Linda Bilmes của ĐH Harvard (Mỹ) nhận định: “Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh giành độc lập, nước Mỹ phải vay tiền để tiến hành chiến tranh. Theo các đánh giá mới nhất, cho tới khi kết thúc, nước Mỹ sẽ có thể tiêu tốn không dưới 4.400 tỷ USD cho các cuộc chiến tại 3 mặt trận trên. Nước Mỹ chưa khánh tận nhưng trở thành con nợ lớn nhất thế giới. Nợ công của Mỹ từ 6.400 tỷ USD vào năm 2003 nay đã lên đến 14.000 tỷ USD. Trong đó có phần “đóng góp” lớn của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ tiến hành ở Iraq, Afghanistan và Pakistan, tiếp theo sau sự kiện 11-9.

Nơi tọa lạc của tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại Thế giới trước đây, đang được xây dựng những công trình mới với tâm điểm là tòa tháp Tự do 106 tầng. Ảnh: KHẮC VĂN

Nơi tọa lạc của tòa tháp đôi, Trung tâm Thương mại Thế giới trước đây, đang được xây dựng những công trình mới với tâm điểm là tòa tháp Tự do 106 tầng. Ảnh: KHẮC VĂN

Cũng có nhiều nhà kinh tế đã tuyên bố không thể thống kê nổi những thiệt hại mà doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải gánh chịu sau sự kiện 11-9, bởi vì có quá nhiều thứ đã xảy ra sau đó. Một số biến cố khác như khủng hoảng thế chấp nhà dẫn đến vụ nổ bong bóng bất động sản và cuộc khủng hoảng tài chính là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế hiện nay.

Giáo sư Bilmes tin rằng: “Đã có quá nhiều quyết định nghèo nàn được đưa ra sau vụ 11-9. Hậu quả của việc chi tiêu quá nhiều cho chiến tranh đã để lại một di sản kinh tế ốm yếu và một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn bao giờ hết”.

Nếu như trong một bài phát biểu cách đây vài ngày tại một hội nghị chuyên đề ở Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda hầu như đã bị “bóp nghẹt” thì nước Mỹ cũng đang rơi vào tình trạng nghẹt thở về kinh tế.

  • Một xã hội tự ti, thiếu công bằng

Xét về khía cạnh xã hội, nước Mỹ đang xuất hiện một hiện tượng tâm lý gọi là “Social Proof” (Ảnh hưởng xã hội thông tin), có nghĩa là người Mỹ ngày nay chỉ dùng hành động phản ứng của người khác để điều chỉnh hành vi của mình. Nhà tâm lý học Robert Cialdini cũng đã phân tích hiện tượng tâm lý này trong quyển sách Influence: The Psychology of Persuasion. Quyển sách nhận định, bước vào đầu thế kỷ này, người Mỹ đã từng rất tự tin và nước Mỹ hành động như thể không có gì là họ không làm được.

Ngay cả sự hưng phấn của người Mỹ sau cái chết của Osama bin Laden cũng không như mong đợi. Sau Thế chiến thứ hai, Hitler bị tiêu diệt, tinh thần người Mỹ lên cao ngất ngưởng. Bin Laden chết đi, nhiều người Mỹ chỉ thấy bớt đi một nỗi lo chứ không cảm thấy hả hê. tờ National Journal kết luận: “Một thập kỷ đã trôi qua và nước Mỹ đã thay đổi hầu như không nhận ra được nữa”.

Đa số người dân Mỹ thừa nhận người Mỹ gốc Hồi giáo, gốc Arab và những người nhập cư từ Trung Đông vẫn bị đối xử một cách không công bằng trong xã hội Mỹ 10 năm sau vụ khủng bố 11-9.

Kết quả thăm dò của truyền hình CBS và tờ New York Times, công bố ngày 8-9, cho biết trong tổng số 1.165 người trên khắp nước Mỹ được phỏng vấn từ ngày 19 đến 23-8 vừa qua, có 78% nghĩ rằng nhóm sắc tộc nêu trên vẫn đang bị đối xử bất công, trong đó 29% khẳng định chắc chắn, 49% thừa nhận bị phân biệt đối xử ở dạng này hoặc dạng khác và chỉ có 18% tin rằng không có chuyện như vậy. Thực trạng này thay đổi chút ít so với kết quả thăm dò vài ngày sau vụ 11-9-2001, trong đó có tới 90% cho rằng trong xã hội Mỹ có hiện tượng phân biệt đối xử với người Mỹ gốc Hồi giáo, gốc Arab và người nhập cư từ Trung Đông.

Thái độ của người Mỹ đối với người Hồi giáo cũng thay đổi. Gần 1 tháng sau vụ 11-9-2001, kết quả thăm dò của truyền hình ABC và tờ Washington Times cho thấy 47% người Mỹ có thiện cảm với người Hồi giáo, thế nhưng đến năm 2010 con số người thiện cảm này chỉ còn 37%.

10 năm qua đã chứng kiến một nước Mỹ thay đổi tới mức khó nhận ra. Trong một thông điệp phát trên kênh USA Today ngày 8-9, Tổng thống Obama đã phải kêu gọi người dân Mỹ lấy lại tinh thần đoàn kết mà họ từng có sau khi xảy ra các vụ tấn công cách đây đúng một thập kỷ.

