Điều chỉnh cấu trúc đề kỳ thi riêng
Năm 2025, kỳ thi riêng của các ĐH, trường ĐH tổ chức sẽ có sự điều chỉnh về đề thi để phù hợp cho thí sinh đầu tiên của Chương trình GDPT 2018. Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), Hội đồng Tuyển sinh đang chuẩn bị để có thể công bố sớm nhất thông tin chính thức về kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) từ năm 2025.
Kỳ thi sẽ có điều chỉnh về cấu trúc đề thi để phù hợp với sự thay đổi của chương trình GDPT mới. Cụ thể, cấu trúc đề thi ĐGNL từ năm 2025 gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề. Sự điều chỉnh cấu trúc đề thi nằm ở phần 3 khi cho phép thí sinh lựa chọn ngẫu nhiên 3 trong 6 nhóm lĩnh vực kiến thức, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật.
“So với cấu trúc bài thi ĐGNL năm 2024 trở về trước, cấu trúc bài thi từ năm 2025 có 2 điểm mới. Thứ nhất là sự xuất hiện của nhóm lĩnh vực mới trong chương trình GDPT năm 2018 liên quan đến giáo dục kinh tế và pháp luật. Thứ hai, thí sinh được lựa chọn môn thi thay vì bắt buộc trả lời tất cả câu hỏi trong phần 3 như bài thi cũ. Điều chỉnh này sẽ kéo theo thay đổi trong cách thức xét tuyển các trường ĐH từ kết quả kỳ thi này năm 2025”, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố đề thi tham khảo kỳ thi ĐGNL năm 2025. Theo Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, đề tham khảo được thiết kế phục vụ học sinh theo học Chương trình GDPT mới từ năm 2025 gồm 2 phần thi bắt buộc và 1 phần lựa chọn.
Theo đó, 2 phần thi bắt buộc gồm: 50 câu hỏi toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi văn học - ngôn ngữ. Phần thi lựa chọn, cho phép thí sinh lựa chọn khoa học hoặc tiếng Anh. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi khoa học.
Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ. Điểm mới trong cấu trúc đề thi ĐGNL năm 2025 là bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển ĐGNL thí sinh từ cấp độ thấp đến cao theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực.
Trong khi đó, kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng có những thay đổi quan trọng về dạng thức câu hỏi. Nội dung đánh giá năng lực sẽ bám sát chương trình GDPT 2018. Trong đó, phần nội dung kiến thức chương trình lớp 12 chiếm tỷ lệ 70% - 80%, còn lại là nội dung kiến thức chương trình lớp 10, 11. Cấu trúc đề thi năm 2025 có nhiều điểm mới. Cụ thể là thêm 2 dạng thức câu hỏi mới: câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn có nhiều hơn 1 phương án đúng và dạng thức câu hỏi khai thác dữ liệu dùng chung.
Khẩn trương xây dựng quy chế tuyển sinh mới
Mới đây, tại hội nghị giáo dục đại học năm 2024 do Bộ GD-ĐT tổ chức, đại diện nhiều trường ĐH kiến nghị bộ nên sớm ban hành quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 để các trường có cơ sở pháp lý công bố đề án tuyển sinh cho thí sinh nắm rõ. Trước những kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) khẩn trương phối hợp để sớm có dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH để hướng dẫn theo tinh thần đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng cũng như công bằng cho thí sinh.
Thay đổi tổ hợp xét tuyển
Theo đại diện các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2025 vẫn định hướng giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm trước. Theo đó, các trường xét tuyển theo nhiều phương thức mà chủ đạo là từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TPHCM. Việc này nhằm tránh xáo trộn, ảnh hưởng đến việc đăng ký xét tuyển của thí sinh. Riêng phương thức xét điểm thi ĐGNL, ở mỗi trường sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với định hướng thay đổi từ cấu trúc của bài thi từ năm 2025.
Ví dụ như, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, định hướng của trường khi xét tuyển kết quả bài thi này cũng dự kiến cho phép thí sinh lựa chọn 3 môn thi thế mạnh bất kỳ để đạt điểm cao nhất khi xét tuyển vào trường. Trường dự kiến không giới hạn việc xét tuyển thí sinh chỉ dự thi nhóm môn thi liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội khi xét tuyển phương thức này. Thí sinh có thể lựa chọn môn thi có thế mạnh nhất để dự thi lấy kết quả xét tuyển vào trường.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã ban hành thông báo phương thức tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Theo đó, trường đưa ra 6 phương thức xét, trong đó có phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng là một trong những trường công bố sớm nhất phương hướng tuyển sinh ĐH chính quy 2025.
Theo đó, trường giữ ổn định phương thức xét tuyển nhưng điều chỉnh chỉ tiêu từng phương thức. Trong đó, điểm thi tốt nghiệp THPT sử dụng 2 phương thức: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của môn Toán và 1 môn khác không phải tiếng Anh (phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh).
Theo ThS Lê Phan Quốc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM, định hướng của trường là nghiên cứu, rà soát lại các phương thức cho phù hợp với từng ngành chứ không áp đặt giống nhau cho tất cả các ngành. Quan trọng không kém là việc rà soát, điều chỉnh tổ hợp trong các phương thức có sử dụng tổ hợp để phù hợp với các môn học trong chương trình THPT của học sinh (môn bắt buộc, môn tự chọn) và các môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án thi Bộ GD-ĐT đã ban hành.
Ngoài các tổ hợp truyền thống, trường sẽ có bổ sung tổ hợp phù hợp với các bài thi tự chọn mới như: Tin học, Công nghệ. Tinh thần chung mỗi tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn, trong đó bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn.
Dựa theo môn học ở chương trình GDPT mới, Trường ĐH Nha Trang công bố danh mục 36 tổ hợp môn học tương ứng. Theo đó, tùy ngành học sẽ ứng với nhóm môn học khác nhau từ 2-5 môn học. Trên cơ sở nhóm môn học, trường sẽ xây dựng các tổ hợp xét tuyển cụ thể trong phương án tuyển sinh chi tiết.
TS NGUYỄN TRUNG NHÂN, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM: Xét tuyển đại học gắn chặt với kỳ thi tốt nghiệp
Công tác xét tuyển ĐH của các trường hiện không thể tách rời với kỳ thi tốt nghiệp THPT (kết quả kỳ thi) và quá trình học THPT (kết quả học bạ). Do đó, năm 2025 kỳ thi tốt nghiệp theo chương trình GDPT mới với sự thay đổi các môn thi (môn thi tự chọn) thì chắc chắn các tổ hợp xét tuyển của các trường phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Điều dễ nhận thấy là dù phương thức xét tuyển ổn định nhưng các tổ hợp xét tuyển mới sẽ tăng lên do phải bổ sung thêm các môn học của chương trình GDPT. Tuy nhiên, hiện các trường ĐH cũng đang chờ quy chế tuyển sinh đại học mới do Bộ GD-ĐT ban hành để chốt những điều chỉnh, thay đổi trong công tác tuyển sinh đại học năm 2025.
TS NGUYỄN QUỐC ANH, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TPHCM: Thí sinh, các trường ĐH đều chờ Bộ GD-ĐT
Không chỉ các trường ĐH mà thí sinh đang học lớp 12 ở các trường THPT cũng nóng lòng chờ những thông tin chính thức về việc xét tuyển ĐH như thế nào cho các tổ hợp theo chương trình GDPT mới. Ngoài ra, theo thông tin từ các hội nghị liên quan đến giáo dục ĐH trước đây thì năm nay việc xét tuyển sớm cũng sẽ có điều chỉnh. Do đó, công tác tuyển sinh của các trường ĐH sẽ có thay đổi nhất định. Tuy nhiên, tất cả vẫn chờ quy chế từ Bộ GD-ĐT và thông tin hướng dẫn chi tiết về công tác tuyển sinh để các trường làm căn cứ xây dựng đề án tuyển sinh mới cho năm 2025. Do đó, Bộ GD-ĐT nên sớm ban hành quy chế tuyển sinh mới để các trường ĐH chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2025.