(SGGP).- Ngày 28-10, tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), Tổng cục Lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2010. Theo số liệu của Cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện, xử lý 2.463 vụ khai thác lâm sản trái pháp luật.
Tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là gỗ quý, hiếm diễn ra khá gay gắt, kéo dài trên địa bàn một số tỉnh như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắc Lắc…
Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, trong 10 tháng đầu năm 2010, cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo vệ rừng, trong đó có 33 vụ gây tổn hại lớn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhà nước, của người thi hành công vụ, làm 4 người chết, 43 người bị thương.
Ông Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, trước mắt, các cơ quan chức năng ở các địa phương phải tổ chức thống kê, phân loại đối tượng vi phạm pháp luật; phân hóa, có biện pháp thuyết phục, giáo dục, chuyển hóa đối tượng; theo dõi, giám sát đối tượng cố tình vi phạm, để thiết lập phương án truy quét, xử lý kịp thời, cương quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phải rà soát và xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng; giải quyết kịp thời các vụ phát sinh mới, lựa chọn một số vụ án điểm về phá rừng, chống người thi hành công vụ, sớm đưa ra xét xử công khai để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch ổn định dân cư, quy hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng, bảo đảm tính hợp lý, bền vững, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung và quy hoạch phát triển kinh tế lâm nghiệp của từng địa phương.
Đ.Trung