(SGGPO).- TAND TPHCM vừa tổ chức phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án làm giả số lượng lớn Bia Sài Gòn. Đây không phải là lần đầu, thương hiệu Bia Sài Gòn bị làm giả. Tháng 2- 2016, Công an Tỉnh Long An cũng đã triệt phá một lò sản xuất bia giả có quy mô lớn.
Theo cáo trạng, qua quá trình theo dõi, tháng 12-2014, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế Công an Huyện Bình Chánh ra quân kiểm tra công tác trên địa bàn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bia giả.
Trong đó, lực lượng chức năng phát hiện tổ hợp sản xuất bia giả với số lượng lớn do hai cha con Nguyễn Văn Nhớ và Nguyễn Minh An đứng ra tổ chức tại nhà không số, đường số 3, ấp Tân Kiên, Bình Chánh.
Băng sản xuất Bia Sài Gòn giả với số lượng cực lớn phải hầu tòa và chịu mức án tổng cộng 16 năm tù giam
Theo lời khai của Nguyễn Văn Nhớ, khoảng tháng 6-2014, nắm được nhu cầu tiêu thụ bia tại TPHCM, Long An rất lớn nên y đã đứng ra thuê nhiều nhà trên địa bàn Huyện Bình Chánh và quận Bình Tân để sản xuất bia giả. Nhớ mua sắm trang thiết bị, dụng cụ chiết rót, nguyên liệu trôi nổi, còn nắp chai, vỏ chai và lon bia được mua với giá rẻ từ vựa ve chai. Két đựng bia thì mua lại từ các đại lý bia rượu hay quán tạp hóa.
Qua khám xét, lực lượng công an phát hiện, bắt quả tang 11 đối tượng đang sản xuất bia giả nhãn hiệu Sài Gòn Special (sản phẩm của công ty cổ phần bia rượu và nước giải khát Sài Gòn)…Tang vật thu giữ trên 3.000 chai bia giả thành phẩm, máy đóng nắp chai, cùng hàng trăm ký nắp và vỏ chai bia. Đối tượng khai nhận mỗi ngày, lò sản xuất bia giả ra thị trường TPHCM và Long An từ vài chục đến cả trăm két, bán tại các đại lý nước giải khát và quán nhậu.
Ngày 29-9-2015, TAND Huyện Bình Chánh đã tuyên phạt Nhớ 5 năm tù, An 4 năm tù, các bị cáo khác từ 2- 4 năm tù. Các bị cáo đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tòa căn cứ vào một số tình tiết giảm nhẹ như một số bị cáo chưa đủ 18 tuổi, gia cảnh khó khăn, phạm tội lần đầu nên đã chấp nhận tình tiết giảm nhẹ cho một số bị cáo.
Sau quá trình xem xét hồ sơ và nghị án, HĐXX tuyên phạt nhóm bị cáo, trong đó, hai bị cáo cầm đầu là Nguyễn Văn Nhớ (SN 1970, Cần Thơ) chịu y án mức 5 năm tù, Nguyễn Minh An (SN 1990, Cần Thơ) y án 4 năm tù. Phan Thanh Trạng ( SN 1993) y án 3 năm 4 tháng tù, Phan Ngọc Thạch (SN 1995), y án 3 năm 6 tháng.
Các bị cáo khác gồm có Hà Văn Phương (SN 1980), Hà Thị Phượng (SN 1975), Lê Văn Trí (SN 1974), Hồ Thanh Thúy (SN 1981), Nguyễn Văn Sang ( SN 1980), Nguyễn Văn Tiền (SN 1993), cùng thường trú Cần Thơ bị phạt tù 2 năm 6 tháng, cho hưởng án treo; Huỳnh Công Thắng (SN 2000), Phan Văn Ngọc Sơn (SN 1999) cùng ngụ tại Cần Thơ chịu 2 năm tù cho hưởng án treo.
Qua vụ án này cho thấy, việc quản trị của doanh nghiệp VN, kể cả những thương hiệu lớn còn nhiều kẻ hở và bất cập. Nếu không có động thái mạnh mẽ để bảo vệ thị trường và hoàn thiện hệ thống quản trị, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu thì ngay cả các doanh nghiệp lớn vẫn sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ bị soán ngôi khi VN gia nhập TPP.
Hà An