10 sự kiện thế giới nổi bật trong năm 2018

Thế giới đang trải qua những ngày cuối cùng của năm 2018. Năm nay, nhiều mối quan hệ song phương, đa phương, một số dự án hợp tác quốc tế đã có những bước đi thành công đầu tiên. Nhưng vẫn còn đó nhiều mâu thuẫn, bất đồng dang dở chưa được giải quyết. Dưới đây là 10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2018 theo bình chọn của Báo SGGP.  

1 Dấu ấn đổi mới từ Cuba 

Ngày 18-4, đồng chí Miguel Díaz-Canel được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba, trở thành lãnh đạo đầu tiên ở quốc gia Caribbean chào đời sau cuộc cách mạng Cuba. 

Đồng chí Miguel Díaz-Canel (trái) được bầu làm  Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba
 Cuối tháng 7, Quốc hội Cuba tại phiên họp thường kỳ đầu tiên nhiệm kỳ khóa IX đã thông qua dự thảo Hiến pháp mới với những thay đổi lớn, bao gồm những thay đổi đáng kể nhất về chính trị, kinh tế và xã hội Cuba kể từ năm 1959. Dự thảo Hiến pháp mới sẽ thay thế cho bản Hiến pháp 1976 hiện hành tại Cuba, mà theo các nhà lãnh đạo Cuba là nhằm đáp ứng những chuyển biến của đất nước. Trong đó, sẽ công nhận thị trường và quyền tư hữu là những thành phần của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trong phiên họp trong 2 ngày 21 và 22-12 có sự tham gia của Bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba Raúl Castro và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Miguel Díaz - Canel, dự thảo Hiến pháp Cuba sửa đổi được thông qua với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối. Dự thảo bao gồm gần 760 thay đổi so với bản tiền dự thảo ban đầu.


2 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lan rộng 

Các hành động khiêu khích ở cả hai bên đã dẫn đến căng thẳng gia tăng và sự suy giảm niềm tin giữa Trung Quốc và Mỹ trong năm 2018. Mỹ đã ra 2 đợt áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, đợt 1 vào tháng 6, với mức thuế 25% trên 50 tỷ USD hàng hóa, đợt 2 vào tháng 9 ở mức 10% trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể tăng lên tới 25% vào năm 2019. Bắc Kinh đáp trả bằng cách tuyên bố mức thuế mới lần lượt 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa và 5%-10%  lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Vào tháng 5, Mỹ cũng bắt đầu áp đặt thuế chống phá giá lên thép và nhôm nhập khẩu của Trung Quốc, tiếp đó vào ngày 1-6, Mỹ áp dụng điều tương tự với nhôm và thép nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu, buộc các nước này trả đũa. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11, Mỹ và Trung Quốc tuyên bố tạm ngừng cuộc chiến thương mại trong 90 ngày kể từ  năm 2019. Chính sách bảo hộ đã trở thành đề tài nóng tại các diễn đàn kinh tế và chính trị toàn cầu trong năm 2018.

3 Chuyển động bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên 

Cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27-4 được xem là dấu mốc quan trọng trong lịch sử bán đảo Triều Tiên. Gần 2 tháng sau, ngày 12-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt bút ký một thỏa thuận chung mang tính lịch sử trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của 2 quốc gia thù địch này tại Singapore. Theo đó, hai bên cam kết thiết lập mối quan hệ mới, nỗ lực xây dựng hòa bình lâu dài, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Tất nhiên, sẽ có những khó khăn phía trước, nhưng những diễn biến lịch sử diễn ra trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2018 được xem như bước khởi đầu vô cùng quan trọng trong hành trình hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài trên một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.

4   Pháp chấn động vì “Áo vàng” 

Từ giữa tháng 11, biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu do phong trào “ Áo vàng” tổ chức diễn ra liên tục vào ngày cuối tuần ở Pháp đã trở thành cuộc biểu tình hàng loạt tồi tệ nhất ở nước này. Làn sóng biểu tình biến thành bạo động làm gần 10 người chết, 500 người bị thương, hàng ngàn người bị bắt, gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ EUR. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron buộc phải nhượng bộ, tuyên bố năm 2019 ngừng tăng thuế nhiên liệu, dù trước đó ông tuyên bố không cúi đầu trước “chính trị đường phố”. Tôn chỉ của phong trào “Áo vàng” đã không còn giới hạn ở đấu tranh giảm thuế xăng dầu, mà đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Những cuộc biểu tình tương tự phong trào “Áo vàng” ở Pháp đã lan sang nhiều nước châu Âu, Trung Đông và cả châu Phi.
 
5 Khủng hoảng của mạng xã hội 

Sau vụ bê bối rò rỉ dữ liệu của 87 triệu người dùng mạng xã hội Facebook, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg lần đầu tiên phải điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 4. Vụ việc đánh dấu khủng hoảng lớn nhất từ khi ra đời của Facebook và cũng mở màn cho nhiều động thái siết chặt quản lý việc xử lý vấn đề riêng tư và quản lý dữ liệu người dùng đối với các hãng công nghệ lớn của giới chức một số nước, đặc biệt tại châu Âu. Đến cuối tháng 9, Wall Street Journal tiếp tục công bố một bản báo cáo về lỗ hổng trên Google+ gây rò rỉ thông tin cá nhân của 500.000 người trong tháng 3. Bên cạnh đó, vấn nạn fake news (tin giả) vẫn là cụm từ được cộng đồng dư luận nhắc đến nhiều trong năm qua. Ngày càng có nhiều chính phủ ban hành các đạo luật nhằm xử phạt người tung tin giả và cả các trang tin, trong đó có mạng xã hội, cho phép đăng tải loại thông tin thất thiệt gây hậu quả nghiêm trọng. 

