“307” tiểu đoàn anh hùng

“307” tiểu đoàn anh hùng

Trưa ngày 10-6-2005, chị Nguyệt Anh gọi điện thoại báo tin cho tôi: “Mừng quá, 307 đã trở thành tiểu đoàn anh hùng”. Tôi giật mình “ủa, tôi tưởng...”.

Quả là tôi ngỡ “307” đã anh hùng từ lâu rồi. Chị Nguyệt Anh mừng là phải, bởi vì chị đã gắn bó suốt đời với người chỉ huy tiểu đoàn nổi tiếng đó. Không riêng gì chị Nguyệt Anh, tự nhiên tôi trở thành nơi nhận tin từ các cựu chiến binh Tiểu đoàn 307 báo về. Họ vui mừng, xúc động, tự hào... Tự hào là phải, bởi Tiểu đoàn 307 là một tiểu đoàn không làm hổ thẹn truyền thống quyết chiến quyết thắng của quân đội ta. Một tiểu đoàn lừng danh, oanh liệt, là đội quân thực sự của nhân dân.

“307” tiểu đoàn anh hùng ảnh 1

Trung tướng Nguyễn Văn Tiên, người chỉ huy Tiểu đoàn 307.     
(ảnh chụp năm 1950)

Mới đây, vào năm 2001, tôi đến nhà Trung tướng Nguyễn Văn Tiên, vị chỉ huy cũ của tôi để thăm ông. Theo quy ước giữa tôi và ông, cứ mỗi năm ít nhất một lần gặp nhau để coi “bộ vó” của tôi và “dáng vẻ” của ông. Lần đó, tôi gọi điện xin gặp, ông mừng lắm. Tôi đến, ông đã ra sân đón và kéo tôi vào nhà. Tôi hỏi “Anh khỏe không?” Ông nói “Khỏe “và nói thêm: “Cậu uống nước đi, tôi tặng cậu quyển Lịch sử Tiểu đoàn 307”.

Tôi biết Tiểu đoàn 307 qua bài hát cùng tên do nghệ sĩ Quốc Hương đứng trên chiếc xuồng ba lá trên dòng kênh Chắc Băng hát vào cuối năm 1951, khi đó tôi còn bé lắm, đang học thiếu sinh quân và nghệ sĩ Quốc Hương là thầy dạy nhạc đầu tiên cho chúng tôi. Tôi say sưa và bị cuốn hút bởi giai điệu hùng tráng “... Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi...”.

Buổi xuất quân đó vào ngày 5-7-1948, tại vùng căn cứ Giồng Luông, thuộc xã Đại Điền, huyện Thanh Phú, tỉnh Bến Tre. Tiểu đoàn liên quân lưu động (tên gọi của tiểu đoàn vào ngày làm lễ xuất quân, mấy tháng sau đổi tên thành Tiểu đoàn 307) đã tuyên thệ. Khi đó, tiểu đoàn dù còn trang bị thô sơ, súng trường, mã tấu là chủ yếu nhưng với trái tim rực lửa quyết đánh, mọi người đều giơ cao nắm tay “nguyện một lòng gìn giữ non sông...”, họ làm lễ xuất quân đánh giặc.

Đây là sự ra đời của tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của chiến trường Nam bộ hoạt động ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm đầu chống thực dân Pháp. Nó ra đời để đáp ứng một yêu cầu về chiến lược trong lúc cả Nam bộ đã là chiến trường của chiến tranh du kích. Nó đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Nam bộ, mở đầu cho những trận đánh tiêu diệt lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, làm cho bọn Pháp hết sức lúng túng.

Trước đó, ngày 1-5-1948, bà con hai bên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp bỗng thấy những thanh niên khỏe mạnh xuất hiện từ chùa Phật đá, xã Mỹ Phước lên đến Thiên Hộ, đội ngũ chỉnh tề. Người dân vùng căn cứ Đồng Tháp Mười nức lòng nhìn thấy bộ đội cách mạng, người đông, súng nhiều... Đó là thời điểm Khu 8 khai sinh một đơn vị chủ lực cấp tiểu đoàn, đứa con đầu lòng của mình và của Nam bộ.

Ngay sau lễ xuất quân (5-7-1948), tiểu đoàn hành quân về Mỹ Tho và đánh trận đầu tiên, diệt đồn Mộc Hóa, bắt đầu ngày 16-8-1948, đánh quân tiếp viện ngày 17-8 diệt trên 300 tên địch, thu hơn 300 súng các loại trong đó có 3 súng cối 60 ly, một số đại liên và trung liên. Chiến thắng Mộc Hóa buộc địch rút bỏ Mộc Hóa vĩnh viễn, ta làm chủ một vùng rộng lớn... Mộc Hóa là chiến thắng mở đầu của một loạt chiến thắng vang dội của Tiểu đoàn 307 trong kháng chiến chống Pháp. Tiếp sau Mộc Hóa là một loạt trận đánh vận động phục kích tiêu diệt lớn ở La Bang (Trà Vinh), chùa Ô Môi (Đồng Tháp) và hàng chục trận ở khắp các tỉnh ở Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Long Châu Hà...

Đặc biệt những trận tiêu diệt hoặc đánh gây thiệt hại nặng lực lượng cấp tiểu đoàn của địch như An Xuyên (Cà Mau), An Biên (Bạc Liêu), Tân Hương (Bến Tre), Bảy Háp (Bạc Liêu)... Trong những chiến công làm nên câu hát “lưỡi gươm vung với cánh tay sắt, đầu giặc rụng, nổ súng đồng đồn giặc vỡ tan” phải kể đến trận công đồn diệt địch cỡ đại đội và trung đội như trận Bảy Ngàn (Cần Thơ), Hộ Phòng (Bạc Liêu), Bắc Sa Ma (Cầu Kè - Vĩnh Long), Bà Hút (Trà Vinh) làm cho danh tiếng của Tiểu đoàn 307 vang đội đến mức: “Tiếng tiểu đoàn, bao nhiêu quân Pháp run rẩy sợ hãi”. Quả là, trong suốt thời gian chưa đến 6 năm, tiểu đoàn đã đánh hàng trăm trận, diệt hàng ngàn tên địch. Tiểu đoàn 307 xuất hiện ở đâu là quân Pháp hoảng sợ, xuất hiện là chiến thắng.

“Lẻ Bảy, tiểu đoàn Lẻ Bảy, đoàn quân Lẻ Bảy, kể từ ngày ấy, đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy...”.

Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Nguyễn Bính đã viết nên những dòng thơ bỏng cháy truyền thống của tiểu đoàn và người nhạc sĩ nghiệp dư Nguyễn Hữu Trí chỉ viết có một bài hát đã đi vào lòng quân và dân cả nước, đến độ em bé lên năm cũng biết hát. Những chiến sĩ Tiểu đoàn 307 đều biết tiểu đoàn trưởng đầu tiên của mình, anh Đỗ Huy Rừa với trận xáp lá cà ác liệt bằng câu nói nổi tiếng “Tôi quyết cùng các đồng chí tử chiến với địch phen này” ở trận chùa Ô Môi và Sài Tư, người tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 307 đã anh dũng hy sinh.

Trận Mộc Hóa, chiến sĩ Tạ Văn Bang bị thương dập nát cườm tay trái, bàn tay lủng lẳng, anh đã gọi đồng đội cắt giúp cho đỡ vướng để xông lên diệt địch, thấy đồng đội ngần ngại, anh rút mã tấu tự cắt tay mình, và... với một cánh tay Bang đã dùng tiểu liên bắn vào quân địch cho đến kết thúc trận đánh... Tiểu đội trưởng Tống Văn Công, đại đội 931, dùng chày giã gạo phá cửa đồn. Địch ném lựu đạn ra bên này, anh nhảy sang góc bên kia tiếp tục bổ chày vào cửa... Khói lửa mịt mù, Tống Văn Công vừa tránh lựu đạn ném ra như mưa, người anh bị thương, nhiều mảnh lựu đạn cắm vào, anh phá được cửa đồn, quân ta xông vào, địch bị bắt gọn...

Điều đặc biệt làm nên chiến công của Tiểu đoàn 307 là sự gắn bó với nhân dân, được nhân dân yêu mến. Đi đến đâu cũng được nhân dân đùm bọc che chở, ủng hộ. Mỗi khi tiểu đoàn ra đi, các mẹ lo lắng cho đến khi các anh chiến thắng trở về, một bà mẹ chiến sĩ hồi ấy đã cảm hứng thành thơ:

“Sau trận thắng đồng bào hể hả
Nỗi vui mừng kể xiết được đâu
Quân dân nghĩa nặng tình sâu
Cùng nhau diệt giặc, công đầu
 các con”

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, cứ mỗi lần Quốc Hương hát bài Tiểu đoàn 307, tôi thì khỏi nói, tôi thích bài hát ấy; còn trung tướng Nguyễn Văn Tiên, người tiểu đoàn trưởng ngoan cường đã chỉ huy tiểu đoàn từ năm 1949 cho đến 1954, tôi có cảm giác ông rạo rực và xúc động lắm. Tôi nhớ mãi trận đánh ngày 21-9-1966, ông cho một biên đội Mig-17 cơ động, phục kích địch ở sân bay Kiến An từ mờ sáng sau một đêm quân và dân Hải Phòng sửa gấp sân bay (bọn Mỹ ném bom vào sáng ngày hôm trước, chiều hôm đó hai chiếc máy bay trinh sát lượn qua còn thấy ngổn ngang). Bọn Mỹ không ngờ chỉ một đêm sân bay Kiến An đã sửa chữa xong. Biên đội hạ cánh, giấu mình và bất ngờ cất cánh đã bắn rơi ba chiếc F4 và A4 Mỹ trên bầu trời thành phố Hải Phòng. Xong trận đánh, ông nói “đó là hình ảnh của trận phục kích đánh đồn, diệt viện ở Bắc Sa Ma ngày 12-12-1949 tại Cầu Kè (Trà Vinh)”.

Hồi đó, tôi không hiểu, về sau, khi tôi hiểu thì những cử động và tâm trạng của ông mỗi khi “bài hát 307” do Quốc Hương cất lên, tôi biết rõ ông yêu tiểu đoàn của ông, ông yêu từng chiến sĩ của ông đến dường nào. Có lẽ, hình ảnh tiểu đoàn trong gian khó, thiếu thốn đã làm nên chiến công vĩ đại làm ông sung sướng lắm.

Hôm nay, Tiểu đoàn 307 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang, cán bộ và chiến sĩ cũ của tiểu đoàn vui mừng lắm, họ tự hào lắm bởi họ đã góp chiến công làm nên Tiểu đoàn 307 anh hùng.

Lê Thành Chơn

Tin cùng chuyên mục