Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, sáng 10-12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với sự tham gia của các nhân chứng lịch sử đã từng chiến đấu và bắn rơi máy bay B.52 trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972.
Tham gia tọa đàm có Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên phi công Đoàn Không quân Sao Đỏ; Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 57 - Sư đoàn Phòng không Hà Nội; Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng Đài ra đa P.35, Trung đoàn 291, Binh chủng Ra đa.
40 năm đã trôi qua nhưng những ngày tháng chiến đấu kiên cường, dũng cảm bảo vệ bình yên bầu trời Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức những người lính đã trực tiếp tham gia chiến dịch, được tái hiện lại qua các câu chuyện kể xúc động, những giải đáp cặn kẽ, thấu đáo về chiến thắng lịch sử này.
Trong 12 ngày đêm lịch sử cuối tháng chạp năm 1972, không quân Mỹ đã sử dụng tới hàng chục ngàn tấn bom rải thảm nhằm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Đây là chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích đường không có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới. Thế nhưng, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần mưu trí, dũng cảm tuyệt vời, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích, đánh bại cuộc tập kích chiến lược này, bắn rơi nhiều máy bay, trong đó có các “pháo đài bay” B.52, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút hết quân viễn chinh về nước, làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho cuộc kháng chiến của ta. Chiến thắng B.52 trên bầu trời thủ đô đã trở thành trận quyết chiến lịch sử, được mệnh danh là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, như một huyền thoại khẳng định tinh thần và ý chí của dân tộc Việt Nam trước những những cam go, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua.
Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm nên chiến thắng vĩ đại đó nhưng trước hết là quyết tâm lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Thứ hai là sự tiên đoán rất sớm của Bác Hồ, được quán triệt đến cán bộ chiến sĩ toàn Quân chủng Phòng không-Không quân, trở thành ý chí sắt đá, sáng tạo của quân và dân ta trong chiến dịch 12 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ ủng hộ, động viên của các nước, đặc biệt là Liên Xô về tên lửa, ra đa, không quân, cán bộ kỹ thuật cộng với tinh thần sáng tác trong tác chiến của quân và dân Việt Nam.
Theo Trung tướng Phạm Tuân, trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 B.52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật, trung bình mỗi đêm đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B.52, cao điểm lên đến 100 lượt B.52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ. Như vậy, bầu trời Hà Nội mỗi đêm có 200 - 300 máy bay. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với bộ đội không quân là khi đó, các sân bay chiến đấu của ta bị phá hủy rất nặng nề, phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, đòi hỏi không chỉ ý chí mà cả trí tuệ, sáng tạo, dự đoán, khắc phục được những phức tạp, khó khăn của tình hình. Ví như làm nhiều sân bay dự bị hoặc cất cánh trên đường băng phụ; thậm chí, máy bay phải đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, cất cánh trên đường băng chỉ 200m so với đường băng 1km thông thường.
Để có được điều kiện tốt nhất đánh B.52, theo Trung tướng Phạm Tuân, phải bao gồm tất cả nỗ lực, từ tổ chức chỉ huy, sân bay, cất cánh, dẫn đường và sự chủ động, khả năng phán đoán tình huống của phi công. Lực lượng Phòng không-Không quân đã đánh B.52 khi chúng còn cách xa Hà Nội, thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ mục tiêu, chặn máy bay ném bom phá hoại, âm mưu san phẳng Hà Nội. Nhớ lại thời điểm bắn rơi B.52, Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ: “Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa”.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt tự hào nhớ lại: Trong thời điểm đó, ta chỉ được trang bị tên lửa SAM 2, loại vũ khí mà theo đánh giá của đối phương thì không có khả năng đánh được B.52 nhưng thực tế thì ngược lại. Với sự hỗ trợ của chuyên gia kỹ thuật Liên Xô, bộ đội tên lửa đã cải tiến, nâng công suất, khắc phục được hạn chế nhiễu rơi vào rãnh đạn quá nặng. Đầu đạn tên lửa SAM 2 năm 1965 chỉ văng mảnh khoảng 1.200 mảnh, năm 1972 được cải tiến nổ phá văng được 3.200 mảnh.
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, một điều kỳ diệu nữa là khả năng phát hiện, phân biệt nhiễu B.52 của bộ đội tên lửa qua những kinh nghiệm được rút ra từ năm 1965, 1967. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phát hiện ra B.52, Đại tá Nghiêm Đình Tích đã cho biết rõ hơn về những hoạt động của bộ đội ra đa trong thực hiện nhiệm vụ này, đối phó với tác chiến điện tử của không quân Mỹ. Bộ đội ra đa phòng không đã không để Tổ quốc bị bất ngờ, tạo điều kiện cho chỉ huy và các binh chủng bắn rơi 34 B.52 và giành thắng lợi to lớn.
40 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn in đậm trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam - một chiến thắng được tạo nên bởi tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường của quân và dân ta.
Th. Hà - TTX
- Thông tin liên quan: