Khi những điều tử tế chạm nhau

Khi những cọng xơ chuối trở thành tấm vải mềm mại, khi những nhánh san hô gãy được hồi sinh trong lòng biển sâu, đó không chỉ là câu chuyện của thời trang sáng tạo hay lòng dũng cảm mà là hành trình của những con người tử tế, cùng kiên định gieo mầm sống xanh giữa môi trường còn nhiều rác thải và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Bất ngờ vải làm từ… sợi chuối

Xuất thân là kỹ sư môi trường, chị Phan Minh Nguyệt (sinh năm 1987), Giám đốc Công ty cổ phần International Victory, lựa chọn con đường khởi nghiệp xanh bằng cách tận dụng nguyên liệu tự nhiên và phế phẩm để làm sản phẩm thời trang. Sau 2 năm thành lập, công ty đã ra mắt nhiều dòng sản phẩm thời trang sử dụng sợi từ dứa, bông, lanh..., nhất là vải từ sợi chuối.

Nhận thấy cây chuối được trồng phổ biến ở hầu khắp Việt Nam nhưng giá trị kinh tế không cao, thân chuối thường bị bỏ phí hoặc tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, chị Minh Nguyệt dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, tìm hướng khai thác bền vững và kết nối cộng sự cùng chí hướng.

Năm 2023, chị hợp tác thành công với nhiều giáo sư đầu ngành Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra quy trình sản xuất vải sợi chuối, từ việc róc tách xơ chuối, rút bông, se sợi tới dệt vải và nhuộm màu hoàn toàn bằng thảo mộc như chàm, gỗ hương, củ nâu. Tất cả chủ yếu dựa vào bàn tay khéo léo của nhân công lành nghề.

“Với cải tiến kỹ thuật khác biệt, vải sau khi nhuộm đạt độ bền, mềm, không mốc, đặc biệt không bị phai màu, dễ dàng phân hủy sinh học. Tính kháng khuẩn và khử mùi cao chính là đặc tính khác biệt của vải sợi chuối so với các loại vải sợi khác”, chị Minh Nguyệt chia sẻ. Không chỉ chú trọng kỹ thuật, chị Minh Nguyệt còn mang hồn văn hóa Việt vào từng sản phẩm. Hoa sen, trống đồng là những họa tiết truyền thống chủ đạo được thêu thủ công trên áo dài, khăn, tất, quần áo làm từ vải sợi chuối. Hợp tác với các nghệ nhân làng nghề thêu, chị Minh Nguyệt mong muốn giữ lửa làng nghề truyền thống, quảng bá nét đẹp văn hóa và sự khéo léo của người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

nauan.jpg
Chị Phan Minh Nguyệt (phải), Giám đốc Công ty cổ phần International Victory, hướng dẫn khách hàng trải nghiệm nhuộm vải sợi chuối bằng thảo mộc

Từ thân chuối nghèo giá trị, chị Minh Nguyệt và cộng sự sáng tạo thành những sản phẩm thời trang có giá trị cao, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhất là châu Âu, nơi đề cao giá trị bền vững và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Hành trình tìm tòi và kiên trì theo đuổi giá trị xanh ấy đã được ghi nhận xứng đáng khi năm 2023, chị Nguyệt xếp thứ ba toàn quốc trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”.

Trên hành trình xanh này có một điểm chạm của sự tử tế là hành động lan tỏa tình yêu biển, bảo vệ san hô của International Victory với hành trình giải cứu những rạn san hô của Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển - nơi gặp gỡ của những “người hùng” biển cả.

Sự cộng hưởng của tình yêu môi trường

Cứ ngỡ hành trình giải cứu và đưa một chú cá heo bị thương trở về đại dương hay ngâm mình dưới đáy biển để cứu những rạn san hô chỉ có trong những bộ phim của Hollywood. Nhưng ngay chính trên dải đất hình chữ S với đường bờ biển dài hơn 3.200km của Việt Nam ta, có những câu chuyện phi thường tử tế như vậy được viết nên bởi Sasa Team Marine Animals Rescue - Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển.

Sasa Team được thành lập vào tháng 7-2018 sau khi đội cứu hộ một chú cá heo tên Sasa rồi đưa chú trở về với đại dương. Trước khi lặn sâu, chú cá heo ngoái đầu vẫy đuôi như một lời chào. “Khoảnh khắc ấy thay đổi cuộc đời tôi”, anh Lê Chiến (sinh năm 1984, gốc Hà Nội), người sáng lập Sasa Team, nhớ lại.

sanho.jpg
Thành viên Trung tâm Cứu hộ sinh vật biển giải cứu rạn san hô bị gãy vụn ở Phú Quốc, tỉnh An Giang

Từ cuộc giải cứu định mệnh ấy, Sasa Team ra đời với sứ mệnh tình nguyện cứu hộ sinh vật biển, khôi phục rạn san hô và làm sạch đại dương. Sau 7 năm nghiên cứu và thực hành liên tục trên Biển Đông, Sasa Team đã góp phần hồi sinh hơn 40.000m2 san hô, cứu trợ hàng trăm loài sinh vật biển (cá ngựa, bạch tuộc, tôm mũ ni ôm trứng, cá mập, rùa...) khỏi “lưới ma”, giảm nguy cơ gây hại tới sự sống của chúng.

“Chúng tôi gọi là lưới ma, vì những tấm lưới này như bóng ma dưới đáy biển, âm thầm giết các sinh vật không may vướng vào chúng”, anh Lê Chiến thổ lộ. Công việc cắt “lưới ma” tốn khá nhiều công sức, bởi trong lưới ngoài những sinh vật có độc như cá, rắn, còn có thể chứa vật sắc nhọn, gây nguy hiểm cho người lặn.

Thực tế cho thấy, san hô và hệ sinh thái rạn san hô vẫn chưa được quan tâm nhiều tại Việt Nam. Rạn san hô chỉ che phủ dưới 1% diện tích của đại dương nhưng lại dung dưỡng sự sống cho 40% sinh vật sống trong đó. Cũng từ đó chúng ta có hải sản, có cảnh quan để làm du lịch...

Trong 6 tháng qua, Sasa Team lao động không ngừng nghỉ tại vùng biển Phú Quốc, huy động tất cả nguồn lực để hoàn thành hệ thống 3 vườn ươm được tái tạo từ san hô bị gãy vụn. Anh Lê Chiến chia sẻ: “Mặc kệ ngoài kia nói gì, cứ từng mét vuông một rồi hàng ngàn mét vuông được phủ sự sống. Phải có những cánh rừng, những rạn san hô được bảo tồn và phát triển cho thế hệ sau. Gần 8 năm qua, Sasa Team đã được cống hiến, được kiến tạo. Đây là hạnh phúc của chúng tôi”. Hiện Sasa Team đã hoàn thành hệ 3 tháp dưỡng san hô. Không chỉ đảm bảo việc giữ san hô sống mà đây còn là những cỗ máy sản xuất con giống san hô cho tương lai. Khi những cành nhánh mới trổ ra, Sasa Team sẽ dùng phương pháp phân vi mảnh để tách con giống khỏi cành chính và cấy lại vào rạn.

Đóng góp cho sự thành công này của Sasa Team là sự quan tâm, hỗ trợ tài chính của nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó có thương hiệu thời trang của chị Minh Nguyệt với cam kết trích 1.000 đồng/sản phẩm bán ra để gây quỹ bảo vệ môi trường. Chính sự cộng hưởng công sức và chung tay bảo vệ biển đã trở thành câu chuyện thương hiệu để International Victory lựa chọn thêu họa tiết san hô trên sản phẩm thời trang vải sợi chuối cao cấp.

Với hành trình này, chị Phan Minh Nguyệt và anh Lê Chiến có chung một mục tiêu giáo dục thế hệ trẻ về môi trường thông qua trải nghiệm. Chị Minh Nguyệt đang lên kế hoạch xây dựng một tour “Từ cọng chuối đến chiếc áo” dành cho học sinh, sinh viên, trong khi Sasa Team đang thực hiện dự án “Sasa Home” - nơi đón tiếp những tình nguyện viên yêu biển đến sống, học và làm việc cùng đội cứu hộ. “Chúng tôi mơ về một thế hệ mà khi ra biển người ta sẽ không bẻ san hô, khi mua đồ người ta sẽ đọc nhãn sợi vải và hiểu giá trị bền vững trong đó”, chị Minh Nguyệt nói.

Hành trình ấy còn gian nan vì thay đổi thói quen và hành vi của người tiêu dùng cần sự kiên trì và quyết tâm. Với sản phẩm thời trang xanh, thách thức vẫn là quy mô sản xuất nhỏ, thiếu thiết bị hiện đại và giá thành cao. Với Sasa Team, áp lực tài chính, thời tiết và những tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch thiếu kiểm soát vẫn đang đe dọa từng nhánh san hô mới mọc. Nhưng họ vẫn bước tiếp với niềm tin mạnh mẽ rằng những điều tử tế, dù nhỏ bé, cũng có thể chạm đến nhau và cộng hưởng thành điều lớn lao đầy ý nghĩa.

Tác giả HÀ NGUYỄN

Bình chọn bài viết

Bài viết mới