
Bộ Công an vừa đề nghị Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Văn Thái (ảnh), Trưởng phòng Hậu cần Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do thành tích đặc biệt xuất sắc: 300 phút đấu súng trên biển với bọn phản cách mạng nhằm bảo vệ tài sản và cứu hơn 100 người dân thoát chết.
Chiến đấu hay là chết

Đồng chí Nguyễn Văn Thái
Biển đêm thật thinh lặng. Vào tháng 9 cách đây 32 năm (1978), tàu Cửu Long 102 chuẩn bị rời bến ra Côn Đảo. Đây là phương tiện duy nhất để vận chuyển hàng hóa, chuyên chở hành khách, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra đảo (1 chuyến/tháng) bởi tàu Cửu Long 103 đã bị hư, đang nằm sửa chữa.
Lúc này, tình hình trên biển rất phức tạp do bọn tội phạm và phản cách mạng thường xuyên tổ chức cướp tàu, giết người để vượt biên trái phép. Chính vì vậy, ngay tại bến, lực lượng công an và thủy thủ đoàn phải kiểm tra từng hành khách mới cho xuống khoang. Một đoàn công nhân kỹ thuật với đầy đủ đồ nghề gồm 18 người xuống tàu để ra Côn Đảo thi công đường dây tải điện. Họ vui vẻ trình giấy tờ và còn đùa cợt với lực lượng bảo vệ khi mời nhau điếu thuốc trong đêm lạnh.
Nguyễn Văn Thái cũng vậy. Chàng cảnh sát hình sự trẻ măng ở cái tuổi 22 xuống tàu, tìm cho mình một chỗ ngồi bó gối y như 138 hành khách còn lại. Thấy Thái mặc cảnh phục, nhiều người hỏi han và biết anh đang công tác tại Công an huyện Côn Đảo, vừa thực hiện xong nhiệm vụ ở đất liền, nay quay trở lại đơn vị.
6 giờ sáng ngày hôm sau, tàu Cửu Long 102 ra đến cửa biển. Gặp sóng to gió lớn, tàu lắc lư rất mạnh khiến hầu hết hành khách say sóng, nôn mửa liên tục. Đến 12 giờ trưa, khi tàu Cửu Long 102 vừa ra đến làn nước xanh tiếp giáp làn nước đục, có nhiều tiếng súng nổ chát chúa cùng tiếng la hét hoảng loạn của cả trăm con người. Bừng tỉnh sau cơn say sóng, Thái biết tàu đã bị cướp và theo “thông lệ”, tất cả cán bộ trên tàu sẽ bị thủ tiêu. Riêng thủy thủ đoàn bị khống chế để đưa bọn cướp ra hải phận quốc tế còn toàn bộ hành khách sẽ bị đẩy xuống biển. Liếc nhìn nhóm 18 “công nhân”, Thái thấy tất cả đều lăm lăm súng, rìu… khống chế hành khách. Dã man hơn, chúng chém vỡ đầu thuyền trưởng Nguyễn Văn Châu và dùng rìu chặt thẳng vào mặt thủy thủ trưởng nhằm răn đe số thủy thủ còn lại. Thái rút khẩu K.54 trong thắt lưng ra, quyết định áp sát cabin vì vị trí buồng lái quan trọng ấy chắc chắn cũng là mục tiêu của bọn cướp. Anh nổ một phát súng, hô to: “Còn đồng chí nào là công an thì đi theo tôi”.
Đấu súng
Tàu Cửu Long 102 là loại tàu vỏ sắt trọng tải 120 tấn được thiết kế để chở hàng hóa. Chính vì không có khoang hành khách nên khách đi tàu nằm, ngồi la liệt trên nắp hầm và lối đi. Vượt qua 3 xác chết của khách bị giết ngay tại nhà vệ sinh, Thái cắn môi bật máu để kìm nén cảm xúc. Anh bò sát sàn tàu ngược về phía sau, nơi có cabin trên boong và len lỏi qua 4 thi thể thủy thủ bị giết do chống lại bọn cướp ngay giữa hầm nước ngọt và nhà bếp. Phát hiện Thái đang lom khom, bọn cướp đã bắn điên cuồng về phía anh. Đạn bay líu chíu qua đầu Thái, chạm vào thành tàu xẹt lửa rợn người càng khiến hành khách kinh hoàng, nằm rạp hết xuống. Nhiều người cầu nguyện, một vài người khác hoảng loạn lao mình xuống biển rồi mất tăm sau con sóng trùng điệp…
Trong giây phút sinh tử ấy, Thái bình tĩnh quan sát và phát hiện ra một cầu thang nhỏ thông lên cabin, anh lập tức leo lên, phía sau là hai đồng chí công an không mang súng, nghe lời Thái hô ban đầu, cũng bám theo. Thái hiểu mạng sống của các anh lúc này là chỉ mành treo chuông. Anh biết, nếu mình không may nằm lại trên biển, người mẹ già ở quê sẽ đau khổ biết chừng nào bởi cha anh, rồi anh ruột của anh, đã lần lượt hy sinh cho Tổ quốc. Tuy nhiên, nếu không chiến đấu, hơn 100 hành khách cũng có nguy cơ bị giết hay đẩy xuống biển, sau khi bị cướp hết tài sản, bị hãm hiếp… Thêm một điều nữa, 100 tấn hàng hóa tiếp viện cho đảo cùng con tàu - sợi dây duy nhất nối đảo với đất liền - cũng sẽ bị cắt đứt…

Lực lượng hải quân tuần tra trên biển. Ảnh: H.HOA
Leo lên cầu thang một đoạn, gần tiếp cận được cabin thì toán cướp ném lựu đạn về phía Thái làm một thủy thủ chết tại chỗ, Thái cũng bị sức ép làm anh rơi đập đầu vào thành tàu. Chính lúc đó, Thái hiểu bọn cướp chưa kịp chiếm cabin và cái buồng lái quan trọng ấy, đang là mục tiêu cho cả hai phía. Anh nhanh chóng leo lên thang và nấp vào thành cabin. Một tên cướp đứng gần đó rút lựu đạn định tiêu diệt chàng công an trẻ tuổi nhưng phát đạn của Thái đã hạ gục hắn. Tên cướp thứ hai thấy Thái bắn quá chuẩn, đã nhảy lùi về nấp sau ống khói và nhả đạn vu vơ về cabin. Chớp thời cơ, Thái chiếm lĩnh ngay buồng lái, mặc cho toán cướp ở phía nhà vệ sinh liên tục bắn vào cabin để yểm trợ cho đồng bọn bò lên ném lựu đạn nhằm giết Thái.
Lúc này, lực lượng của ta có đồng chí Trần Trung Tánh (Ba Tánh), Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, thuyền trưởng Nguyễn Văn Châu (bị chém đã tỉnh lại) và hai chiến sĩ công an tên Họt, Sơn. Tất cả đều đã bắn đến viên đạn cuối cùng và Thái đã nghĩ đến chuyện hy sinh, anh loay hoay tìm vũ khí thô sơ để đánh giáp lá cà. Đạn vẫn bắn vào cabin...
“Cứu tinh” trên biển
Toán 18 công nhân, nay đã hiện nguyên hình là nhóm phản cách mạng trong nước, quyết cướp tàu để vượt biên. Trong túi đồ nghề của chúng có 9 khẩu súng cùng lựu đạn, thuốc men… để thực hiện mưu đồ do hai tên Bùi Văn Đạo, Nguyễn Văn Miệng cầm đầu. Chúng cũng biết Thái đã hết đạn nên la hét nhau chuẩn bị xông vào cabin. Cuộc đấu súng đã diễn ra trong 2 giờ liên tục.
Đến lúc này thì máu của hai bên đã nhòe nhoẹt sàn tàu, các thủy thủ không còn chiến đấu được nữa. Nhìn xuống chân, đồng chí Ba Tánh hét vào tai Thái và chỉ về phía thi thể một thủy thủ. Thái kéo xác người xấu số ra thì gặp tiếp xác tên cướp vừa bị anh bắn hạ. Bước qua xác hắn, Thái thấy một khẩu M60 cùng dây đạn sáng loáng. Mừng rỡ như gặp “cứu tinh”, anh nạp đạn rồi bắn xối xả về phía bọn cướp ở hướng chính diện, sau đó bắn di chuyển sang nơi có ống thông gió, ống khói để hạ những tên đang núp. Làm chủ tình hình, Thái phân công Sơn tiếp đạn đại liên cho anh. Thái còn vừa bắn vừa hướng dẫn cách sử dụng cho Sơn, phòng khi anh hy sinh, Sơn sẽ thay anh chiến đấu. Trong khi đó, đồng chí công an tên Họt cũng nhận được một khẩu AK do một thủy thủ tìm ra, trao lại. Thái phân công Họt bắn yểm trợ hướng tấn công từ hai sườn của bọn cướp.
Hai bên bắn nhau thêm khoảng 2 giờ thì bọn cướp yếu thế, rút vào khu nhà bếp cố thủ. Thấy thuyền trưởng Châu đã hồi tỉnh, Thái đề nghị anh tiếp tục lái về Côn Đảo, đồng thời kêu Sơn, Họt bắn yểm trợ để anh xông lên tiêu diệt bọn cướp cố thủ. Tuy nhiên, đồng chí Ba Tánh đã ngăn ý định của Thái để bảo toàn lực lượng và chỉ đạo bắn cầm chừng, giữ chân bọn cướp. Đến 17 giờ cùng ngày, tàu Cửu Long 102 về đến vị trí tọa độ 8,34-8,49 độ vĩ Bắc và 106,31-106,45 độ kinh Đông thì liên hệ được 2 tàu khác của Công an huyện Côn Đảo áp sát hỗ trợ bắt gọn toán cướp máu lạnh.
Nguyễn Văn Thái, lúc đó mới 22 tuổi, sau 300 phút đấu súng ngạt thở trên biển với bọn cướp, anh đã được cán bộ, nhân dân Côn Đảo chào đón như một người anh hùng.
Dương Minh Anh