Đúng như mong chờ của dư luận, ngày 22-12, Thượng nghị sĩ bang Massachusetts, cựu ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ năm 2004 John Kerry đã được Tổng thống Barack Obama chỉ định thay bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ ở nhiệm kỳ hai của ông Obama.
Là người siêng năng, chăm chỉ, kiên nhẫn và thực dụng lại hiểu biết sâu rộng về chính sách đối ngoại trong thời gian làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ông Kerry thích hợp vào vị trí này nhằm đảm bảo sự liên tục trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, ông Kerry sẽ chính thức nhận vị trí quan trọng này trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Ông không thể đơn giản gật đầu ủng hộ giải pháp lập vùng cấm bay như ở Libya hay kêu gọi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức như khi ông còn là Thượng nghị sĩ. Michael O’Hanlon, chuyên gia cấp cao Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) đã có bài viết đăng trên tờ US Today phân tích về 5 thách thức mà Bộ Ngoại giao Mỹ và cá nhân Ngoại trưởng nước này phải đối mặt trong nhiệm kỳ tới.
Thứ nhất, cuộc chiến Syria đẫm máu và phức tạp hơn nhiều so với ở Libya. Hiện vẫn chưa rõ nước Mỹ phải can thiệp ở mức độ nào để giải quyết mớ bòng bong này, nhất là khi xét tầm quan trọng của Syria trong khu vực Trung Đông. Mô hình can thiệp giống Libya có thể không phù hợp cho quốc gia đông dân hơn nhiều này. Thứ hai, lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc thông qua chính sách “trở lại châu Á” đã đúng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama khi Bắc Kinh tỏ ra quá quyết đoán. Nhưng đã đến lúc phải bảo đảm rằng lập trường này không dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai.
Thứ ba, Tổng thống Vladimir Putin đã trở lại Điện Kremlin và tìm cách hợp tác trở lại với Putin sẽ khó khăn hơn nhiều so với thành công đầu tiên trong việc hàn gắn quan hệ Mỹ - Nga với cựu Tổng thống Dmitry Medvedev. Thứ tư, tại Iraq, nước Mỹ có thể đã thanh thản rút lui vì người Iraq đã lập ra được một nhà nước mạnh. Song ở Afghanistan, Washington cần phải tìm cách ở lại vì việc một nhà nước Afghanistan yếu tự tồn tại được vẫn là điều còn nhiều nghi vấn.
Thứ năm, khi nói đến vấn đề ngân sách, những người tiền nhiệm của Kerry như Colin Powell, Condoleezza Rice và Hillary Clinton đều không gặp phải bất kỳ khó khăn nào. Họ đã điều hành ngành ngoại giao Mỹ trong điều kiện chi tiêu ngân sách luôn tăng. Trong khi đó, ông Kerry sẽ phải bảo vệ những nhiệm vụ cốt lõi của ngành khi ngân sách bị cắt giảm.
Trên tất cả, đó là khả năng xảy ra một cuộc chiến với Iran. Tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran (có hoặc không có sự tham gia của Israel) sẽ là một quyết định khó khăn hơn nhiều so với các quyết định tăng gấp ba quân ở Afghanistan, sử dụng vũ lực lật đổ lãnh đạo Libya M. Gaddafi hay rút quân khỏi Iraq. Là một cựu chiến binh Việt Nam, dù cứng rắn nhưng biết rõ sự kinh hoàng của chiến tranh, John Kerry sẽ là một cố vấn quan trọng cho Tổng thống Obama đối với quyết định có tấn công Iran hay không trong 1 hoặc 2 năm tới.
Điều này có lẽ sẽ giúp ông tránh được những quyết định vội vàng, nhất là những quyết định liên quan đến mạng sống của những người dân vô tội.
KHÁNH MINH