Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo:
(SGGPO).- Đến 18 giờ ngày 19-12, toàn bộ 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm đã được sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Theo tin ban đầu có một công nhân bị thương nhẹ, còn lại sức khỏe tương đối ổn.
BS Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng cho biết đã lập một khu vực riêng biệt để chăm sóc 12 công nhân vừa được sơ cứu chuyển đến bệnh viện.
Sơ cứu đưa nạn nhân ra xe cứu thương
Trước đó vào lúc 16 giờ 30 , 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm đã được chuyển ra ngoài an toàn. Việc giải cứu các công nhân thành công và sớm hơn dự đoán.
Sức khỏe của 12 công nhân đều ổn, có người được đưa ra ngoài bằng cáng, có người thì được lực lượng cứu hộ dìu ra từ đường hầm phụ bên trái do bộ đội công binh đào.
Các nạn nhân đang được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài. Ảnh: Nam Viên
Một công nhân (thứ hai từ trái sang) đang được lực lượng cứu hộ dìu ra ngoài. Ảnh: Đoàn Kiên
Một công nhân đang được lực lượng cứu hộ đưa ra ngoài. Ảnh: Đoàn Kiên
Hiện các nạn nhân đang được lực lượng y tế sơ cứu tại hiện trường. Bên ngoài hầm, các lãnh đạo, lực lượng cứu hộ, gia đình các nạn nhân cũng như người dân đang reo mừng sau khi các nạn nhân được cứu hộ thành công.
Người thân vui mừng khi các công nhân được giải cứu an toàn. Ảnh: Đoàn Kiên
Sau khi được sơ cứu tại hiện trường, hàng chục xe cấp cứu đang vào hiện trường để đưa các công nhân đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
Ảnh: Đoàn Kiên
Lúc 14 giờ 30, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện lực lượng cứu hộ đã đào được khoảng 20m đường hầm phụ bên phải. Với tiến độ này có khả năng vào rạng sáng mai sẽ tiếp cận được nhóm công nhân bị mắc kẹt.
Hiện tại, nước trong đường hầm đã được rút khô và các công nhân có thể đi lại trong hầm.
Việc đào hầm phụ để tiếp cận các công nhân đang diễn ra thuận lợi. Ảnh: Đoàn Kiên
Lúc 14 giờ, hơn 100 người thuộc lực lượng cứu hộ đã tổ chức diễn tập cứu hộ, cấp cứu nạn nhân khi họ được đưa ra ngoài.
Diễn tập cứu hộ, cấp cứu. Ảnh: Đoàn Kiên
Các nạn nhân sau khi đã thoát ra ngoài qua 2 đường hầm cứu hộ được khoan đào hai bên vách đường hầm chính, tùy điều kiện sức khỏe và thể trạng từng người sẽ được đưa lên băng ca, hoặc đích thân nhân viên cứu hộ khuân vác đưa qua đoạn đường hầm dài 500m ra phía cửa hầm để sơ cứu, cấp cứu tại chỗ.
Ngay khi ra khỏi đoạn hầm bị mắc kẹt, các nạn nhân cũng sẽ được chuyên gia y tế túc trực sẵn tiến hành phân loại theo tình trạng sức khỏe của mỗi người để có hướng sơ cứu, cấp cứu phù hợp, kịp thời.
Hiện lực lượng y tế của tỉnh Lâm Đồng với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã sẵn sàng ứng phó với các tình huống cấp cứu.
Tiến sĩ Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: lực lượng y tế tại chỗ đã được tăng cường đầy đủ về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, thuốc men để cứu chữa nạn nhân. Các bệnh viện của tỉnh đặt tại thành phố Đà Lạt, cách hiện trường vụ tai nạn hơn 30km, cũng đã chuẩn bị để tiếp nhận cấp cứu các nạn nhân của vụ sập hầm.
Ghi nhận của PV Báo SGGP từ trong hầm cho thấy việc đào hầm phụ cũng đang diễn ra hết sức nhịp nhàng và thuận lợi. Trong khi đó, mũi khoan từ đỉnh hầm xuống cũng đã được 17m.
Đến 12 giờ, việc đào hầm phụ vào vị trí 12 công nhân mắc kẹt đang tiến triển rất tốt. Hầm bên phải đã đào được 15m, hầm trái được khoảng 12m.
Mũi khoan ở phía cửa hạ lưu đã được thông suốt, nước từ trong hầm thoát ra tốt. Trong khi đó, mũi khoan từ đỉnh đồi đã tiếp tục.
Mũi khoan trên đỉnh hầm được tiếp tục sau khi gặp phải đá. Ảnh: Nguyễn Tiến
Các đơn vị y tế đã cho truyền tăng cường dung lịch dinh dưỡng vào cho các công nhân. Tâm lý các công nhân cũng cũng ổn định sau khi nhận bức thư tay của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên.
Bên ngoài cửa hầm, lực lượng cứu hộ đã tiến hành diễn tập giải cứu, đưa 12 công nhân ra khỏi hầm sau khi đường hầm phụ được đào thông. Thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo cứu nạn cũng thuận lợi hơn khi Vinaphone đưa trạm phát sóng lưu động vào khu vực xảy ra sự cố.
