Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014:
* Gợi ý bài giải môn tiếng Anh khối A1 và môn Hóa khối A
* Đáp án các môn Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh
(SGGPO). - Báo cáo về đợt thi 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 của Bộ GD-ĐT ngày 5-7 cho biết, số trường đại học tổ chức thi là 141 trường. Số thí sinh đến dự thi là 591.407, đạt tỷ lệ 77,04 %.
Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi không có sai sót, được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Các Hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời.
Đợt 1, trrên phạm vi cả nước, có 73 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó khiển trách: 22; cảnh cáo: 3; đình chỉ: 48; có 8 trường hợp đến muộn không được dự thi. Các Hội đồng thi diễn ra bình thường, không có hiện tượng gì đặc biệt, đảm bảo cho thí sinh đến dự thi ở tất cả điểm thi đúng quy định. Đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 diễn ra bình thường đảm bảo đúng quy định Quy chế.
Chiều 5-7, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố đáp án các môn thi toán, lý, hóa, tiếng Anh của đợt thi 1.
* Sáng nay, 5-7, thí sinh thi đại học đợt 1 kỳ tuyển sinh 2014 bước vào môn thi cuối cùng, theo đó thí sinh khối A thi môn thi Hóa; thí sinh khối A1 thi môn ngoại ngữ. Cả 2 môn thi đều bằng hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài thi kéo dài 90 phút. Như vậy thí sinh cả nước đã hoàn tất đợt 1 kỳ tuyển sinh ĐH- CĐ năm nay.
>> Gợi ý bài giải môn tiếng Anh khối A1
>> Gợi ý bài giải môn Hóa khối A
Sáng nay, sau trận mưa to từ đêm, thí sinh dự thi ở Hà Nội đã may mắn làm bài thi trong tiết trời rất mát mẻ. Về thi môn Hóa của thí sinh khối A, thí sinh Trần Văn Thanh, THPT Chương Mỹ A, Hà Nội dự thi vào Đại học Xây dựng cho biết, đề Hóa không quá khó. “Em học Hóa khá nhất trong 3 môn thi khối A nên em tự tin với bài làm của mình. Ít nhất em đạt 8 điểm, hoặc có thể hơn”, thí sinh Thanh vừa dò kết quả với bạn vừa cho biết. Thí sinh Trần Văn Tuấn (Hải Dương) dự thi vào ĐH Hà Nội cũng vui vẻ nhận xét, đề Hóa không khó, chỉ có 50 câu nên em làm không mất quá nhiều thời gian. “Đề thi chủ yếu là giải bài tập và 1 số câu lý thuyết. Chỉ có một vài câu làm em tính toán mất nhiều thời gian, em nghĩ mình phải làm đúng được trên 80%"-Tuấn tự tin.
Với đề tiếng Anh của các thí sinh khối A1, thí sinh Nguyễn Mạnh Cường, quê Hải Dương nhận xét đề năm nay khó hơn đề năm ngoái. “Nếu học chắc kiến thức sẽ không mất quá nhiều thời gian làm bài. Bản thân em mất 45 phút hoàn thành 80 câu trong bài làm của mình. Em tự tin đạt trên 9 điểm"-thí sinh Cường nói. Một số thí sinh nhận định, đối với học sinh có lực học trung bình, đề tiếng Anh cũng gây nhiều khó khăn. Đặc biệt, theo nhận xét của một số thí sinh, cách ra đề thi tiếng Anh năm nay lạ và hay. Đặc biệt, phần bài đọc có nội dung kiến thức về khoa học vật lý và hóa học. Đây chính là sự kết hợp vô cùng thú vị giữa khối A và khối D, “đúng chuẩn” với khối A1. Bởi thường các thí sinh thi khối A1 có lợi thế các môn khoa học tự nhiên nên kiến thức vật lý và hóa học xen kẽ khéo léo trong đề tiếng Anh tạo thuận lợi và hứng khởi cho thí sinh rất nhiều.
Đáng chú ý, với môn ngoại ngữ thi ĐH-CĐ năm nay, đề thi vẫn chỉ có phần trắc nghiệm như năm ngoái, không có phần viết như đề thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT vừa rồi. Bộ GD-ĐT cho biết sở dĩ chưa thay đổi cấu trúc đề thi ngoại ngữ ở kỳ thi ĐH-CĐ vì chưa thông báo cho học sinh để chuẩn bị.
Theo ghi nhận của phóng viên, ở một số điểm thi như ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông.. có khá nhiều thí sinh làm bài thi rất tệ 1 trong 3 môn Lý, Toán, Hóa. Lý do các thí sinh này có mục đích chính là thi vào đợt 2 với khối B, hoặc khối D, vì vậy các em thi đợt 1 khối A, A1 chỉ là để “tập dượt”. Nhiều thí sinh thi khối B thì tập dượt thi môn Toán, Hóa, vì thế môn Lý gần như trả lời câu hỏi trắc nghiệm kiểu hên xui; tương tự thí sinh thi khối D thì chủ yếu tập dượt thi môn Toán, Anh..
Đợt thi đại học thứ 2 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 8 đến 10-7.
| |
* Sáng nay, 5-7, tại cụm thi TPHCM hơn 215.000 thí sính bước vào thi môn Hóa (khối A) và Tiếng Anh (khối A1). Tình hình thời tiết và giao thông trong sáng nay cũng khá thuận lợi cho thí sinh đi thi.
Tại các điểm thi sáng nay tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Điểm thi nóng nhất, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM có hơn 10.000 thí sinh dự thi ngay từ 5 giờ sáng lực lượng CSGT Quận Gò Vấp, Công an phường 4, lực lượng dân phòng và đội trật tự của trường này đã được bố trí nhằm phân luồng và đảm bảo an toàn cho thí sinh đi thi.
Tại điểm thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng (Quận 7), sau khi Ban chỉ đạo tuyển sinh nhắc nhở, sáng nay hội đồng tuyển sinh của trường đã cho dừng thi công công trình sát với phòng thi nhằm đảm bảo yên tĩnh cho thí sinh làm bài. Những phòng thi ghép cũng được tăng cường cán bộ coi thi.
* Trưa 5-7, Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế cho biết, tình hình tại 23 điểm thi tuyển sinh trong buổi thi thứ ba của đợt 1 diễn ra an toàn, đúng quy chế. 1 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi; không có thí sinh nào bị khiển trách hoặc cảnh cáo. Theo ghi nhận, thời tiết trong ngày nóng nực khiến nhiều thí sinh thi tuyển vào ĐH Huế khá mệt mỏi.
Trong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh, ĐH Huế là đơn vị có tỷ lệ thí sinh dự thi vào loại cao trong cả nước với 17.478 thí sinh đã đến dự thi, chiếm tỷ lệ gần 85% so với hồ sơ đã đăng ký và giảm 71 thí sinh so với buổi thi đầu tiên (buổi thi đầu có 17.549 thí sinh đến dự thi). Khối V vẫn dẫn đầu về số thí sinh dự thi với tỷ lệ gần 92%; khối A1: gần 90% và khối A: trên 83%.
Phan Thảo - Thanh Hùng- Văn Thắng
____________________________
Nhận xét
Đề thi tiếng Anh có tính phân hóa
Nói chung, đề thi môn Tiếng Anh dành cho khối A1 năm 2014 về cấu trúc vẫn như cũ không thay đổi, giúp thí sinh quen thuộc để làm bài tốt. Nội dung của đề rất phù hợp để phân hóa học sinh. Với đề thi năm nay, thí sinh học lực trung bình, khá về môn Tiếng Anh có thể đạt được 6 điểm.
Phần từ vựng: cấp độ từ sử dụng vừa phải, có giới hạn. Tuy nhiên trong hai bài văn đọc hiểu với đề tài khoa học (về tính dẫn điện và kính viễn vọng) nên thí sinh phải đọc và đoán với số từ mới ít khi gặp hoặc không gặp trong các bài văn đọc hiểu của chương trình 12.
Phần ngữ pháp: các điểm ngữ pháp kiểm tra trong đề thi khá đầy đủ so với chương trình học Anh văn phổ thông và ở mức độ tương đối khó (dạng câu bị động, câu điều kiện, thì của động từ, cấu trúc câu kết quả, câu giả định, mệnh đề danh từ, câu so sánh kép).
Phần ngữ âm: phần kiểm tra trọng âm của từ tương đối dễ vì số từ trong phần này là những từ vựng thông dụng.
Phần chọn lỗi sai: có 3 dạng sai được đưa vào đó là sai do dư (câu 47 & 48 mã đề 596); câu sai do cấu trúc (câu 46 & 50 mã đề 596); câu sai do sử dụng từ (câu 49 mã đề 596). Nhìn chung những lỗi sai này đòi hỏi thí sinh ở trình độ khá giỏi mới nhận ra.
Phần đọc hiểu trả lời câu hỏi: hai bài văn khoa học như đã nói trên đòi hỏi học sinh có kiến thức khoa học tốt mới có thể có câu trả lời đúng.
Phần đọc hiểu điền vào chỗ trống: với đề tài tương đối dễ là tình trạng thiếu ngủ của tuổi thanh thiếu niên, thí sinh không khó khăn trong việc hiểu ý bài để chọn câu trả lời. Ở đây có 2 điểm ngữ pháp được nêu ra (câu 64 & 69 mã đề 596) thì khó, một kiểm tra về cấu trúc câu tương phản trực tiếp (strong opposition) và một là về mẫu câu chẻ (cleft sentence). Số câu còn lại trong bài là kiểm tra về từ tương đối rõ ràng giúp học sinh có thể chọn lựa tốt.
Lê Thị Thanh Xuân (Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TPHCM)
_____________________
Đề thi Hóa độ khó tăng 1,25 lần
Đề thi môn Hóa năm nay cũng giống môn Lý là không còn phần tự chọn. Như vậy đã kết hợp phần giao giữa cơ bản và nâng cao. Tỷ lệ lý thuyết và bài tập là 50%. Đề thi năm nay so với các đề thi năm trước độ khó tăng 1,25 lần.
Phần lý thuyết: Học sinh phải học kỹ và có lý luận để tìm đáp án đúng, có những hình vẽ để minh họa cho thí nghiệm như câu 32, 50 mà các năm trước không hề có để minh chứng Hóa học là một môn thực nghiệm không thể giải quyết bằng toán học.
Phần bài tập: Có những câu rất khó như: câu 6, 23, 30, 31, 33, 39 (mã đề 596) Muốn giải các loại câu này học sinh phải mày mò rất nhiều, các phép tính cho các bài này đều phức tạp.
Dự đoán số học sinh giải hoàn chỉnh với năng lực của mình chỉ vào khoảng 70%, học sinh khá giỏi có thể đạt được đến 90%. Phần còn lại học sinh chọn theo xác suất may rủi, điều đó có nghĩa là điểm 10 năm nay rất khó.
Đặng Văn Thành (Trung Tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TPHCM)
_________________________________
Bên lề
Những thí sinh “tí hon” dự thi Đại học
Đó là trường hợp thí sinh Nguyễn Trung Hiếu (Hải Dương), thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Hiếu chỉ cao 1,28m và sở hữu khuôn mặt rất giống trẻ con. Hiếu tâm sự, bản thân bị khuyết tật bẩm sinh nên những năm đầu tiểu học, Hiếu đã từng mặc cảm với mọi người xung quanh và từng có ý định bỏ học. Năm nay, Hiếu thi vào vào ngành CNTT, hai môn Toán và Lý em hoàn thành được 50-60%. Mong muốn của em là học thật giỏi, phấn đấu trở thành những hiệp sĩ CNTT.
Một trường hợp tương tự là thí sinh Nguyễn Thị Quỳnh Như (Long An), dự thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM). Bố của thí sinh này cho biết, từ khi sinh ra, Như đã xác định mắc bệnh lùn tuyến yên khiến tay chân phát triển không lành lặn, em chỉ cao khoảng 1,2m. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em được xét miễn thi. Đợt này, Như đăng ký thi vào ngành Xã hội học. Ước mơ của em là sau khi ra trường có thể làm được những việc hỗ trợ được cho các bạn cùng cảnh ngộ.
Thí sinh khiếm thị mê Vật Lý
Hội đồng thi chính của Trường ĐH Sư phạm TPHCM ghi nhận một thí sinh đặc biệt: Dù khiếm thị và được hưởng chế độ tuyển thẳng, thí sinh này vẫn quyết tâm thi vào ngành Sư phạm Vật lý của trường. Đó là thí sinh Nguyễn Lê Gia Hỷ, học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận Tân Bình).
Hỷ tâm sự, lúc 5 tuổi bị té cầu thang, khiến mắt em mờ đục và mất đi ánh sáng. Dù có khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng Hỷ quyết tâm cố gắng học giỏi. Khi rảnh rỗi, em vẫn thường lên mạng để học thêm các kiến thức Vật Lý. Đến kỳ thi ĐH-CĐ năm nay, Hỷ đăng ký dự thi ngành Sư phạm Vật vừa thỏa đam mê bản thân, vừa để thử sức mình.
Được biết, trong buổi thi môn Toán, Hỷ được một giám thị ở bên cạnh hỗ trợ phần đọc đề để em viết bài trên giấy thi chữ nổi (dành riêng cho người khiếm thị). Còn hai môn trắc nghiệm (Vật lý và Hóa học), giám thị đọc từng câu để Hỷ chọn đáp án. Tất cả các bài thi của em đều được chuyển sang trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để dịch sang ngôn ngữ và được chấm thi như các thí sinh bình thường khác.
Được biết, Hỷ cũng vừa được Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) tuyển thẳng vào ngành Ngôn ngữ Anh.
Thí sinh “khổng lồ”
Thí sinh Đoàn Nhựt Nam (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) được các bạn bè gọi vui là thí sinh “khổng lồ” nhờ chiều cao đến 2m. Mẹ Nam cho biết từ nhỏ,em bị rối loạn tuyến yên nên đã có chiều cao vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa. Năm nay, Nam thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM. Cả ba môn Toán, Lý, Hóa em làm bài khá tốt.
Tường Hân
>> Ngày đầu tiên thi ĐH-CĐ đợt 1 năm 2014: Xuất hiện nhiều sự cố
>> Đề Lý mang tính phân loại cao