(SGGP).- Năm 2014 là năm đầu tiên TPHCM đưa vào sử dụng biểu trưng Chương trình bình ổn thị trường (logo). Để đảm bảo tính pháp lý, Sở Công thương đã ban hành Quyết định 120/QĐ-SCT ngày 10-4-2014 về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng Chương trình bình ổn thị trường TPHCM, đồng thời hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký sử dụng logo, hướng dẫn doanh nghiệp (DN) khai thác logo đúng mục đích và đạt được hiệu quả cao.
Tính đến giữa tháng 5-2014, đã có 24 DN (trong tổng số 76 DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường năm 2014) đăng ký sử dụng logo của chương trình, gồm 1 ngân hàng; 11 DN lương thực, thực phẩm; 8 DN mùa khai giảng; 3 DN sữa và 1 DN dược. Nội dung đăng ký sử dụng logo như sau: 13 DN đăng ký sử dụng trực tiếp trên bao bì sản phẩm; 15 DN đăng ký sử dụng tại điểm bán hàng bình ổn thị trường; 10 DN đăng ký sử dụng trên xe tải, các vật phẩm quảng cáo, phương tiện truyền thông…
Mục đích của việc sử dụng logo nhằm nâng cao khả năng nhận diện hàng bình ổn và tăng cường trách nhiệm của các DN có sản phẩm tham gia chương trình, qua đó hạn chế các hành vi lợi dụng tên tuổi, thương hiệu để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của chương trình.
MINH HÙNG
50 DN Myanmar sẵn sàng giao thương với DN Việt Nam
(SGGP).- Từ ngày 26-6 đến 30-6-2014, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm Thương mại - dịch vụ - du lịch Việt Nam - Myanmar và chương trình khảo sát thị trường tại TP Yangon của Myanmar. Đây là lần thứ tư ITPC tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư thường niên tại Myanmar theo chỉ đạo của UBND TPHCM nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thâm nhập thị trường, thiết lập các quan hệ đối tác, hình thành kênh phân phối hàng hóa Việt Nam cũng như trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Để chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư vào thị trường Myanmar đạt hiệu quả cao, ITPC đã tổ chức tìm hiểu nhu cầu của các DN muốn kinh doanh, đầu tư tại Myanmar (qua các bảng khảo sát); liên hệ với các DN đã đầu tư, kinh doanh ở Myanmar để nắm bắt những khó khăn của DN cần hỗ trợ; đề nghị DN cho biết những mặt hàng muốn kinh doanh trong thời gian tới, cũng như những chính sách của Myanmar mà DN cần tìm hiểu. Mặt khác, ITPC đã liên hệ và ghi nhận được danh sách 50 DN Myanmar thuộc nhiều lĩnh vực đang có nhu cầu giao lưu, tìm kiếm đối tác với DN Việt Nam, gồm vàng bạc đá quý (18 DN), du lịch (12 DN), dịch vụ - thương mại (8 DN), tài chính - ngân hàng (12 DN).
THU QUẾ