Ngày 18-12, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy”.
Liên quan đến việc cả ngàn hồ sơ của người nghiện ma túy cần được tòa án xem xét trong vòng 15 ngày, dù TPHCM cũng như cả nước chưa có kinh nghiệm trong việc tòa án mở phiên họp xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở bắt buộc, song Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận tin tưởng: “Thành phố sẽ xử lý được!”.
Đoàn công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội kiểm tra công tác lập bệnh án cho người nghiện ma túy ở Cơ sở xã hội Nhị Xuân.
Ngày 25-12, tòa án xem xét 2 hồ sơ của quận 8
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, đến ngày 18-12, TP đã đưa 1.161 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào 2 cơ sở xã hội. Trong đó, quận, huyện đã hoàn tất việc lập hồ sơ cho 222 trường hợp và gửi tòa án các quận, huyện tiếp nhận 74 hồ sơ. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đặt vấn đề: “Với 1.161 người, trong vòng 15 ngày với 6 phòng xét xử, liệu tòa án của TP có đủ thời gian để xem xét, ra quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như quy trình (bước 4)? TP có xử lý nổi không?”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, hiện 2 cơ sở xã hội có tổng 6 phòng cho tòa án xem xét. Thay vì tổ chức xem xét riêng từng trường hợp bất kỳ, người tiến hành phiên họp sẽ xem xét lần lượt từng trường hợp trong nhóm hồ sơ sắp xếp theo quận, huyện. Thậm chí, nếu lượng hồ sơ nhiều, 2 cơ sở xã hội Bình Triệu và Nhị Xuân sẵn sàng bố trí thêm 2 phòng họp xem xét nữa ở mỗi cơ sở. “Thành phố sẽ xử lý được!” - đồng chí Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh.
Cũng theo đồng chí Hứa Ngọc Thuận, trong quy trình 5 bước đưa người lang thang nghiện ma túy vào cơ sở xã hội, hiện các địa phương đang gặp khó khăn ở bước 2 - xác minh nơi cư trú. Do không có nơi cư trú ổn định nên người nghiện ma túy khai trú (nhiều khi khai không đúng) ở tỉnh, thành nào thì Công an TPHCM phải xác minh ngay ở tỉnh, thành đó; có kết quả trả lời của công an các địa phương thì hồ sơ mới hoàn chỉnh. Tuy nhiên, thời điểm này, cả nước chỉ có TPHCM thực hiện quy trình đưa người lang thang nghiện ma túy vào cơ sở xã hội nên chưa có sự đồng bộ với các tỉnh, thành trong công tác xác minh.
Tại quận 8 - địa bàn trọng điểm về ma túy, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết quận đã xác minh, lập xong 107 hồ sơ. TAND quận 8 đã trao đổi với Cơ sở xã hội Nhị Xuân để ngày 25-12 tới đây sẽ mở phiên họp xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh đối với 2 trường hợp đầu tiên.
“Đau đầu” ma túy đá
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, trong 1.161 người được đưa vào cơ sở xã hội có 425 người sử dụng ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, bộ phận y tế chỉ xác định tình trạng nghiện được cho 28% trong số 425 người theo các tiêu chí hướng dẫn của Bộ Y tế. Do tiêu chí xác định tình trạng nghiện còn nhiều bất cập và người nghiện cố tình không khai báo, ông Trần Trung Dũng đề nghị Bộ Y tế kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn chẩn đoán, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp.
Khi được hỏi về quan điểm đối với người dưới 18 tuổi nghiện ma túy, ông Trần Trung Dũng cùng nhiều đại biểu của TPHCM cho biết, chữa bệnh tập trung sẽ có hiệu quả hơn; Trung ương cần có chỉ đạo thống nhất biện pháp áp dụng đối với người nghiện ma túy từ 12 đến dưới 18 tuổi. Tương tự, các đại biểu cũng bày tỏ việc quản lý sau cai bắt buộc (ở cơ sở chữa bệnh) với nhóm đối tượng có nguy cơ cao tái nghiện là cần thiết. Hiện nay, TP có 8.100 người sau cai được quản lý tại nơi cư trú và 515 người được quản lý ở các cơ sở chữa bệnh.
