Ngày 26-4, các hoạt động tưởng niệm 25 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl bắt đầu diễn ra tại Ukraine và Nga, trong bối cảnh cả thế giới đang lo ngại về an toàn hạt nhân sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima 1, Nhật Bản.
Những hoạt động tại Ukraine và Nga
Vào lúc 1 giờ 23 phút (giờ địa phương), Ukraine dành một phút mặc niệm vụ nổ Chernobyl. Thời điểm xảy ra vụ nổ ngày 26-4-1986 được tưởng nhớ bằng 20 tiếng chuông. Tổng thống Viktor Yanukovych tham dự lễ thắp nến cầu nguyện tại một nhà thờ Chính thống giáo ở Kiev, nơi được xây làm nơi cầu nguyện các nạn nhân của thảm họa. Một buổi lễ tương tự cũng được tổ chức tại Slavutych, thành phố dành cho các công nhân nhà máy Chernobyl sơ tán đến sau vụ tai nạn. Những ngày qua, thủ đô Kiev của Ukraine đã diễn ra nhiều hội nghị quốc tế, hội thảo... với sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới và các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, nhằm giúp cộng đồng quốc tế rút ra những bài học cần thiết để tăng cường an toàn hạt nhân trong tương lai.
Một ngày trước khi diễn ra lễ tưởng niệm, tại Điện Kremlin đã tổ chức buổi lễ tôn vinh và trao tặng Huân chương Dũng cảm cho 16 người từng tham gia khắc phục hậu quả của thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl vào ngày 26-4-1986.
Hãng Ria Novosti đưa tin, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đến Ukraine vào chiều 26-4 để tham gia các lễ tưởng niệm do người đồng cấp Viktor Yanukovych tổ chức cũng như gặp gỡ với những người từng tham gia khắc phục hậu quả của thảm họa.
Bên cạnh các hoạt động tưởng niệm diễn ra tại Nga và Ukraine, làn sóng phản đối phát triển điện hạt nhân đã nổ ra tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Pháp, Đức, Bulgaria, Áo, Hồng Công (Trung Quốc) đã tổ chức các cuộc biểu tình với sự tham dự của hàng ngàn người kêu gọi chấm dứt năng lượng hạt nhân.
Thảm họa xảy ra vào ngày 26-4-1986 khi lò phản ứng số 4 tại Chernobyl phát nổ, thải ra lượng phóng xạ cao gấp 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.Vụ nổ đã khiến một đám mây phóng xạ lan ra khắp châu Âu làm 56 người thiệt mạng. Hàng trăm ngàn người đã phải đi sơ tán tại Ukraine, phía Tây nước Nga và Belarus. Bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết sẽ có 9.000 người trong số 6,6 triệu người dân bị ảnh hưởng sẽ bị chết vì ung thư.
Hướng đến an toàn hạt nhân
Sau cơn “ác mộng hạt nhân” Chernobyl, 25 năm sau cả thế giới lại chứng kiến một thảm họa hạt nhân khác diễn ra tại Nhật Bản. Tuy được đánh giá là không có mức độ nguy hiểm cũng như ảnh hưởng rộng như vụ Chernobyl nhưng thảm họa này đã khiến cả thế giới buộc phải nhìn nhận lại mức độ an toàn trong việc phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh việc xem xét lại độ an toàn của các lò phản ứng, một số quốc gia đang nghiên cứu phát triển các lò phản ứng thế hệ mới đáp ứng 4 tiêu chuẩn chính. Đó là tiết kiệm tài nguyên; tiết kiệm về chu kỳ nhiên liệu; hạn chế chất thải phóng xạ; hạn chế sự phổ biến vũ khí hạt nhân.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn và đổi mới, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tư duy lại trên phạm vi toàn cầu về an toàn hạt nhân. Thế giới cần đảm bảo chắc chắn rằng sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình với độ an toàn hạt nhân cao nhất. TTK LHQ kêu gọi rà soát lại mọi chi tiết của các quy chế an toàn hạt nhân; các nước phải ứng dụng tiêu chuẩn cao nhất về phòng ngừa tai nạn hạt nhân, cho phép giám sát độc lập tại các nhà máy điện hạt nhân và đảm bảo mức độ minh bạch cao nhất để giành được lòng tin của người dân. Các nhà máy điện hạt nhân phải được xây dựng đảm bảo chống được động đất, sóng thần, cháy nổ hoặc lũ lụt.
Thanh Hằng