Việc đào hầm để tiếp cận vị trí các công nhân mắc kẹt đang rất khẩn trương. Ảnh: Nguyễn Tiến
Ban chỉ huy cứu nạn cho biết đã thực hiện nổ mìn mức độ nhẹ thành công để phá đá thực hiện việc đào hầm phụ phía bên phải. Việc nổ mìn này không gây dư chấn ảnh hưởng đến đường hầm.
Máy xúc mở đường cho xe mang thiết bị lên đỉnh đồi chuẩn bị khoan mũi thứ 3 trên đỉnh đồi (khoảng cách dự kiến 80m. Ảnh: Đoàn Kiên
10 giờ sáng, bà Trương Thị Mai, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã xuống hiện trường và vào vị trí sập để hỏi thăm tình hình các công nhân đang mắc kẹt.
Bà Mai cho biết, hiện cử tri cả nước đang đặc biệt quan tâm tới vụ sập hầm, mong muốn làm sao công tác giải cứu sẽ sớm hoàn thành.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xuống hiện trường thăm hỏi tình hình công tác cứu nạn. Ảnh: Đoàn Kiên
Đến 10 giờ, PV Báo SGGP có mặt tại khu vực mũi khoan từ đỉnh đồi cho biết, mũi khoan này bị gặp đá ở độ sâu 15m. Hiện ngành chức năng đang tạm dừng để thay mũi khoan.
Trước đó, trong đêm 18-12, lực lượng cứu hộ tiếp tục hướng khoan từ trên đỉnh đồi xuống nóc hầm với lỗ khoan thứ hai, bên cạnh lỗ thứ nhất đã phải dừng lại vào chiều 18-12 do mũi khoan vướng đá nên bị hỏng không thể tiếp tục sau khi đã đi được hơn 40m. Hướng khoan này rất quan trọng bởi sẽ tạo lỗ thông có đường kính lớn 10cm để cung cấp quần áo và một số nhu yếu phẩm cho các nạn nhân, giúp chống rét, chống đói và còn có thể đưa đường dây thông tin xuống giúp liên lạc tốt hơn.
Đến 9 giờ ngày 19-12, mũi khoan từ phía sau hầm đã thành công. Như vậy đường hầm đã có thêm lỗ thông mới để thông hơi, thoát nước cho khu vực hầm nơi 12 công nhân đang bị mắc kẹt
"Đây là điều rất đáng mừng. Hiện nước, bùn đã trào chảy ra ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện mũi khoan cho biết vẫn còn một lớp bùn nhão khá dày nữa mới thông hoàn toàn" - ông Nguyễn Quốc Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đang có mặt tại hiện trường vui mừng thông báo.
Việc cứu hộ đang được triển khai khẩn trương. Ảnh: Đoàn Kiên
Trong đêm 18-12, lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tập trung cho mũi khoan từ phía sau hầm - phía hạ lưu, vốn gặp khó khăn trước đó do cấu tạo địa chất yếu. Đến 6 giờ ngày 19-12, mũi khoan này đã vượt qua lớp đất đá gần 60m, theo lực lượng cứu hộ thì chỉ còn vài mét nữa là tới được vị trí đoạn hầm có các nạn nhân. Mũi khoan này cũng có đường kính 6 cm, như 3 mũi khoan từ phía trước cửa hầm đã thành công trong các ngày trước đó, sẽ giúp thông hơi và thoát nước tốt hơn. Đặc biệt, đây là phía hạ lưu nên nước ngập bên trong sẽ được thoát nhanh ra ngoài sau khi khoan thành công.
Lực lượng công binh, chuyên gia mỏ và cảnh sát cứu hộ cũng tập trung mạnh cho việc đào hai đường hầm cứu hộ hai bên vách hầm chính. Sau những khó khăn ban đầu do yếu tố địa chất, hai hướng đào này đã thuận lợi hơn, tiến độ được đẩy nhanh. Lực lượng công binh đang dồn tổng lực, tiếp tục đào sâu hai đường hầm này để sớm vượt qua đoạn hầm bị sập khoảng 35m, tiếp cận khu vực hầm bên trong - nơi có các nạn nhân.
Tiến độ đào hầm vào tiếp cận 12 công nhân cũng rất khả quan. Đến sáng nay đã đào được 12m. Tại cuộc họp triển khai công việc sáng nay do Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến chủ trì, lực lượng cứu hộ báo cáo, hôm qua dự kiến chỉ đào được 8m/ngày nhưng đã đào được 9m/ngày.
Máy móc được đưa vào hầm để phục vụ công tác cứu hộ. Ảnh: Đoàn Kiên
Việc tiếp tế dưỡng khí, nước uống, cháo, sữa cho các nạn nhân đang bị mắc kẹt vẫn được đảm bảo và lực lượng cứu hộ cũng đã chuyển thêm vào trong một đèn pin nhỏ, giấy và bút cho các nạn nhân.
Trong khi đó, một công ty ở Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có công nghệ và kinh nghiệm khoan khô đã đồng ý tham gia khoan cứu hộ. Hiện công ty này đang vận chuyển máy khoan từ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) lên Lâm Đồng.
Nam Viên - Đoàn Kiên - Nguyễn Tiến