Sự gia tăng đột biến tranh chấp thương mại buộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phải sắp xếp lại nhân viên để đối phó với dòng lũ kiện tụng trong năm 2013. Đây là nhận định của các nhà ngoại giao và các bằng chứng tư liệu của tổ chức thương mại toàn cầu này ở Geneva (Thụy Sĩ).
WTO chuẩn bị lực lượng
Trong năm 2012, tổ chức gồm 157 thành viên này đã chứng kiến 26 cuộc tranh chấp thương mại kéo dài từ năm 2003 và có thêm 8 vụ nộp đơn kiện mới trong năm 2011. Hãng tin Reuters dẫn tài liệu của WTO cho biết, tổ chức này đã củng cố cơ chế giải quyết tranh chấp (DSM) phân bố lại nhân viên cho Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO để giải quyết các vụ tranh chấp ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp.
Bên cạnh việc bố trí thêm người cho DSB, WTO cũng quảng cáo để tuyển dụng luật sư giải quyết tranh chấp cấp cao với mức lương khởi điểm khoảng 175.300 USD/năm và cũng đang tìm kiếm các ứng viên ngắn hạn để giúp giải quyết trong trường hợp quá tải. Giới ngoại giao cho rằng, sự bùng nổ tranh chấp thương mại càng tăng sau sự thất bại của các vòng đàm phán Doha hồi năm ngoái. “Đàm phán càng ít, khởi kiện càng nhiều”.
Mặc dù WTO dự kiến tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu là 4,5% trong năm 2013 nhưng như vậy vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 5,4% trong 2 thập kỷ qua. Theo Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, những khó khăn xuất phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tạo ra những áp lực chính trị và kinh tế lên chính phủ để gia tăng các rào cản thương mại.
Xu hướng các vụ tranh chấp mới
Theo dự báo DSB, các vụ tranh chấp mới trong năm nay có xu hướng là hành động trả đũa hoặc thách thức, đảm bảo các vụ tranh chấp sẽ tập trung tại các khu vực nhất định. Hai nước kiện và bị khởi kiện nhiều nhất trong năm 2012 là Trung Quốc và Mỹ. Mỗi nước 6 vụ. Mỹ cũng dẫn đầu các vụ tranh chấp với nhiều nước khác ngoài Trung Quốc như Argentina và Ấn Độ. Các thiết bị năng lượng Mặt trời đang là chủ đề cho các cuộc tranh chấp gần đây giữa Trung Quốc, Mỹ và EU. Trung Quốc bị cáo buộc phá giá, cố tình bán pin Mặt trời dưới giá thị trường.
Sự cạnh tranh của Trung Quốc đã buộc các nhà sản xuất châu Âu phải hạ giá thành pin Mặt trời, khiến một số công ty sản xuất pin Mặt trời lớn của Mỹ là Solyndra và Abound Solar bị phá sản. Mỹ đã áp dụng các biện pháp tương tự khi tăng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng pin Mặt trời của Trung Quốc từ 31% lên 51%.
Một số các tranh chấp thương mại gần đây đã nhắm vào các mối quan tâm môi trường hay sức khỏe thành rào cản thương mại, chẳng hạn như hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc về đất hiếm và luật mới về in cảnh báo sức khỏe lên bao thuốc lá của Australia. Một trong những vấn đề căng thẳng và nổi trội nhất trong các tranh chấp mới năm 2013 vẫn sẽ là trợ cấp thương mại, dù công khai hay bí mật.
Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng vì vấn đề này. Bắc Kinh bị cáo buộc ngấm ngầm trợ giá cho hàng xuất khẩu trong khi Washington thì muốn nhổ tận gốc. Hồi tháng 10 vừa qua, Trung Quốc cũng bị Mexico cáo buộc hỗ trợ hàng dệt may và xuất khẩu. Trong một động thái bất thường, 8 thành viên trong WTO gồm EU, Mỹ, Brazil và Australia đều yêu cầu có quan sát viên như một bên thứ ba kiểm tra có việc trợ giá hay không, nhưng Trung Quốc từ chối.
Giới quan sát nhận định Bắc Kinh có thể đang đối mặt với sự bắt tay của các nước để chống lại mình.
Ngoài các vụ tranh chấp nổi trội, dòng lũ tranh chấp thương mại năm 2013 này chắc chắn sẽ có sự tham gia của Nga vì nước này vừa gia nhập WTO. Mới đây Mỹ cho biết các quy định của Nga về nhập khẩu thịt có vẻ như không phù hợp với quy định của WTO.
HẠNH CHI (tổng hợp)