1.000 đối tượng chính sách tại Nam Định được khám chữa bệnh miễn phí nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa

1.000 đối tượng chính sách tại Nam Định được khám chữa bệnh miễn phí nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa

Sắp tới, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, Hội Thầy thuốc Trẻ Việt Nam phối hợp với Công ty Dược phẩm Tâm Bình tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa bằng việc chăm sóc sức khỏe, y tế quy mô lớn cho các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công… tại tỉnh Nam Định. Đây là hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng đợt cao điểm cuộc vận động “Toàn dân thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động nhằm hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012). Điều đặc biệt là kinh phí cho hoạt động này đều do Công ty Dược phẩm Tâm Bình hỗ trợ toàn bộ.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hông (ảnh)- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam để rõ hơn về hoạt động này.

Tháng 7 này, Trung ương Hội tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa bằng đợt thăm khám chữa bệnh nhân đạo, phát thuốc miễn phí quy mô lớn cho các đối tượng chính sách tại Nam Định, xin ông có thể cho biết cụ thể về hoạt động này?

- Chúng tôi tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo được cho 1.000 đối tượng chính sách tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định vào hai ngày 13-7 và 14-7 sắp tới. Các đơn vị tham gia tổ chức cho đợt thăm khám này ngoài Trung ương Hội thì còn có Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Công ty Dược phẩm Tâm Bình vừa là nhà tài trợ toàn bộ kinh phí, vừa đồng thời trực tiếp tham gia. Việc thăm khám bệnh được tổ chức trong 2 ngày, làm 2 đợt: đợt 1 tổ chức tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ huyện Nghĩa Hưng, Nam Định để thăm khám và phát thuốc miễn phí cho 500 đối tượng chính sách ở thị trấn nghĩa Hưng đồng thời trao 20 suất quà cho hộ nghèo vào ngày 13/7. Đợt 2 tổ chức thăm khám và phát thuốc miễn phí cho 500 đối tượng chính sách tại trụ sở xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng vào ngày 14. Hoạt động này để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho các đối tượng chính sách, nhằm tri ân các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công đã đóng góp cho đất nước có được nền độc lập, hòa bình như ngày hôm nay.

Là đội thầy thuốc lưu động, việc khám chữa liệu có được chu toàn như ở tại các cơ sở y tế? Việc thăm khám sẽ được bố trí như thế nào, thưa ông?

- Tuy là thăm khám lưu động nhưng chúng tôi cũng huy động mức tối đa có thể để có các dụng cụ, thiết bị y tế cần thiết như: ống nghe, máy đo huyết áp, dụng cụ khám chuyên khoa, thiết bị siêu âm, điện tim... để xác định các bệnh thường gặp trong nhân dân. Chúng tôi cũng đã tập hợp những bác sĩ, thầy thuốc có kinh nghiệm, có tâm huyết để tham gia thăm khám trực tiếp cho nhân dân. Các bước tiến hành khám được bố trí theo quy trình khép kín như sau:

Đầu tiên, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện, xã, phường sẽ đọc tên từng người trong danh sách để lên ghi phiếu khám. Sau khi nhận phiếu khám, tình nguyện viên Chữ Thập đỏ sẽ hướng dẫn đối tượng đến phòng đo huyết áp. Tại đây có 8 cán bộ y tế đo thứ tự cho từng đối tượng sau đó tình nguyện viên đưa đối tượng đến phòng khám tổng quát gồm có từ 10 đến 12 bàn khám do các thầy thuốc Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Nam Định thực hiện để khám toàn diện và kê đơn thuốc cho đối tượng. Trong trường hợp cần phải khám chuyên khoa, siêu âm, điện tim thì bác sỹ phòng khám toàn diện chỉ định sang làm chuyên khoa sau đó quay lại để bác sỹ kê chuyển cho bàn phát thuốc do các dược sỹ Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã và Công ty Dược phẩm Tâm Bình cấp phát và tư vấn sử dụng thuốc.

Việc thăm khám với số lượng đối tượng tham gia đông như vậy chỉ trong 2 ngày, liệu Ban Tổ chức có đảm bảo ai cũng được thăm khám một cách chu đáo? Công việc chuẩn bị cho hoạt động này đến đâu rồi, thưa ông?

- Chúng tôi phải liên hệ trước hàng tháng trời để chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ huyện Nghĩa Hưng và phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn 40 đối tượng nghèo để tặng quà và lập danh sách mời 1.000 đối tượng đến khám, tư vấn sức khoẻ; bố trí bàn khám, chuẩn bị các điều kiện hậu cần, rồi thống nhất địa điểm tổ chức, phương tiện khám theo yêu cầu của Đoàn khám bệnh và điều phối sắp xếp thời gian khám theo giờ quy định cho các đối tượng đến khám để tránh ùn tắc, giữ trật tự, an toàn và vệ sinh sạch sẽ nơi khám bệnh...

Việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa đã giúp việc chăm lo cho các đối tượng chính sách được tốt nhất. Công ty Dược phẩm Tâm Bình- đơn vị tài trợ toàn bộ cho chương trình này cung ứng thuốc khám bệnh, chuẩn bị kinh phí ăn, nghỉ, các biểu mẫu giấy khám bệnh phục vụ cho đợt khám chữa bệnh... Trong đó Công ty Dược phẩm Tâm Bình là đơn vị tài trợ kinh phí nhưng cũng rất tâm huyết với hoạt động này, đích thân TGĐ Công ty- DS. Lê Thị Bình cùng với đoàn cán bộ công ty gồm 22 thành viên trực tiếp tham gia thăm khám cùng đoàn, nâng tổng số thành viên của đoàn lên 65 người. Vì thế, đợt thăm khám này quy mô rất lớn nhưng chúng tôi tự tin là sẽ làm tốt.

Bùi Kim Xuyến (Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục