Ngày 19-11-1997 đánh dấu một cột mốc quan trọng, đó là ngày diễn ra lễ ấn nút mở cửa Internet, đưa Việt Nam chính thức kết nối với Internet, là xa lộ thông tin, kho kiến thức khổng lồ của nhân loại.
Tại lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn khẳng định: Để có được sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam như hiện nay, chúng ta cũng cần ghi nhận sự phát triển vượt bậc hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam. Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, Internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo.
Theo số liệu thống kê vào đầu năm 2017, Việt Nam có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,64% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á. So sánh với hơn 31 triệu người dùng vào năm 2012; 17 triệu của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời đầu của Internet quay số qua mạng điện thoại công cộng, Việt Nam đã có những bước tiến thật sự ấn tượng.
Trong ngần ấy thời gian, sự lớn mạnh của doanh nghiệp (DN) là điều đáng mừng, song phía trước vẫn đầy thử thách. Theo ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty VNG: Khi Internet đã mở thì mình phải mạnh dạn bước ra ngoài. Hiện DN Internet Việt Nam bước ra ngoài vẫn tương đối chậm. Các DN thành công tại thị trường quốc tế mang tính chất thời điểm, may mắn chứ không phải mang tính chất tổng thể, có đường đi lâu dài. Khi đầu tư ra nước ngoài, các DN Việt Nam chắc chắn sẽ gặp những bài toán tương tự như là cạnh tranh với các DN lớn trong lĩnh vực nội dung số, nhưng thị trường rất lớn là lợi thế. Hôm nay, chúng ta không nói về game nữa, mà nói về thành phố thông minh, dịch vụ thông minh, về thanh toán điện tử, về những thứ mà trong vòng vài năm tới nó sẽ là ứng dụng hàng ngày, mọi lúc mọi nơi…
Thế giới hiện nay đã bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi công nghệ thông tin và Internet. Đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
“Để có thể làm được điều này, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững, thậm chí là đủ lớn mạnh để tiếp tục tiến bước ra thế giới. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải triển khai sớm nhiều quyết sách và giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy DN Việt Nam tự tin bước vào cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0. Tôi tin rằng Việt Nam với nền tảng hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin và nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực thông tin truyền thông như hiện nay thì hoàn toàn có thể đáp ứng được những kỳ vọng này”, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.