10 sự kiện tiêu biểu trong năm 2010 của ngành Thông tin – Truyền thông Việt Nam

10 sự kiện tiêu biểu trong năm 2010 của ngành Thông tin – Truyền thông Việt Nam

(SGGPO).- Sáng nay, 22-12, Bộ Thông tin – Truyền thông đã tổ chức họp báo công bố 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực Thông tin – Truyền thông năm 2010. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Trần Đức Lai, ở lĩnh vực viễn thông, năm nay mặc dù không có sự tăng trưởng mang tính đột phá như những năm trước, nhưng doanh thu và lượng thuê bao điện thoại vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định. Điểm quan trọng năm nay là Bộ Thông tin – Truyền thông đã hoàn thiện một số cơ chế pháp lý, được Quốc hội, Chính phủ thông qua một số luật, đề án mang tính đột phá trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông cũng như bưu chính và chính sách phát triển ngành Thông tin – Truyền thông trong thời gian tới.

10 sự kiện tiêu biểu của lĩnh vực Thông tin – Truyền thông được Bộ Thông tin – Truyền thông bình chọn và công bố như sau:

1.  Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin-truyền thông” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án này được xem là sẽ tạo bước đột phát quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đó là tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập tin học, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường công nghệ thông tin-truyền thông đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Cùng với Đề án trên được phê duyệt, Bộ Thông tin – Truyền thông đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị. Đây là Chỉ thị được xem là có tính “cách mạng”, đưa vị trí viễn thông, công nghệ thông tin-truyền thông của Việt Nam “từ không đến có” trên thế giới trong 10 năm qua.

Hồ Thị Hiếu Hiền, học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt giải cao nhất cuộc thi do Liên minh bưu chính thế giới (UPU) phát động.

Hồ Thị Hiếu Hiền, học sinh Việt Nam đầu tiên đoạt giải cao nhất cuộc thi do Liên minh bưu chính thế giới (UPU) phát động.

 2. Luật Bưu chính được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 và sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2011 tới. Cũng từ ngày 1-7-2010, Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Viễn thông đã chính thức có hiệu lực.

 3. Chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo” được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8. Chương trình này nhằm rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa các vùng, miền; đồng thời tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tễ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng. Chương trình dự kiến sẽ thực hiện tại 250 huyện và 3.000 xã, trong đó ưu tiên 1.700 xã vùng sâu, vùng xa trong gia đoạn 2011 – 2015.

 4. Doanh nghiệp viễn thông trở thành doanh nghiệp đứng hàng đầu Việt Nam về đóng thuế. Đó là trường hợp của MobiFone đứng đầu trong danh sách 1.000 doanh nghiệp Việt Nam nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với 6.000 tỷ đồng. Đứng thư 2 trong danh sách này là Viettel. Trong năm qua, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Bưu chính-Viễn thông đạt doanh thu tăng 57,2% so với năm trước và nộp ngân sách Nhà nước tăng 20,8% so với năm 2009. Hiện nay, tổng số thuê bao điện thoại toàn mạng có 162,88 triệu, trong đó di động chiếm 91,2%; mật độ điện thoại đạt 189máy/100 dân.

5. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh Internet và Game Online (GO). Nhằm hạn chế và ngăn ngừa những tác hại của GO, trong năm 2010, Bộ Thông tin – Truyền thông và các Sở Thông tin – Truyền thông trong cả nước đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệu tăng cường quản lý GO. Bộ đã đề ra 5 nhóm giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ GO sai phạm; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống cửa hàng, đại lý Internet công cộng. Dùng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn và loại bỏ các thông tin số có nội dung vi phạm; yêu cầu các đại lý Internet thực hiện nghiêm giờ hoạt động... Tháng 6-2010, Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đã ban hành Thông tư 14 quy định về hoạt động, quản lý trang thông tin điện tử và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến.

6. An toàn thông tin trở thành vấn đề cấp thiết, sống còn đối với các tổ chức, doanh nghiệp. Trong năm qua, hàng loạt các vụ hacker diễn ra, vấn đề thông tin cá nhân cũng như những lỗ hổng trên hệ thống mạng đã đến mức báo động. Vì thế, lần đầu tiên, Bộ Thông tin – Truyền thông công bố thông điệp về an toàn thông tin với chủ đề “Quy hoạch An toàn thông tin  - Con đường phía trước”. Đây là hoạt động quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thông tin của toàn xã hội, khuyến khích quảng bá việc ứng dụng công nghệ thông tin, bảo mật giúp cho các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thiết thực để đảm bảo an toàn thông tin.

7. Tổ chức hội chợ sách quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đó là hội chợ sách quốc tế lần thứ 3 diễn ra ở Hà Nội vào giữa tháng 9-2010 và là hoạt động chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Triển lãm – hội chợ sách này đã có trên 230 gian hàng với hàng ngàn tên sách, hàng triệu bản sách và văn hóa phẩm về Thăng Long – Hà Nội, Đảng, Bác Hồ...

8. Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức liên hoan ảnh, phim tài liệu và phóng sự chủ đề “Đất nước và con người các quốc gia ASEAN”. Liên hoan đã thu hút được gần 7.000 tác phẩm của các tác giả là nhiếp ảnh, phóng viên các cơ quan báo chí, các nhà làm phim từ các nước trong khu vực. Liên hoan đã thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế mà còn thể hiện trong lĩnh vực văn hóa và truyền thông.

9. Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Hội báo Xuân ở Paris (Pháp). Sự kiện này diễn ra với sự góp mặt của hơn 680 ấn phẩmbáo chí thuộc hơn 400 cơ quan báo chí Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới trong sự nghiệp hội nhập và phát triển của truyền thông Việt Nam trên trường quốc tế.

10. Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39. Sau 20 năm tham gia, lần đầu tiên một học sinh Việt Nam đoạt giải cao nhất cuộc thi do Liên minh bưu chính thế giới (UPU) phát động. Với chủ đề “Hãy viết thư cho một người nào đó, để nói vì sao sự hiểu biết về AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng”, em Hồ Thị Hiếu Hiền (Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã viết thư gửi đến đạo diễn điện ảnh nổi tiếng người Trung Quốc là Trương Nghệ Mưu với mong muốn có những tác phẩm điện ảnh thật hay về chủ đề này, qua đó giúp mọi người hiểu hơn về sự nguy hiểm của AIDS để phòng tránh một cách có hiệu quả, đồng thời giúp thức tỉnh những người còn thờ ơ với căn bệnh thế kỷ này.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục