>> Hơn 1.000 hồ ở Hà Nội đều ô nhiễm trầm trọng
>> Vụ cá chết tại hồ Linh Đàm, Hà Nội: Nguồn nước không bị ô nhiễm
>> Thủ tướng yêu cầu sớm làm rõ nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây
>>Loại trừ nguyên nhân thời tiết làm cá chết trắng Hồ Tây
UBND thành phố Hà Nội đã chính thức công bố 4 nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng cá chết chết hàng loạt tại một số hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua, đặc biệt là vào thời điểm đầu tháng 10-2016, lượng cá chết ở hồ Tây vớt được lên tới khoảng 200 tấn .
Nguyên nhân thứ nhất được các đơn vị chức năng xác định là do hầu hết hồ của Hà Nội là hồ điều hòa, vẫn còn nước thải chảy vào, gây nên hiện tượng tái ô nhiễm nước hồ. Thứ hai, thời tiết thay đổi dẫn tới thiếu oxy trong nước, hàm lượng DO thấp (DO là lượng oxy hòa tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của thủy sinh). Thứ ba, do ý thức người dân, vẫn xả thẳng rác thải và xả thải trái phép vào hồ. Thứ tư, do hiện tượng cho phép nuôi, thả cá kinh doanh làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hồ.
Cá chết nổi trắng Hồ Tây ngày 2-10-2016. Ảnh: T.L
Theo UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội hiện có hơn 117 ao hồ, đa số đều bị ô nhiễm bởi nước thải, trầm tích, bùn đáy; đặc biệt với các hồ lưu lượng nước thải chảy vào đã vượt quá khả năng tự làm sạch của các hồ gây ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ, kim loại nặng, vi sinh. Ngoài ra, xung quanh các hồ thường có nhiều hàng quán, gây mất vệ sinh môi trường. Tại nhiều nơi, việc đổ rác, phế thải xuống hồ còn khá phổ biến, làm thu hẹp diện tích mặt nước và gây ô nhiễm môi trường.
Kết quả quan trắc tại một số hồ nội thành do Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường Hà Nội thực hiện cho thấy, trong giai đoạn 20111 - 2016, chất lượng nước hồ tại các khu vực nội thành cũng đã và đang ô nhiễm, hầu hết các giá trị hàm lượng đều vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011-2015 và 3 tháng đầu năm 2016, trong số tất cả các hồ được lựa chọn để lấy mẫu quan trắc, đánh giá chất lượng nước hồ Giáp Bát và hồ Văn Quán có chất lượng nước kém nhất. Các hồ có chất lượng nước tốt hơn là hồ Thanh Nhàn 1, hồ Thanh Nhàn 2B và hồ Xã Đàn. Cũng theo kết quả quan trắc, ngoài Fe nằm trong giới hạn cho phép, các thông số còn lại đều vượt quy chuẩn; dầu mỡ khoáng trong giai đoạn 2015 - 2016 tăng cao hơn giai đoạn 2012- 2013 và vượt quy chuẩn nhiều lần.
Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2016, thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm 58 hồ trên địa bàn bằng chế phẩm Redoxy theo công nghệ của Đức và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này nhằm cải thiện chất lượng nước các hồ. Theo đó, các đơn vị chức năng và đơn vị được giao quản lý của Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý xả thải với các đơn vị kinh doanh quanh hồ; duy trì chất lượng nước tại các hồ đã xử lý ô nhiễm thành công; đẩy nhanh dự án cải tạo hồ (gồm cải tạo hệ thống thoát nước, thu gom, tách nước thải vào các sông, hồ); lắp đặt trạm quan sát tự động, kiểm soát chất lượng nước tại một số hồ (Hoàn Kiếm, hồ Tây); tập trung nguồn lực kể cả ngân sách thành phố, xã hội hóa và kêu gọi đầu tư từ nước ngoài cho việc xử lý ô nhiễm nước sông, hồ. Đặc biệt, thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng sống xung quanh hồ về bảo vệ môi trường hồ cũng như bảo vệ môi trường chung của thành phố…
TRẦN VŨ