Năm 2010 có nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trong và ngoài nước. Sau đây là 10 sự kiện văn hóa, nghệ thuật nổi bật trong nước được Báo SGGP bình chọn.
1. Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Đại lễ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1 đến ngày 10-10 với nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước đã thu hút hàng triệu lượt người xem. Đặc biệt, lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sử với 40.000 người tham gia để chào mừng đại lễ đã tạo được ấn tượng sâu sắc. Bên cạnh đó, đêm hội văn hóa - nghệ thuật chào mừng thành công của đại lễ diễn ra tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình vào tối 10-10 với hàng ngàn diễn viên tham gia, cùng các màn trình diễn pháo hoa, nghệ thuật ánh sáng đặc sắc đã mang lại cho người xem nhiều cảm xúc.
Dịp đại lễ, có nhiều công trình văn hóa được khánh thành, đưa vào hoạt động như: Bảo tàng Hà Nội, Rạp hát Công Nhân, Trung tâm văn hóa Kim Đồng… Đặc biệt là công trình Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội được đặt trang trọng tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội.
2. Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần đầu tiên
Liên hoan phim quốc tế Việt Nam (VNIFF) lần thứ nhất diễn ra từ ngày 17 đến 21-10 tại Hà Nội. Liên hoan đã thu hút sự tham gia của 67 phim đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức, song LHP quốc tế Việt Nam 2010 đã có sự hiện diện của nhiều tên tuổi nổi tiếng của điện ảnh thế giới cùng nhiều diễn viên nổi tiếng của Việt Nam. Kết thúc LHP, giải phim truyện nhựa xuất sắc nhất đã thuộc về phim “Lâu đài cát” của Singapore. Chủ nhà Việt Nam giành giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: diễn viên, ca sĩ Nhật Kim Anh (vai Cầm trong “Long thành cầm giả ca” - ảnh) và phim tài liệu hay nhất dành cho phim “Luôn bên con” (đạo diễn Nguyễn Thị Kim Hải).
3. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được điện ảnh Mỹ tôn vinh
Tối 10-11 (theo giờ địa phương), NSND Đặng Nhật Minh được tôn vinh tại Mỹ. Đạo diễn- NSND Đặng Nhật Minh (ảnh) đã nhận được lời mời từ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tham gia chương trình tôn vinh sự cống hiến của ông đối với điện ảnh Việt Nam trong suốt những năm qua. Đặng Nhật Minh là đạo diễn của nhiều bộ phim xuất sắc: Thương nhớ đồng quê, Bao giờ cho đến tháng 10, Thị xã trong tầm tay, Cô gái bên sông, Mùa ổi, Đừng đốt…
4. Ba di sản văn hóa được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới
2010 có thể được coi là một năm thành công của ngành văn hóa Việt Nam với việc liên tiếp có 3 di sản văn hóa được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, gồm: 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh); Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Hội Gióng.
5. Hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên một hiện tượng văn học trong năm 2010 khi gặt hái được khá nhiều thành công.
Ngày 5-11, tại Thái Lan, anh là nhà văn thiếu nhi đầu tiên đại diện Việt Nam nhận giải thưởng văn học ASEAN năm 2010 với tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Ngày 7-11, thư quán đầu tiên mang tên Nguyễn Nhật Ánh đã được khai trương ở số 43 Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TPHCM.
Đến ngày 9-12, NXB Trẻ chính thức tung ra thị trường tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Chỉ trong ngày đầu tiên ra mắt bạn đọc, toàn bộ 17.000 bản in của tác phẩm này đã được bán hết, cùng ngày NXB Trẻ đã phải tái bản thêm 10.000 bản. Việc tái bản một tựa sách ngay trong ngày phát hành đầu tiên là một kỷ lục trong lịch sử xuất bản của NXB Trẻ.
6. Lần đầu tiên sắc đẹp Việt lên ngôi “Hoa hậu đẹp nhất châu Á”
Ngày 30-7, tổ chức sắc đẹp toàn cầu (Global Beauties) đã đến Việt Nam trao tặng vương miện Hoa hậu đẹp nhất châu Á cho người đẹp Hương Giang (ảnh). Trước khi trở thành Hoa hậu đẹp nhất châu Á, Hương Giang đã vượt qua cuộc bình chọn của một ban giám khảo độc lập, gồm 15 chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
7. Hội sách TPHCM lần thứ 6
Sau 7 ngày mở cửa (15 đến 22-3) Hội sách TPHCM lần thứ 6 đã thu hút hơn 700.000 lượt bạn đọc, trên 4 triệu cuốn sách đã được bán ra, tổng doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng. Những con số trên đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò của Hội sách TPHCM khi trở thành sự kiện văn hóa đọc lớn nhất cả nước những năm gần đây. Quy mô của Hội sách TPHCM cũng ngày càng được mở rộng, từ 110 gian hàng ở hội sách lần đầu tiên, tới lần thứ 6 này đã có đến 471 gian hàng của 150 đơn vị xuất bản, kinh doanh sách, trong đó có đến 31 NXB nước ngoài.
8. Lần đầu tiên, Xiếc Việt Nam giành Huy chương vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế ở Tây Ban Nha
Từ 18 đến 22-2, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã tham gian Liên hoan xiếc quốc tế Albbacete lần thứ 3 ở Tây Ban Nha. Đây là liên hoan có uy tín, được tổ chức thường niên quy tụ đông đảo nghệ sĩ xiếc tầm cỡ của các nước, vùng lãnh thổ. Thế nhưng, các nghệ sĩ xiếc của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều nghệ sĩ khác khi thể hiện thành công tiết mục “Đu siêu nhân” (ảnh), giành huy chương vàng của liên hoan và tiết mục này cũng đoạt luôn giải thưởng khán giả yêu thích (do 10.000 khán giả bình chọn).
9. Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng cao trong cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế
Ở cuộc thi ảnh nghệ thuật đen trắng lần thứ 30 và cuộc thi ảnh dành cho các tác giả trẻ lần thứ 32 do Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Việt Nam (từ 1 đến ngày 8-8), với sự tham gia của 42 quốc gia trên thế giới. Tổng số 24 giải thưởng của FIAP trao cho các bộ ảnh của cả 2 nội dung thi, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam giành 3 giải: một Cúp Thế giới với bộ ảnh Trẻ nhóm tuổi dưới 16 và một HCV bộ ảnh Trẻ nhóm tuổi từ 16 - 21. Đáng chú ý nữa là bộ ảnh đen trắng của Việt Nam với chủ đề Vượt khó (ảnh) đã đoạt HCV. Trong số 17 giải thưởng cá nhân, Việt Nam giành 3 giải: 1 HCV, 2 HCĐ. Với số giải thưởng này, Việt Nam đã lọt vào 10 nước đứng đầu về số lượng giải thưởng.
10. Dự án tu bổ, tôn tạo Đình Chu Quyến vinh dự nhận giải thưởng lớn của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế
Trong lúc có nhiều di tích văn hóa, lịch sử được trùng tu thiếu sự nghiên cứu, gây bức xúc trong dư luận cũng như nhiều nhà chuyên môn, thì dự án tu bổ, tôn tạo Đình Chu Quyến (ảnh) vinh dự nhận được giải thưởng lớn của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) vào ngày 10-10, sau khi vượt qua 33 dự án của 14 nước, vùng lãnh thổ khác nhau là rất đáng ghi nhận. Việc tu bổ, tôn tạo Đình Chu Quyến (thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội) do Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) triển khai, thực hiện từ tháng 4-2007 đến tháng 10-2010 hoàn thành