Kết quả một cuộc điều tra vừa được công bố trên tờ World Public Opinon số ra ngày 9-9 cho biết cứ 10 người Mỹ có 6 người cho rằng nền kinh tế Mỹ bị yếu đi là do chi tiêu quá nhiều cho cuộc chiến chống khủng bố sau vụ 11-9. Có đến 2/3 người Mỹ tin rằng quyền lực của nước Mỹ suy giảm, là kết quả từ phản ứng thái quá của nước Mỹ đối với vụ 11-9.

TH.HẰNG - X.HẠNH - TH.HẢI (tổng hợp)


Bài 3: Chống Mỹ - nguy cơ chưa dứt

“Hôm nay, tất cả chúng ta đều là người Mỹ”. Hàng tít trên trang nhất nhật báo Pháp Le Monde ngày 12-9-2001 đã tóm lược thái độ đồng cảm của cộng đồng quốc tế với người dân Mỹ. Sự kiện 11-9 đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới, đặt nước Mỹ trong nguy cơ khủng bố chưa từng có trong lịch sử. Để đối phó, 10 năm qua, chính quyền Mỹ vẫn dai dẳng một sứ mệnh: chống khủng bố. Ban đầu, sứ mệnh ấy đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, nhưng con số ấy cứ thưa dần…

TP New York, Mỹ tăng cường an ninh trong dịp tưởng niệm 10 năm ngày tấn công khủng bố 11-9.

TP New York, Mỹ tăng cường an ninh trong dịp tưởng niệm 10 năm ngày tấn công khủng bố 11-9.

  • Mở rộng phiêu lưu quân sự

Những chính sách cứng rắn của cựu Tổng thống George.W.Bush đã giúp ông giành được sự ủng hộ của 90% người Mỹ, tỷ lệ cao nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Tuy nhiên, sau cuộc chiến ở Iraq, chỉ số uy tín này đã sụt giảm thảm hại, có lúc chỉ còn 34% vào năm 2005. Chính sách của chính phủ Mỹ, mặc dù vì lợi ích chung là tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố, nhưng lại tạo nên hình ảnh nước Mỹ hiếu chiến. Theo giáo sư Michel Chossudovsky (thuộc một tổ chức nhân quyền), chính phủ Bush đã mở ra cuộc phiêu lưu quân sự ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai nhân loại.

Nhìn bề ngoài, cuộc chiến Iraq năm 2003 tưởng như thất bại, nhưng thực chất nước Mỹ được nhiều hơn mất. Dù trong gần 8 năm chiến tranh tại Iraq, Mỹ cũng phải trả giá khá đắt. Nếu nhìn từ góc độ nước Mỹ theo đuổi lợi ích của mình, duy trì bá quyền thế giới, sắp xếp lại chiến lược an ninh toàn cầu, đặc biệt là trật tự mới ở Trung Đông và việc kiểm soát nguồn năng lượng thế giới, họ đã được rất nhiều. Mỹ hoàn toàn khẳng định được địa vị của mình tại Trung Đông, biến khu vực này từ nơi căm thù Mỹ trở thành địa bàn chiến lược do Mỹ làm chủ. Hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq là một phần của kế hoạch quân sự rộng lớn hơn sau này, được các chuyên gia đánh giá là tiếp nối điểm kết thúc của Chiến tranh lạnh. Việc triển khai bộ máy chiến tranh đã mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ. Nước này đã thiết lập một loạt những căn cứ quân sự sẽ còn hiện diện lâu dài không chỉ tại Afghanistan, Iraq và Pakistan mà còn ở một số quốc gia thuộc Liên Xô nằm dọc biên giới phía Tây với Trung Quốc.

  • Xây dựng chiến lược an ninh ngoại biên

Báo cáo hồi tháng 9-2010 của các cựu quan chức và các nhà phân tích chính sách thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cho rằng, dù chính quyền Mỹ nỗ lực xây dựng đất nước Afghanistan bằng máu và tiền của nhưng lại mang đến một triển vọng thành công mờ nhạt. Bóng dáng của quân đội Mỹ tại Afghanistan nhằm giúp vùng đất được dọn dẹp “sạch sẽ” để có một chính phủ mới. Nhưng trên thực tế, lực lượng Taliban tuy mỏng và ít lại được lòng dân hơn. Họ đang tiếp tục lấn tới nhiều vùng mới, nơi chính quyền chưa với tới được. Taliban đã rút kinh nghiệm, tránh né các cuộc đụng độ cầm chắc thất bại. Thay vào đó, họ ẩn nấp trong lòng chính quyền và tăng cường quan hệ với các phong trào cực đoan ở Pakistan, Al-Qaeda… Vậy sự can thiệp quá sâu của Mỹ đã mang lại gì cho quốc gia Trung Á này? Câu trả lời có thể giải đáp ngay rằng, hoạt động trồng cần sa tràn lan do mất kiểm soát đã biến nơi đây thành lò cung cấp 90% lượng heroin của thế giới và thành vùng đất tử thần khi các vụ xung đột bè phái diễn ra triền miên.

Thủ đô Baghdad, xứ sở của những di sản văn hóa thế giới dưới họng súng của Mỹ (ảnh AFP chụp vào tháng 11-2003).

Thủ đô Baghdad, xứ sở của những di sản văn hóa thế giới dưới họng súng của Mỹ (ảnh AFP chụp vào tháng 11-2003).

Trong khi đó, tình hình an ninh Iraq cũng không khá hơn. Từ năm 2003 đến nay, số dân thường Iraq thiệt mạng lên tới hơn 100.000 người, còn binh sĩ hơn 10.000 người. Song song đó, 1,5 triệu người Iraq ly tán khắp nơi vì khói lửa chiến tranh và tiếng bom khủng bố. Tuy nhiên, điều Mỹ đạt được thông qua cuộc chiến Iraq là đã bẻ gẫy ngọn cờ lớn chủ nghĩa dân tộc Arập của chính quyền Hussein. Vừa chiếm đóng được nước này, Mỹ đã bắt đầu ngay tiến trình cải tạo và kiểm soát bằng việc xây dựng thể chế chính quyền dân sự; điều động nhiều chuyên gia và cố vấn bên cạnh bộ máy quyền lực quan trọng như Bộ dầu mỏ. Ngoài ra, Đại sứ quán Mỹ tại Iraq còn là cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ lớn nhất thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ còn áp dụng mọi biện pháp kỷ luật để ép buộc các nhân viên ngoại giao đến Iraq làm việc, hỗ trợ cho quân đội xâm nhập và kiểm soát Iraq nhằm biến nước này trở thành căn cứ chiến lược quan trọng không thua kém vai trò Israel tại Trung Đông. Mỹ đã cơ bản đưa các nước Trung Đông vào bàn cờ chiến lược an ninh của Mỹ.

  • Gia tăng mâu thuẫn với thế giới Hồi giáo

Rõ ràng, quân sự hùng mạnh chính là công cụ hỗ trợ một cường quốc làm thay đổi mọi phương diện của một quốc gia nhỏ hơn. Nhưng cũng chính quân sự đã làm cho sức mạnh mềm của cường quốc ấy giảm xuống chưa từng thấy. Số kẻ thù của Mỹ lại đang tăng nhiều hơn bạn bè vì những cuộc chiến tranh núp dưới danh nghĩa chống khủng bố. Bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, phớt lờ HĐBA LHQ, các cuộc chiến vẫn tiếp tục được phát động đã lộ rõ bản chất hiếu chiến của Mỹ. Đồng thời, việc kiểm soát Trung Đông đã gây bất lợi cho 4 thế lực tại đây là Nga, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản về địa chính trị và an ninh năng lượng, thậm chí có thể gây ra những xung đột mới.

Năm 1991, chiến tranh vùng Vịnh do Mỹ cầm đầu có 38 nước tham gia. Đến cuộc chiến Afghanistan, số nước tham chiến tăng lên 42. Cuối cùng, cuộc xâm lược Iraq chỉ còn vài nước phương Tây hỗ trợ như Anh, Australia, Ba Lan, lại còn vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số cường quốc như Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức. Sự thật về việc Tổng thống Bush bịa đặt thông tin tình báo lừa dối Quốc hội để lấy cớ phát động chiến tranh cùng với những vụ bê bối như ngược đãi tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib, giết hại nhiều người vô tội, đã làm hình ảnh một nước Mỹ đáng thương sau 11-9 sứt mẻ nghiêm trọng. Hậu quả là ông Obama khi lên cầm quyền đã phải điều chỉnh rất nhiều chính sách đối ngoại.

Trong bài phát biểu tại Đại học Cairo (Ai Cập), Tổng thống Obama đã phê phán một cách tế nhị cựu Tổng thống Bush khi cho rằng cuộc chiến Iraq “có thể lựa chọn”. Tại đây ông cũng tuyên bố sẽ nỗ lực hàn gắn những rạn nứt với thế giới Hồi giáo. Nhưng cho đến nay, dường như nước Mỹ chưa thể thu hẹp bất đồng với thế giới Hồi giáo mà còn làm gia tăng khoảng cách. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ và Hồi giáo còn cho rằng, nước Mỹ hình như không muốn làm bạn với họ mà chỉ muốn thống trị họ.

Chính sách của Mỹ đối với thế giới, trong đó có thế giới Hồi giáo, là nguyên nhân quan trọng dẫn đến mâu thuẫn gay gắt. Điều đáng tiếc là sau sự kiện 11-9, Mỹ chưa có sự thay đổi, điều chỉnh chính sách ngoại giao mà lại còn mở rộng chiến tranh sang các nước Hồi giáo. Chính thái độ tiêu cực của các lực lượng Hồi giáo cực đoan đã đặt nước Mỹ trong tình trạng luôn bất an và giờ đây, 10 năm sau sự kiện khủng bố đẫm máu 11-9, nước Mỹ chưa hề cảm thấy an toàn.

Thanh Hằng - Xuân Hạnh - Thanh Hải (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục