Bắt đầu được thế giới nhận biết cách đây 35 năm, HIV/AIDS - căn bệnh thế kỷ một thời hoành hành toàn cầu gây sốc cho nhân loại, giờ đây không còn là án tử với rất nhiều người do những tiến bộ vượt bậc về phòng chống và điều trị. Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay (1-12) cũng là dịp để nhìn lại những thành tựu của nhân loại trong cuộc chiến chống căn bệnh này.
Điều trị mọi người, mọi nơi
Nhân Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm 2015, Giám đốc Văn phòng Cơ quan phòng chống HIV/AIDS Liên hiệp quốc (UNAIDS) tại New York, ông Simon Bland trong cuộc họp báo ngày 30-11 nói rằng, làm sao để đưa thuốc điều trị HIV/AIDS đến với mọi người, mọi nơi. Trong khi đó, Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidibe1 cũng công bố sáng kiến toàn cầu tại Libreville (Gabon), theo đó khuyến khích xét nghiệm HIV/AIDS, kêu gọi thanh niên toàn cầu hưởng ứng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng sẽ công bố sáng kiến “điều trị cho tất cả” tại Hội nghị quốc tế về HIV/AIDS sắp diễn ra tại Harare, Zimbabwe. Theo WHO, mục tiêu Liên hiệp quốc đặt ra là vào năm 2030 sẽ chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, vì vậy, mọi sáng kiến thúc đẩy việc tăng mạnh số người bị nhiễm HIV/AIDS và nguy cơ nhiễm được tiếp cận điều trị là vấn đề cốt lõi trong việc hoàn thành mục tiêu.
Sinh viên lãnh thổ Đài Loan xếp hình ký hiệu phòng chống HIV/AIDSnhân Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 2015.
Theo Tổng Giám đốc WHO, tiến sĩ Margaret Chan: “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc năm 2000 trong việc chặn đứng đà gia tăng số người nhiễm HIV/AIDS đã đạt được trước thời hạn chót là vào năm 2015 - một thành tựu khó tin, chứng minh sức mạnh của các quốc gia và tinh thần đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống HIV/AIDS”.
Trong suốt 15 năm qua, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng virus HIV (ART) điều trị HIV/AIDS tăng đột phá tại khu vực châu Phi với hơn 11 triệu người được điều trị so với chỉ 11.000 người vào năm đầu thế kỷ 21. WHO kết luận rằng: “Người nhiễm HIV/AIDS ở châu Phi hiện nay dễ tiếp cận thuốc điều trị HIV/AIDS hơn bất cứ nơi đâu trên thế giới”.
Ngoài ra, việc giảm lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con tại châu Phi cũng có kết quả khả quan. Theo WHO, trong số 22 nước châu Phi chiếm tới 90% các ca nhiễm mới HIV/AIDS, đã có 8 nước giảm 50% các ca nhiễm mới từ mẹ sang con, kể từ năm 2009.
Cũng theo WHO, do việc đưa thuốc kháng virus HIV/AIDS đến nhiều hơn với người nhiễm HIV/AIDS, số người chết và nhiễm mới HIV/AIDS trên toàn cầu đã giảm mạnh. So với đỉnh điểm số người nhiễm HIV/AIDS năm 2004, số người chết do căn bệnh này giảm 42%, tương đương 7,8 triệu người được cứu sống. Số người nhiễm mới giảm 35% so với năm 2000. Cũng nhờ kết hợp nhiều loại thuốc điều trị HIV/AIDS nên bệnh nhân có thể kéo dài cuộc sống hơn trước rất nhiều. Trung bình, một người ở độ tuổi 20 bị nhiễm HIV/AIDS, nếu được điều trị, có thể sống thêm 50 năm so với chỉ vài tháng vào những năm 1980.
Để có được những thành quả này, số tiền chi cho cuộc chiến chống HIV/AIDS không phải ít. Theo thống kê của UNAIDS, từ năm 2000, kinh phí cho chương trình phòng chống HIV/AIDS toàn cầu tăng gấp 4 lần. Để đạt được mục tiêu loại trừ HIV/AIDS vào năm 2013, cần có thêm 32 tỷ USD từ nay đến năm 2020; bằng không, theo UNAIDS, số người nhiễm HIV/AIDS sẽ tăng trở lại.
Không chủ quan trước tiến bộ
Theo nhận định của các chuyên gia, Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS năm nay được xem là ngày có triển vọng nhất trong vòng 35 năm qua, trước viễn cảnh thế giới đang tiến rất dài trên con đường đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức phía trước trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào khâu cứu giúp nhiều hơn nữa nạn nhân HIV/AIDS và chấm dứt hoàn toàn căn bệnh này. WHO cho rằng, nhân loại đang chứng kiến công dụng của các loại thuốc điều trị HIV/AIDS; theo đó, nếu dùng ở giai đoạn càng sớm sau khi nhiễm thì không chỉ bảo vệ được người bệnh mà còn có khả năng ngăn chặn việc lây truyền sang bạn chăn gối. Hoặc cũng có thể sử dụng thuốc PrEP hàng ngày cũng giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cho những đối tượng có nguy cơ cao. WHO đã khuyến cáo những người vừa nhiễm HIV/AIDS nên dùng thuốc ngay và các đối tượng trong các nhóm có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao dùng PrEP.
Bệnh nhân HIV/AIDS tại châu Phi nhận thuốc điều trị.
Những thành công bước đầu trong cuộc chiến chống HIV/AIDS dễ khiến con người lầm tưởng rằng thế giới đã hoàn toàn chiến thắng trước HIV/AIDS. Điều này sẽ khiến các nước dễ rơi vào chủ quan, không tiếp tục vào các mục tiêu chống AIDS. Theo UNAIDS, trong năm 2014 đã có 1,2 triệu người nhiễm HIV/AIDS chết và 2 triệu người nhiễm mới. UNAIDS kêu gọi các nước tiếp tục đẩy mạnh các cam kết trong việc đầu tư nghiên cứu HIV/AIDS, trong đó mục tiêu cuối cùng là chế tạo vaccine ngừa HIV/AIDS và thuốc chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Đặc biệt, theo thông tin từ WHO, nếu như khu vực châu Phi có chuyển biến tốt về phòng chống HIV/AIDS thì Đông Âu đang trở thành khu vực đáng lo ngại về HIV/AIDS. Trong năm 2014, toàn châu Âu có 142.000 ca nhiễm HIV/AIDS mới, đây là con số cao nhất kể từ những năm 1980.
Theo các chuyên gia, Mỹ cần tiếp tục dẫn đầu vai trò toàn cầu trong việc mở rộng khả năng tiếp cận các loại thuốc điều trị và phòng ngừa HIV/AIDS. Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Mỹ (PEPFAR) cùng Quỹ toàn cầu chống AIDS, lao và sốt rét đóng vai trò nòng cốt trong vấn đề này. Cũng nhờ các tổ chức này cùng nhiều tổ chức quốc tế khác, đến nay, thế giới đã có gần 16 triệu người được chữa trị HIV/AIDS. Tuy nhiên, con số này chưa được 1/2 tổng số bệnh nhân HIV/AIDS toàn cầu hiện là 37 triệu người.
Hơn thế nữa, song song với các chiến dịch phòng chống HIV/AIDS, nhiều nước cần chống lại tình trạng phân biệt, đối xử với các nạn nhân HIV/AIDS, sớm giúp họ hòa nhập vào cuộc sống bình thường. Ngoài ra, tình trạng phân biệt, thậm chí tội phạm hóa đối với cộng đồng giới tính thứ ba (LGBT), càng đẩy các đối tượng dễ phơi nhiễm HIV/AIDS vào con đường che giấu bệnh tật, càng khó kiểm soát HIV/AIDS. Các chuyên gia cho rằng chấm dứt dịch HIV/AIDS đồng nghĩa với chấm dứt thái độ phân biệt đối xử với LGBT.
KHÁNH MINH (tổng hợp)