240 hộ dân… 1 ước mơ

Nằm không xa trung tâm xã nhưng hàng trăm hộ dân ở thôn Đông Yên 3 (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) luôn bị chia cắt với bên ngoài vào mùa mưa lũ. Nguyện vọng tha thiết của dân nơi đây là có một cây cầu bê tông vững chắc để qua lại an toàn.
240 hộ dân… 1 ước mơ

Nằm không xa trung tâm xã nhưng hàng trăm hộ dân ở thôn Đông Yên 3 (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) luôn bị chia cắt với bên ngoài vào mùa mưa lũ. Nguyện vọng tha thiết của dân nơi đây là có một cây cầu bê tông vững chắc để qua lại an toàn.

240 hộ dân… 1 ước mơ ảnh 1

Người dân thôn Đông Yên 3 hàng ngày phải qua lại bằng thuyền trên dòng nước chảy xiết


Buổi trưa, chúng tôi và một cán bộ xã đón thuyền ngang qua xóm Đồng Min. Vừa cập bờ, thấy tôi lạ mặt, một cụ ông chạy ra dò hỏi: “Đi khảo sát xây cầu qua đây hả chú, bao giờ làm vậy?” Nhưng rồi, khi nhận được cái lắc đầu của vị cán bộ xã, cụ ông không khỏi thất vọng. Rồi ông lão bộc bạch: “Tôi già rồi, có cầu hay không với tôi cũng bình thường nhưng chỉ tội đám nhỏ, ngày đi học 2 buổi, phải phụ thuộc ghe thuyền. Vào mùa mưa lũ, người dân ở đây đi lại quá khó khăn, nguy hiểm”.

Thôn Đông Yên 3 nằm lọt thỏm giữa hai nhánh của sông Trà Bồng, việc đi lại trước kia chủ yếu bằng ghe, thuyền. Vài năm trước, người dân và chính quyền địa phương đóng góp dựng lên một cây cầu gỗ. Nhưng cây cầu ọp ẹp chỉ phục vụ người dân nửa năm; còn vào mùa lũ, dân làng phải tháo dở cây cầu để không bị nước cuốn trôi. Khi đó, người dân phải quay lại với việc qua sông bằng ghe, thuyền. Có những năm, nhiều hộ dân trong thôn bị cô lập gần cả tháng vì lũ lớn. Chuyện học của con trẻ luôn bị gián đoạn, nhu yếu phẩm, thuốc men… thiếu hụt nghiêm trọng. Đi từ đầu thôn đến cuối thôn, đến đâu người dân cũng chỉ có câu hỏi duy nhất: “Bao giờ mới làm cầu qua đây?”. Trong cơn bão số 4 hồi tháng 9 vừa qua, người dân và chính quyền địa phương không kịp tháo dỡ nên cây cầu gỗ bắt tạm đã bị nước lũ cuốn trôi. Do mất cầu, trong khi khu dân cư thuộc vùng trũng nên làng xóm bị cô lập, hàng hóa tài sản không biết vận chuyển đi đâu để cất giữ. Thế là người dân đành ngậm ngùi nhìn tài sản bị con nước cuốn trôi.

Thôn Đông Yên 3 có 240 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu nhưng hiện chỉ có 1 chiếc thuyền ngang nên lúc nào cũng xảy ra tình trạng quá tải. Vào giờ cao điểm, có đến 20 - 30 người cùng xe máy, xe đạp chất lên con đò nhỏ, bất chấp dòng sông sâu hoắm và nước cuồn cuộn chảy. Mỗi chuyến đi phải trả phí 1.000 đồng/người và có người một ngày qua lại không biết bao nhiêu lần.

Ông lái đò Nguyễn Tốt tâm sự: “Có những hôm chạy hết công suất vẫn không chở hết khách. Nhất là giờ trưa và chiều khi học sinh tan trường. Bên này và bên kia bờ cách nhau chỉ hơn 100m nhưng việc qua lại cực như vượt núi, băng rừng. Ban đêm, khi tôi đang nghỉ cũng có người gọi nhờ qua chở. Thấy họ í ới gọi, không qua sông chở giúp cũng tội. Tôi chỉ mong có cây cầu để dân ở đây qua lại thông suốt, mưa bão cũng không lo”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho biết: “Người dân thôn Đông Yên 3 thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa lũ. Điều này gây không ít khó khăn cho người dân cũng như chính quyền địa phương. Đời sống của dân thôn Đông Yên 3 vì thế chậm phát triển so với các thôn khác. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, do cách trở đò ngang phải nghỉ học vào mùa mưa lũ nên không theo kịp bạn cùng lớp. Chúng tôi cũng đã gửi văn bản lên cấp trên xin kinh phí làm cầu nhưng nhiều năm vẫn chưa được giải quyết. Chỉ có cây cầu vững chãi nối từ ốc đảo Đông Yên 3 với trung tâm xã thì may ra đời sống bà con nơi đây mới đỡ khổ ”.

Nguyễn Đắc Thành

Tin cùng chuyên mục