12 năm nuôi cháu ngoại trong bệnh viện

12 năm nuôi cháu ngoại trong bệnh viện

Câu chuyện quá đỗi bình thường của một ông già người Hoa cưu mang đứa cháu ngoại mồ côi sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như 12 năm qua, hai ông cháu không sống tại bệnh viện. Sự việc được ghi từ khoa Nhi (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) về số phận của cháu Trang Kim Phượng khiến lòng day dứt khôn nguôi.

“Gà trống nuôi... cháu ngoại”

Ông Trang Đệ loay hoay tiếp khách trong lúc tay ông vẫn cầm dụng cụ chụp oxy áp lên mũi đứa cháu mồ côi. Bằng giọng người Hoa chưa sõi tiếng Việt, ông Trang Đệ kể: “Ngộ là người Triều Châu à. Hổng có piết nói tiếng Việt nhiều. Cha mẹ nó (Phượng) hồi trước thương nhau lắm à. Khi có pầu nó mới 6 tháng, cha mẹ nó ngồi trên lan can thì té. Cha nó chết liền, mẹ nó chấn thương nặng, đi cấp cứu à. Pởi zậy mới nói, pào thai chấn động mạnh lắm, nên có thể là nguyên nhân của chứng tim phức tạp pẩm sinh đó”.

Ông Trang Đệ và cháu ngoại Trang Kim Phượng trên giường bệnh sáng 27-9. Ảnh: MINH ANH

Ông Trang Đệ và cháu ngoại Trang Kim Phượng trên giường bệnh sáng 27-9. Ảnh: MINH ANH

Trên giường bệnh trải drap trắng muốt, tiếng máy oxy trợ thở chạy rì rì. Máy đo điện tim sáng đèn liên tục nối liền một chùm dây điện loằng ngoằng đính vào ngực Phượng. Người cháu tím tái, chân tay gầy đét do thiếu dinh dưỡng và những cơn đau tim hành hạ nên cả cơ thể chỉ nặng chừng 25kg. 12 năm nay, y bác sĩ khoa Nhi đã quá thân thuộc với Kim Phượng. Nhiều đoàn y bác sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước cũng đã đến đây hội chẩn rồi lắc đầu bó tay. Bác sĩ Trưởng khoa Cao Hoài Nhân ưu tư: “Chỉ có cách thay tim, song nếu thay tim thì xử trí khi cháu còn nhỏ mới được. Nay cháu đã lớn, thật khó. Thêm nữa lá phổi của bệnh nhi đã tổn thương nặng do ảnh hưởng căn bệnh. Bệnh viện sẽ làm hết khả năng…”.

10 giờ 30 sáng, ôÂng Trang Đệ tất tả gửi đứa cháu cho cô hộ lý rồi xách hộp nhựa chạy đi ra. Ngay tại cổng ngoài của bệnh viện, hàng trăm con người đủ mọi “ngành nghề” đang chen chúc, chị vé số thấy ông Đệ hớt hải, liền né qua cho ông chen lên. Mấy anh thợ đào đường lấm lem bụi cũng ái ngại nhường chỗ cho ông Đệ… xin cơm từ thiện. Lễ mễ cầm suất cơm nóng hổi, ông Đệ không ngại chìa thêm chiếc túi xốp ra để người phát cơm múc thêm vào đấy chừng 2 chén. Ông phân bua: “Cháu ngộ ăn một phần, ngộ ăn cơm không với xì dầu (nước tương) cũng được à. Quen rồi”.

Không biết mặt cha, mẹ tần tảo đi làm thuê suốt ngày, Phượng chỉ quấn quýt bên ông bà ngoại. Đến tuổi đi học, Phượng được ông chở đến trường sau khi nếm qua món lót lòng muôn thuở: bột chiên.

Cận cảnh tổ ấm sắp vỡ

Chúng tôi lần tìm đến địa chỉ 41/1H Nguyễn Quyền (P11, Q8, TPHCM), là nhà của gia đình ông Trang Đệ. Thì ra đây là căn nhà tình thương được chính quyền xây lại kể từ khi cha mẹ của cháu Phượng gặp nạn do lan can gỗ quá ọp ẹp, bị gãy khi có sức nặng tựa vào.

Góc học tập của Phượng chỉ có mấy tấm bằng khen, vài cuốn sách lớp 5 và bức hình của cha mẹ em lúc còn hạnh phúc bên nhau. Trong hình, dáng chàng thanh niên người Hoa mạnh khỏe đang áp mặt vào tóc người vợ mang thai, tay xoa bụng vợ… có lẽ là di ảnh cuối cùng. Ngẫm ra chợt xót thương cho Phượng, đã mồ côi cha, lại còn mang chứng bệnh hiểm nghèo. Không gặp được mẹ Phượng (bởi chị đang làm mướn), chúng tôi hỏi thăm bà ngoại của cháu thì được biết, Kim Phượng cũng hay khóc với ngoại mỗi khi thấy bạn có cha mẹ đưa đón đi học về, mua kem cho ăn. Bà ngoại Phượng nói: “Nhà ngộ nghèo, nên cháu cũng khổ lắm. Ông chồng ngộ đi pán pột chiên, nhưng nghỉ rồi vì không có ai nuôi cháu pịnh tật. Mượn tiền hàng xóm lo cho cháu rồi ai cũng ngại, hổng dám cho mượn nữa”.

Nghĩ đến cảnh một ngày nào đó, căn nhà nhỏ bé 6m² kia sẽ không còn hình bóng của Phượng ra vào, rồi càng thương cho cảnh “gà trống nuôi cháu ngoại” của ông Trang Đệ, mà thầm mong có nhiều bạn đọc chia sớt tấm lòng với cô bé mồ côi. Bởi cho dù Kim Phượng chỉ còn sống không lâu trên cõi đời này thì em cũng cần có được một quãng thời gian hạnh phúc, dù ngắn ngủi.

DƯƠNG MINH ANH

Tin cùng chuyên mục