4 câu chuyện lạ trong một gia đình lính

Chuyện lạ thứ 1
4 câu chuyện lạ trong một gia đình lính

Chuyện lạ thứ 1

Đến thành phố Biên Hòa, ghé thăm ngôi nhà của đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 bộ đội đặc công nước rừng Sác thời chống Mỹ và bà Thân Thị Tuyết Vân, vợ ông - cũng là một cựu binh rừng Sác, thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên của gia chủ, bạn sẽ phát hiện ra một điều lạ.

Tít trên cao nơi kệ thờ là ảnh Hồ Chủ tịch, kế tới ảnh ông bà nội ngoại, ở hàng thứ 3 có ảnh 2 liệt sĩ rừng Sác: Nguyễn Kim Mến, quân y sĩ, hy sinh năm 1971, là người vợ đầu của đại tá Lê Bá Ước; Phạm Như Tiếp, cán bộ đại đội, hy sinh năm 1972, là người chồng đầu của bà Thân Thị Tuyết Vân.

Ra thăm khu nghĩa trang liệt sĩ thành phố, bạn sẽ còn gặp điều lạ hơn: ngôi mộ của liệt sĩ Phạm Kế Tiếp nằm cạnh ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Kim Mến. Hình như đoán được câu hỏi trong mắt tôi, bà Vân nói luôn:

– Thời còn ở rừng Sác chị Mến bên quân y, tôi bên hậu cần. Anh Tiếp chồng trước của tôi là cánh tay mặt của ông Ước. Chúng tôi không chỉ là đồng đội, đồng chí của nhau mà còn thân thiết, nương tựa vào nhau như trong một gia đình.

Đại tá Lê Bá Ước và bà Thân Thị Tuyết Vân ( Người thứ nhất và thứ hai bên phải).

Đại tá Lê Bá Ước và bà Thân Thị Tuyết Vân ( Người thứ nhất và thứ hai bên phải).

Đại tá Ước tiếp lời bà Vân:

– Ấy nhưng khi đưa mộ Mến, Tiếp về khu nghĩa trang Biên Hòa, sắp đặt hai ngôi mộ ra sao, tôi và bà Vân phải lấy ý kiến của từng đứa con. May sao sắp nhỏ nhất trí liền.

“Sắp nhỏ” đây là 9 người con - 2 gái, 7 trai đều đã bước qua tuổi phương trưởng, cùng đông đúc dâu rể, nội ngoại. 9 người con ấy - như lời đại tá Ước nói vui, thuộc 3 kênh VTV1, VTV2, VTV3, hay thường được gọi là con anh, con tôi, con chúng ta.

VTV1 gồm Hương, Hùng, Thắng - là kết quả cuộc hôn nhân lần 1 giữa đại tá Ước và quân y sĩ Kim Mến. VTV2 gồm Lê Phạm Thúy, Lê Phạm Hải, Lê Phạm Dũng - kết quả cuộc hôn nhân giữa đại đội trưởng Tiếp và bà Vân. Bà Mến, ông Tiếp hy sinh, ông Ước bà Vân “tác hợp” với nhau sinh thêm Lê Bá Thành, Lê Bá Công và Lê Bá Long.

Trong gia đình này, đã từ lâu cứ theo tuổi tác mà gọi tên Hai Hương, Ba Dũng, Tư Thúy, Năm Hải, Năm Thắng… Quy củ, trật tự ấy đến lượt các chàng rể, các nàng dâu, và đám nội ngoại cứ thế phăm phắp tuân thủ.

Chuyện lạ thứ 2

Bà Nguyễn Kim Mến và ông Lê Bá Ước đều là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, làm lễ cưới ở Hà Nội. Khi Hương mới lên 4 và Hùng mới được 2 tuổi thì ông Ước vượt Trường Sơn trở về với rừng Sác. 3 năm sau, gửi lại 2 con nhỏ nhờ bà cô trông coi, chị Kim Mến vào Nam với chồng.

Bác sĩ Kim Hương không cầm được nước mắt khi nhớ lại cuộc chia tay với mẹ: “Tôi còn nhớ rõ gia đình có làm bữa cơm để tiễn đưa mẹ tôi. Em Hùng còn nhỏ quá không biết gì. Mẹ con, bà cháu tôi cứ giục nhau ăn nhưng nước mắt ròng ròng không ai có thể nuốt nổi. Năm ấy tôi đã 7 tuổi nên tôi nhớ mọi điều rành rõ như đang xảy ra trước mắt: mẹ tôi vận bộ đồ bà ba, tư trang cá nhân xếp cả trong chiếc ba lô cóc. Trên xe lên vùng tập trung trên Lập Thạch (Vĩnh Phú) mẹ tôi không khóc nữa mà đưa tay vuốt ve mớ tóc, gương mặt, bờ vai tôi rồi tới em Hùng. Mẹ bảo hai chị em tôi, mẹ đi xa phải nghe lời bà, nghe lời thầy cô, học cho giỏi. Mẹ hứa sẽ nhanh chóng trở về với chúng tôi… Thư trong Nam ra Bắc có khi nửa năm, có khi hơn năm mới được một lá. Ở Hà Nội cứ vào giờ tan lớp buổi chiều, nhìn cha mẹ các bạn khác đến đón con họ hoặc đi qua những ngôi nhà gia đình tụ họp vào bữa cơm tối, hai chị em tôi nhớ bố, nhớ mẹ mà dầm dề nước mắt. Mẹ tôi hy sinh, mãi hai năm sau tin mới ra tới Hà Nội”.

Vào tới chiến trường, bà Mến trở thành quân y sĩ tại Trung đoàn 10 do ông Ước chỉ huy. Gian khổ, ác liệt nhưng vợ chồng luôn bên nhau cũng đỡ. Năm 1969 ông bà sinh Lê Toàn Thắng đúng vào những ngày tháng khó khăn, quyết liệt sau Tết Mậu Thân năm 1968. Thắng mới 12 ngày tuổi, bà Mến đã phải ẵm con gửi cơ sở nuôi giùm. Cũng đã có quyết định điều bà lên R tập huấn lớp quân y dài ngày, nhưng bà còn nấn ná ở lại vì không muốn xa ông vào thời điểm cam go ấy. Ba tháng sau Toàn Thắng đã cứng cáp, mập mạp, gia đình cơ sở chụp hình gửi vào rừng Sác cho bà Mến mừng. Ảnh chưa tới, trong một trận địch càn vào rừng Sác, bà Mến trúng đạn, không kịp trăn trối điều gì với chồng, với con...

Nhìn tấm ảnh bà Mến trên bàn thờ gia đình ông Ước, tôi thầm hỏi, liệu trước lúc ngã xuống, người mẹ kia muốn nhắn gửi điều gì cho những đứa con còn quá nhỏ dại cả ở ngoài Bắc lẫn trong Nam?

Chuyện lạ thứ 3

Khi chiến đấu ở rừng Sác, bà Vân và ông Tiếp - chồng bà, gửi đứa con lớn là Thúy về cho bà ngoại nuôi, còn đứa con trai bà phải gửi cơ sở nuôi hộ. Đêm ngày 18 tháng 5 năm 1972, bà Vân trở dạ đúng lúc chồng bà nhận nhiệm vụ đưa anh em đi đánh tàu. Sáng 19 tháng 5, bà Vân sinh Dũng – cậu con trai cũng là thời khắc ông Tiếp hy sinh, nhưng đơn vị giấu không cho bà Vân biết, lo ảnh hưởng tới sức khỏe sản phụ. Năm ấy bà Vân 26 tuổi.

Người đàn bà này bây giờ hạnh phúc sống giữa bày cháu con, dâu rể, nội ngoại nhưng bà cũng dễ mủi lòng mỗi khi nhắc tới những tháng năm chiến tranh.

Bà Tuyết Vân tâm sự, bà đi tới hôn nhân lần hai với ông Ước một phần là do anh em trong đơn vị Đặc công vun vào. Anh em có lý khi nói rằng, chỉ những ai trải qua sống chết ở rừng Sác mới thực lòng thương yêu, cưu mang đám con cái các chiến sĩ rừng Sác. Cái lý, cái tình là như thế, lại còn thêm lý do khác: hai gia đình ông Ước bà Vân đã quá gần gụi, thân tình với nhau, cái lỗ hổng kẻ mất vợ, người mất chồng, dễ ai khác có thể bù đắp được?

Bà Tuyết Vân kể, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, giữa làn sóng di tản ra nước ngoài, ông Ước và bà đã thực hiện một công việc ngược lại: đi gom đàn con từ khắp mọi nơi về sống dưới một mái nhà. Ông Ước ra Hà Nội đón Hương, Hùng. Trở vào, ông bà đáp xe đò đến các gia đình cơ sở đón Thúy, Hải, Thắng, Dũng. Có gia đình nuôi con ông bà lâu quá rồi, nay thành bịn rịn, không muốn trả, phải nài nỉ, thương lượng cả tháng trời mới xong.

Hai cô gái lớn thì Hương mới 13 tuổi, Thúy mới lên 7, phía sau lưng còn lít nhít cả một lũ em 5, 6 tuổi. Lương của ông Ước là bao nhiêu, đồng tiền phụ cấp thương tật của bà bao nhiêu ai mà chẳng rõ. Ông Ước lại ra Hà Nội học tại Học viện quân sự dài ngày. Một mình bà Vân tần tảo, xở xoay, nuôi lợn, nuôi gà, nhận may gia công. Chả bao lâu đến lượt Hương, Dũng nhập ngũ theo cha sang chiến đấu ở Campuchia. Kiếm được đủ hai bữa cơm là may, lũ trẻ đến trường buổi sáng với cái bụng rỗng là chuyện bình thường.

Lựa lúc bà Tuyết Vân thanh thản, vui vẻ tôi hỏi bà bí quyết gì khiến bà không mắc vào sự thiên tư, nghiêng bên này, ngả bên kia một chút, để từng ấy đứa con đều coi bà thực sự là mẹ ruột, bà Vân cười mà hai giọt mắt bỗng lăn trên gò má: “Nói thật anh đừng cười, thử hỏi con Thúy, thằng Hải, thằng Dũng là 3 đứa tôi và anh Tiếp đẻ ra có bao nhiêu ngày sống với bố mẹ, được bố mẹ chăm nom? Ngày mới đón về chúng cũng xa lạ với tôi hệt như đám con của anh Ước và chị Mến xa lạ với ba chúng. Thành thử sao riêng tây được, khi chúng đều là con của những người lính, số phận đám trẻ này y hệt như số phận của đám trẻ kia”.

Chuyện lạ thứ 4

Chín người con của ông Ước bà Vân hiện nay như hình ảnh của một xã hội thu nhỏ. Có người làm bác sĩ, có người đã ra ngoài biên chế nhà nước, góp vốn làm ăn riêng, có ngư dân, có thợ sửa chữa đồ điện gia dụng, có cảnh sát, có sinh viên. Điều mà lân bang, xóm giềng thường ngợi ca hơn thế là cái tình, cái nghĩa, cái cung cách đám anh chị em cùng dâu rể ăn ở, đối xử với nhau.

Ông đại tá lưu ý tôi điều này: Cả chín người con ông bà không một ai ra nước ngoài đi học hay xuất cảnh lao động. Ông nói với tôi, với lý lịch của một gia đình 4 quân nhân, 2 liệt sĩ, lại có mối bang giao rộng, ông bà có thể xin cho cô này cậu kia lên đường xuất ngoại Nhưng ông bà đều chung một tâm nguyện, vì chiến tranh đám trẻ đã chịu thiệt thòi sống xa cha mẹ, xa nhau quá lâu ngày rồi, nay đi xa nữa chúng dễ thành… người thiên hạ!

Bố mẹ nghèo, con đông nhưng ông Ước và bà Vân cũng đã đạt tới cái đích tự vạch ra: tạo điều kiện cho cả 9 người con tốt nghiệp phổ thông trung học. Còn cô cậu nào vượt xa, vươn cao hơn nữa ông bà rất hoan nghênh. Gia đình ông bà nay đã có cả bác sĩ, kỹ sư và sinh viên chưa ra trường.

Bộ đội đặc công nước rừng Sác đã làm điên đầu bộ máy chỉ đạo chiến tranh của Mỹ - ngụy bởi những trận pháo kích kho xăng Nhà Bè, kho đạn ở Thành Tuy Hạ, khống chế tàu thuyền tiếp tế vũ khí, đạn dược của địch trên khúc sông nối giữa biển Vũng Tàu và Cảng Sài Gòn… Nơi đứng chân của Trung đoàn 10 là những cánh rừng đước ở vùng Cần Giờ - cách Sài Gòn một tiếng xe chạy, ấy thế mà kẻ thù không cách gì nhổ bật được lực lượng đặc công nước khỏi nơi này.

Nhưng cũng đã có hơn 800 cán bộ, chiến sĩ bộ đội rừng Sác anh dũng hy sinh. Trong ngôi nhà của ông Ước, bà Vân tại Biên Hòa dành hẳn một góc để lập bàn thờ hương khói đều đặn cho 800 liệt sĩ ấy. Suốt mấy chục năm sau chiến tranh, dù đang công tác hay đã nghỉ hưu, ông Ước đều dành hết tâm huyết và thời gian để nuôi giữ cho thật bền lâu mối kết bện thâm tình giữa các đồng đội năm xưa với nhau. Ông đi thăm hỏi những người đau bệnh. Ông đứng ra tổ chức phúng điếu, ma chay cho người chết. Ông dẫn đầu những đoàn truy tập hài cốt liệt sĩ. Đại tá Ước còn góp nhiều công sức, tâm lực, mồ hôi cố vấn cho hàng chục bộ phim, vở dựng; viết sách hồi ký, lập khu di tích căn cứ Trung đoàn 10 tại Khu du lịch sinh thái Cần Giờ; kêu gọi mọi người góp công góp sức xây dựng Khu tưởng niệm bộ đội đặc công nước rừng Sác ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai…

Qua năm 2010 tới đây, đại tá Lê Bá Ước sẽ bước sang tuổi tám mươi. Tuy không nói ra, nhưng mấy năm nay, thỉnh thoảng qua lại thăm ông, tôi nhận ra dáng đi, nuớc bước của ông đã trở nên chậm chạp, thận trọng; ánh mắt của ông bớt đi vẻ sắc sảo, tinh nhanh, giọng nói đã run run…

Một đêm khuya lắm ngồi lai rai trong khu vườn nhà ông, nghe có ai đó khen ông vì tất cả những gì ông đại tá đã làm để Trung đoàn 10 còn lưu đọng trong ký ức mọi người, ông Ước ắng lặng hồi lâu, sau thủng thẳng:

– Những việc ấy tôi không làm thì cũng có anh em khác đứng ra đảm trách. Điều về già nghiệm ra, mà cũng là điều tôi mừng nhất chính là ở chỗ mình đã gây dựng được một đại gia đình êm ấm, con cái biết yêu thương cha mẹ, chăm nom nhường nhịn nhau và nói chung là đều nên người. Các ông thử tưởng tượng xem, nếu chúng xì ke, tiêm chích, lêu lỏng, vô giáo dục, khinh thường cha mẹ, thử hỏi tôi và bà Vân có nhồi ấn những chuyện chiến đấu hào hùng của bộ đội rừng Sác vào đầu chúng thì cũng là chuyện nước đổ đầu vịt mà thôi!

Tô Hoàng

Tin cùng chuyên mục