Năm 2010, thế giới chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng tác động sâu sắc tới các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, xã hội. Dưới đây là bình chọn những sự kiện nổi bật nhất trong năm của Báo Sài Gòn Giải Phóng.
1. Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên
Quan hệ liên Triều bỗng dậy sóng khi ngày 23-11, CHDCND Triều Tiên bắn khoảng 200 quả đạn pháo vào hòn đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, một trong những xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai bên từ khi cuộc chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên cùng hàng loạt các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Mỹ-Nhật... khiến tình hình căng thẳng tại khu vực ngày một leo thang. Cũng trong năm 2010, Triều Tiên đã tiến hành hội nghị toàn quốc đầu tiên của Đảng Lao động trong 44 năm qua và bầu ban lãnh đạo cao nhất của đảng vào ngày 28-9. Kim Jong-un, con trai thứ 3 của Chủ tịch Kim Jong-il lần đầu tiên xuất hiện công khai trước công chúng. Đây là nhân vật được cho là sẽ kế nhiệm Chủ tịch Kim lãnh đạo Triều Tiên.
2. Vụ giẫm đạp kinh hoàng ở Campuchia
Lễ hội té nước ở Phnom Penh, Campuchia biến thành thảm họa vào tối 22-11 làm hơn 375 người thiệt mạng và 755 người bị thương vì giẫm đạp nhau trong cơn hoảng loạn trên đảo Kim Cương. Thủ tướng Campuchia Hun Sen mô tả “đây là thảm họa lớn nhất kể từ thời Khmer Đỏ”. Đối với thế giới, đây là vụ giẫm đạp nghiêm trọng nhất trên thế giới trong vòng 20 năm qua, sau thảm họa giẫm đạp trong ngày lễ Hajj xảy ra ở Thánh địa Mecca, Saudi Arabia, làm 1.426 người thiệt mạng.
3. Wikileaks khuynh đảo thế giới
“Phát súng” đầu tiên nổ ngày 5-4 là đoạn video quay cảnh một trực thăng Apache giết hại hàng chục người vô tội ở ngoại ô Baghdad, Iraq năm 2007, khiến dư luận phẫn nộ. 3 tháng sau, hơn 90.000 báo cáo mật về cuộc chiến tại Afghanistan được tung ra bất chấp sức ép từ chính phủ Mỹ. Thông qua các tờ báo lớn New York Times (Mỹ), Le Monde (Pháp), Guardian (Anh), El Pais (Tây Ban Nha) và Der Spiegel (Đức), các tài liệu mật về cuộc chiến Iraq và Bộ Ngoại giao Mỹ lần lượt được Wikileaks công bố vào tháng 10 và tháng 11. Đặc biệt, vụ rò rỉ tài liệu ngoại giao được coi là vụ “tấn công 11-9” vào nền ngoại giao Mỹ.
4. Khủng hoảng nợ châu Âu
Khủng hoảng bắt nguồn từ Hy Lạp, Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã nhất trí gói cứu trợ 110 tỷ EUR cho Hy Lạp trong 3 năm, đồng thời kích hoạt Quỹ bình ổn Eurozone trị giá 750 tỷ EUR. Đến tháng 10, khủng hoảng nợ Ireland nổ ra với nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino trong khu vực sử dụng đồng EUR. Mặc dù Ireland được cung cấp gói cứu trợ khoảng 85 tỷ EUR, nhưng nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ vẫn đe dọa châu Âu, đặc biệt Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá vàng năm 2010 leo thang chóng mặt với hàng loạt lần lập và phá kỷ lục. Chỉ trong 1 năm giá vàng đã tăng kỷ lục từ 1.096 USD/ounce hồi tháng 1 đến 1.427 USD/ounce (tháng 12).
5. Thế giới lên cơn sốt kim loại hiếm
Mối quan tâm với đất hiếm chưa bao giờ nóng như những tháng qua, khiến giá tăng mạnh. Từ Đông sang Tây tấp nập các cuộc thương thảo. Cả thế giới nháo nhào tìm nguồn thay thế. Tất cả vì Trung Quốc đột ngột cắt giảm 72% định mức xuất khẩu cuối năm 2010. Hiện tượng này ngay lập tức đã thổi giá đất hiếm lên cao. Sở dĩ tiếng chuông báo động được cả thế giới gióng lên là vì đất hiếm đã trở thành loại nguyên liệu tối cần thiết cho các ngành công nghệ mũi nhọn tại những quốc gia phát triển. Đây cũng là một phần không thể thiếu của các công nghệ mà giới chính trị thế giới đang dựa vào nhằm tránh những tác hại tồi tệ nhất của tình trạng Trái đất nóng lên. Dự báo, nhu cầu của thế giới về đất hiếm sẽ còn tăng gấp đôi trong 5 năm tới.
6. Thảm họa tràn dầu lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ
Vụ tràn dầu ở vịnh Mexico là thảm họa môi trường khủng khiếp nhất tại Mỹ. Ít nhất 43 triệu gallon dầu đã tràn ra đại dương kể từ khi giàn khoan Deepwater Horizon bốc cháy và chìm xuống biển trong tháng 4. Một chiến dịch có quy mô chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ được triển khai để đối phó với thảm họa sinh thái trên với sự tham gia của hơn 19.000 chiếc tàu và 20.000 người. Kể từ khi vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon xảy ra hôm 20-4, giá cổ phiếu BP đã giảm 34%, quét đi hơn khoảng 58 tỷ USD giá trị của công ty này.
7. Động đất Haiti
Trận động đất 7 độ richter xảy ra vào ngày 12-1 tại thủ đô Port-au-Prince làm hơn 3 triệu người mất nhà cửa. Số người thiệt mạng từ vài ngàn lúc ban đầu lên đến 230.000 người khi có đến hàng chục cơn địa chấn mạnh từ 4 đến 5 độ richter liên tục xảy ra sau đó. Trận động đất được cho là có mức độ tàn phá mạnh hơn thảm họa sóng thần tại châu Á cách đây 5 năm. Điều kiện sống khó khăn, ô nhiễm môi trường sau động đất dẫn tới dịch tả lây lan nhanh chóng ở Haiti, quốc gia 8,5 triệu dân với một nửa trong số đó thất nghiệp và 70% phải sống với thu nhập dưới 2 USD/ngày. Hậu quả gần 1.200 người chết vì tả, hơn 20.000 người nhiễm bệnh.
8. Giải cứu thành công thợ mỏ Chile
Một hầm mỏ bị sập ngày 5-8 khiến 33 thợ mỏ bị kẹt dưới lòng đất. 17 ngày sau, đội cứu hộ bắt đầu nhận được thông tin về sự sống sót của họ. Hơn 3 tháng sau, ngày 12-10, họ bắt đầu được kéo lên khỏi mặt đất và trở thành người hùng của đất nước vì ý chí mạnh mẽ đã giúp họ có thể sống sót và trở về nhà. Kinh phí giải cứu ước tính hơn 20 triệu USD. Hơn 1.500 phóng viên trong và ngoài nước đã đến mỏ vàng San Jose đưa tin về vụ tai nạn và những hình ảnh cuộc giải cứu đã được truyền hình trực tiếp trên những kênh truyền hình lớn.
9. Nỗi ám ảnh “màu đỏ”
Các cuộc biểu tình của phe áo đỏ chống chính phủ Thái Lan liên tục diễn ra. Đỉnh điểm vào tháng 3, tháng 4, phe áo đỏ đã bao vây tòa nhà chính phủ, tư gia Thủ tướng, chiếm lĩnh một số vị trí quan trọng ở Thủ đô Bangkok, thậm chí gây bạo loạn, nổ súng… Kinh hoàng nhất là việc phe áo đỏ thu thập máu của người dân để sau đó mang đến đổ trước hàng rào Phủ Thủ tướng tại Bangkok. Hành động trên đã bị cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích dữ dội. Những cuộc đụng độ giữa quân đội chính phủ và người biểu tình đã gây ra nhiều cái chết oan uổng. Bức ảnh về cái chết của phóng viên Nhật Bản Hiro Muramoto thuộc hãng thông tấn Reuters khi đang tác nghiệp hồi giữa tháng 4 gây hoang mang dư luận quốc tế.
10. World Cup Nam Phi
Thất bại trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup năm 2006 nhưng nhờ quyết tâm, Nam Phi cuối cùng đã giành được tấm vé đăng cai World Cup 2010 kế tiếp. Lần đầu tiên trong lịch sử, “lục địa đen” giành được vinh dự chiêu đãi bữa tiệc bóng đá lớn nhất hành tinh. Trong suốt mùa World Cup, qua tiếng kèn vuvuzela độc đáo, Nam Phi đã gửi gắm thông điệp rằng không còn ranh giới giữa các châu lục cũng như sắc tộc. Ngày hội bóng đá đã tạo rất nhiều việc làm thời vụ, giúp người dân Nam phi cải thiện phần nào cuộc sống cơ cực.