Liên quan đến việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, trăn trở: “Làm sao để 8.000 người có thể tiếp cận sử dụng Methadone?”. Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, cần có cơ chế quản lý thuốc và giá cả phù hợp để sử dụng Methadone được cho số đông. Hiện nay, TP chỉ đang điều trị bằng Methadone cho 1.900 người do bị hạn chế về nguồn thuốc. TP đã ứng trước 4,5 tỷ đồng đấu thầu 3.000 lít Methadone để từ năm 2015 có thể chủ động điều trị cho nhiều người hơn.
Sau 2 tuần đưa người nghiện vào cơ sở xã hội: Phạm pháp hình sự giảm
(SGGP).- Chiều 18-12, UBND TPHCM sơ kết 2 tuần ra quân rà soát người lang thang nghiện ma túy. Sau 2 tuần, TP phát hiện 2.120 người nghiện ma túy, trong đó đưa vào 2 cơ sở xã hội hơn 1.200 người. Hiệu quả là TP giảm hẳn số người nghiện ma túy lang thang ở nơi công cộng, tình hình an ninh trật tự có chiều hướng ổn định hơn so với trước khi ra quân.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết, tình hình phạm pháp hình sự, đặc biệt là các loại tội phạm trộm cắp, cướp giật giảm nhẹ; công tác trinh sát cũng ghi nhận hoạt động bán lẻ ma túy im ắng hơn. Trước việc giảm cầu, giá ma túy ở TP giảm và nguồn hàng còn tồn nhiều; các đối tượng cộm cán đang tìm cách tái xuất đi các nước khác. Qua việc lập danh chỉ bản 1.222 người, Công an TP phát hiện 2 đối tượng có lệnh truy nã, 404 đối tượng có tiền án tiền sự. Trước tình trạng nhiều người lang thang nghiện ma túy khai nơi thường trú ở các tỉnh, thành xa và Công an TPHCM chưa nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ công an các tỉnh - thành, thiếu tướng Phan Anh Minh yêu cầu công an quận, huyện lập danh sách những trường hợp này, chuyển hồ sơ cho Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an TPHCM hỗ trợ xác minh, thay vì mỗi quận, huyện phải trực tiếp cử cán bộ đi xác minh lẻ tẻ, gây tốn kém.
Ông Minh cũng đề nghị, nếu 2 cơ sở xã hội Nhị Xuân và Bình Triệu quá tải thì nên giao Cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi, sẽ hoạt động từ ngày 20-12) tiếp nhận những người đã có quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh song họ khiếu nại phán quyết của tòa. Thay vì chia đều lượng người lang thang nghiện ma túy vào 3 cơ sở xã hội, sự phân bổ như ông Minh nêu vừa giúp các cơ sở xã hội dễ dàng quản lý theo từng nhóm đối tượng, không lẫn lộn người cũ người mới; vừa giúp các quận, huyện khỏi phải đi quãng đường xa lập hồ sơ cho người bệnh.
Vui mừng khi TP nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong việc đưa người lang thang nghiện ma túy vào cơ sở xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nhập cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của 24 quận, huyện và 322 phường, xã, thị trấn. Đồng chí yêu cầu các địa phương cần sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm trên từng địa bàn một cách nghiêm túc; địa phương nào để xảy ra tệ nạn xã hội phức tạp thì người đứng đầu là bí thư, chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm. Cùng với yêu cầu đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm về ma túy, ngành công an phải xem xét thưởng xứng đáng và bảo đảm an toàn cho những người tố giác tội phạm về ma túy. Đồng thời, Công an TP cần báo cáo Bộ Công an, đề nghị chỉ đạo các công an các tỉnh, thành tích cực phối hợp với Công an TPHCM trong việc xác minh nơi cư trú của người lang thang nghiện ma túy.
Đường Loan