6 Thay đổi trong chính sách di dân đến Mỹ
 
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có lúc phải ra lệnh đóng cửa biên giới Mỹ - Mexico và dùng hơi cay giải tán đoàn người từ các nước Trung Mỹ muốn nhập cư vào Mỹ. Ông Donald Trump cũng vận động ráo riết Quốc hội xây tường ở biên giới với Mexico, tuyên bố sẽ dừng diện nhập cư DACA (những trẻ em được đưa đến Mỹ theo con đường bất hợp pháp). Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ chấm dứt việc áp dụng Tu chính án 14 của Hiến pháp nước này theo đó cấp quốc tịch cho bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra ở Mỹ. Các quyết định trên đều gây làn sóng tranh luận trái chiều. Tuy nhiên, các quyết định này chưa được thực hiện vì thủ tục pháp lý phức tạp. Mặc dù vậy, trong năm 2018, thủ tục xét cấp cho người nhập cư vào Mỹ trở nên khó khăn hơn.

7 Giải cứu đội bóng Lợn hoang ở Thái Lan

Ngày 12-8, thế giới vỡ òa niềm vui khi đội bóng Lợn hoang gồm 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên được đưa ra an toàn sau 18 ngày mắc kẹt trong hang sâu Tham Luang, miền Bắc Thái Lan. Chiến dịch giải cứu khổng lồ được khởi động với sự tham gia của hơn 1.000 người, gồm quân đội, các lực lượng cứu hộ Thái Lan và hàng trăm tình nguyện viên trên khắp thế giới. Câu chuyện truyền cảm hứng về sức mạnh tinh thần của con người, về tình người này đã được dựng thành phim. 

8 Thiên tai, tai nạn ở Indonesia, cháy rừng California

3 vụ động đất mạnh từ 6 - 7,5 độ Richter liên tiếp xảy ra và sóng thần trên đảo Sulawesi của Indonesia vào tháng 9 khiến gần 3.000 người thiệt mạng, 5.000 người mất tích, 90.000 người mất nhà cửa. Đến cuối tháng 10, chiếc máy bay Lion Air chở 189 người bất ngờ rơi khi chỉ vừa cất cánh khỏi sân bay Jakarta. Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Tối 22-12, các vùng ở khu vực eo biển Sunda của Indonesia như Serang, Pandeglang và Nam Lampung hứng chịu cơn sóng thần khiến 222 người thiệt mạng và hơn 843 người bị thương và 28 người mất tích. Tính đến tối 23-12, nguyên nhân nhiều khả năng là hệ quả từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatau, ngọn núi phun trào 24 phút trước khi sóng thần diễn ra. 

Cảnh đổ nát sau sóng thần ở Pandeglang, Indonesia ngày 22-12
Tại Mỹ, đám cháy rừng Camp, vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất trong lịch sử bang California bùng phát hôm 8-11 những mãi đến ngày 25-11 mới được kiểm soát hoàn toàn. Đám cháy đã thiêu rụi hơn 600 km2 diện tích hạt Butte, khiến 85 người thiệt mạng và phá hủy 14.000 ngôi nhà. Hầu hết những người thiệt mạng đều ở Paradise, thị trấn đã hóa tro tàn vì hỏa hoạn.  


9 InSight vượt 548 triệu km,  đáp xuống sao Hỏa

Ngày 27-11-2018, tàu thăm dò sao Hỏa của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mang tên InSight đã đáp an toàn xuống bề mặt hành tinh Đỏ, sau khi vượt qua chặng đường dài 548 triệu km trong 6 tháng. Đây là tàu vũ trụ đầu tiên được thiết kế để nghiên cứu hành tinh Đỏ. Sau khi hạ cánh xuống sao Hỏa, InSight đã gửi một tấm ảnh “selfie” về Trung tâm nghiên cứu động cơ đẩy phản lực (JPL) của NASA. Trong 2 năm hoạt động (tương đương với 1 năm trên sao Hỏa), tàu thăm dò InSight (có khối lượng 360kg) sẽ đào sâu xuống bề mặt sao Hỏa khoảng 5m để đo nhiệt độ, đồng thời nghiên cứu mức độ chấn động của bề mặt hành tinh Đỏ bằng cách lắp đặt một thiết bị đo địa chấn. Dự án InSight có chi phí khoảng 850 triệu USD. NASA cho biết việc khảo sát địa chất sao Hỏa có thể giúp hiểu rõ hơn nguồn gốc của Trái đất và các hành tinh đá khác trong hệ Mặt trời cách đây hơn 4 tỷ năm.

10 Tin về cặp song sinh biến đổi gen gây tranh cãi

Nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê ngày 25-11 tuyên bố tạo ra cặp em bé song sinh có ADN được chỉnh sửa để kháng nhiễm HIV. Thông tin này châm ngòi một cuộc tranh cãi dữ dội trong cộng đồng học thuật. Nhiều chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu di truyền quốc tế nhận định ông Hạ và cộng sự đã hành động thiếu trách nhiệm, vi phạm tới các vấn đề liên quan tới đạo đức khoa học và an toàn xã hội. Ủy ban Sức khỏe quốc gia Trung Quốc phải ra lệnh lập tức điều tra về thí nghiệm của ông Hạ Kiến Khuê. Tổ chức Y tế thế giới sau đó cho biết sẽ thành lập một ủy ban chuyên nghiên cứu việc chỉnh sửa gen.

Tin cùng chuyên mục