
Cách nay tròn 4 thập kỷ, có phong trào chống quân dịch “Hãy cứu con em của chúng ta” (Save our sons- SOS), là một trong những phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của 5 nữ chiến sĩ vì hòa bình, những nhà hoạt động xã hội ở Australia. SOS được nhiều người biết đến như là một trong những nhóm chống chiến tranh tích cực và mạnh mẽ trên đất nước Australia.

Chị Jean McLean (giữa), cạnh con gái và những người bạn Fairlea five trong một cuộc biểu tình ở Australia.
Người khởi xướng và sáng lập phong trào chống quân dịch, phản đối sự tham gia của Australia vào cuộc chiến tranh Việt Nam đó là chị Jean McLean, người phụ nữ xinh đẹp với mái tóc vàng quyến rũ cùng với những người bạn đồng chí hướng được biết đến dưới tên “Fairlea five”, đó là Jean McLean, Joan Coxsedge, Irene Miller, Chris Cathie và Jo McLain Cross.
Các chị tham gia phong trào từ năm 1965 đến 1972; trong những năm đấu tranh dai dẳng đó, các chị thể hiện ý chí kiên định, không sợ tù đày, đàn áp của chính quyền, chống lại sự cấu kết của chính quyền phái hữu với Mỹ. Vào tháng 4-1971, các chị bị chính quyền bắt giam 2 tuần vì tội kêu gọi thanh niên không đăng ký đi quân dịch.
Trong cuộc chiến đấu gian khổ và thầm lặng đó, có lúc các chị bị các thế lực xúc phạm, kể cả lăng mạ và chế giễu nhưng vẫn không lung lay được ý chí ngoan cường và lòng dũng cảm của các chị. Hình ảnh sống động trong các cuộc biểu tình phản kháng ở Melbourne (Australia) hầu như không bao giờ thiếu vắng các chị, dù bị các thế lực chính trị hùng mạnh đàn áp, tấn công nhưng các chị vẫn ngẩng cao đầu luôn tiên phong trong các chiến dịch chống bắt lính.
Thật cảm động khi nhóm Fairlea five tham gia biểu tình năm 1971 còn có cả cô con gái thứ hai của chị Jean McLean, lúc đó khoảng 4 tuổi, mang theo biểu ngữ “Mẹ chúng tôi không phải là kẻ phạm tội”(Our mothers are not criminals).
Ba mươi năm sau, nghe lời mẹ kể, cô gái Rebecca McLean đã biên tập và dựng lại bộ phim tài liệu viết về phong trào “Hãy cứu con em của chúng ta”. Tuy ra đời có muộn, nhưng tư liệu này đã ghi lại một chương ít được biết đến trong lịch sử đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ xã hội của phụ nữ Australia. Những thước phim này đã được Đài Truyền hình Việt Nam giới thiệu với công chúng về hoạt động của các chị.

Đồng chí Trần Văn Tạo, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TPHCM, tiếp đoàn phụ nữ phản chiến Australia, tháng 3-2001.
Sau đó các chị vẫn tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp hòa bình, đoàn kết và hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Năm 1972, chị Jean McLean đã chính thức trở thành người nối nhịp cầu hữu nghị giữa nhân dân hai nước Australia và Việt Nam. Với cương vị Chủ tịch Hội Australia – Việt Nam (Australia-Vietnam Society), chị đã vận động các tầng lớp nhân dân, chính giới tiến bộ ở Australia ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đã tổ chức mời đoàn sinh viên giải phóng sang thăm Australia gặp gỡ giao lưu để tuyên truyền, giải thích, vận động giới sinh viên và nhân dân tiến bộ Australia hiểu về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Và cũng trong những năm chiến tranh ác liệt đó, chị đã thăm miền Bắc để tìm hiểu về đất nước mà các chị đang đấu tranh và hết lòng ủng hộ.
Cũng vào những năm tháng chiến tranh ở Việt Nam còn có rất nhiều bạn bè yêu chuộng hòa bình ở Australia tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, trong đó có chị Maderith Buckman, lúc đó là sinh viên trường đại học Sydney tham gia đoàn biểu tình và từng bị cảnh sát bắt, giam giữ đến 10 lần vì tội vận động người có lương tri phản đối chiến tranh, kêu gọi Chính phủ Australia không nên dính líu vào cuộc chiến ở Việt Nam.
Sau khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, nhóm Fairlea five tiếp tục tham gia phong trào hòa bình. Trong nhóm có chị Jean McLean, chị Joan Coxseddge là nghị sĩ Quốc hội bang Victoria trong nhiều năm - các chị là nhân tố nòng cốt góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng người Việt Nam sống trên đất nước Australia, cũng như xúc tác để bạn bè Australia hiểu về con đường phát triển của Việt Nam.
Chị Jean McLean tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội Australia – Việt Nam trong 26 năm tiếp theo. Với những đóng góp quý báu đó, chị đã được nhà nước ta trao tặng Huân chương Hữu nghị. Trong chuyến thăm Việt Nam của đoàn Fairlea vào tháng 3-2001, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng 5 chị Huy chương “Vì sự nghiệp hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”.
Chiến tranh đã đi qua, những thắng lợi của phong trào “Hãy cứu con em của chúng ta” của các nữ chiến sĩ hòa bình năm xưa vẫn mãi là nguồn cổ vũ và động viên to lớn đối với nhân dân ta, góp thêm sức mạnh cho mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ. Tất cả những hình ảnh sinh động đó giống như một huyền thoại, một minh chứng sống động như đang khơi dậy suối nguồn tiềm ẩn về mối quan hệ tình cảm hữu nghị trong sáng thủy chung trong tâm khảm của phụ nữ, của các tầng lớp nhân dân dân Australia cùng bạn bè quốc tế đối với nhân dân Việt Nam.
Ths. NGUYỄN THỊ MỸ TIÊN
Tổng thư ký Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM