6 bước đi đến thành công

Nói đến kiwi, người tiêu dùng thế giới đều nghĩ đến đất nước New Zealand, nhưng ít có ai biết rằng, nguồn gốc của loại trái này là từ Trung Quốc với tên gọi quả lý gai.

Sau năm 1904, hạt giống này được mang đến trồng ở New Zealand. Năm 1958, tên kiwi chính thức được gọi cho loại trái này. Được biết, Kiwi là loài chim biểu tượng của New Zealand. New Zealand cũng không phải là đất nước duy nhất trồng và xuất khẩu Kiwi mà còn có Italy và Trung Quốc... Nhưng trái kiwi của New Zealand chiếm lĩnh thị trường trái cây cao cấp với giá bán cao nhất. 

Trước đây, giống kiwi Hayward vốn được phát triển ở New Zealand, nhưng nông dân đã trồng thương phẩm giống này trước khi thực hiện các biện pháp bảo vệ giống. Khi giống này tham gia thương mại tự do toàn cầu, diện tích trồng được mở rộng ở nhiều quốc gia nên cạnh tranh trở lại với trái kiwi của New Zealand khi bên tạo giống ban đầu không nhận lại được bất kỳ lợi nhuận nào từ sự phát triển và cạnh tranh này. Ngày nay, thông qua Quyền của cơ sở tạo giống cây và hành lang pháp lý về nhãn hiệu có hiệu lực trên toàn cầu, ngành kiwi của New Zealand có thể bảo vệ được các khoản đầu tư và quyền hợp pháp của mình trên các giống kiwi chất lượng cao - kiwi Zespri. Những cơ chế này giúp bên sở hữu giống cây được bảo hộ có thể kiểm soát quy trình sản xuất (thông qua việc cấp phép cho các cơ sở sản xuất), tự tin triển khai và điều phối các chương trình marketing quốc tế toàn diện cho các giống cây trồng mới. 

Theo số liệu từ Đại sứ quán New Zealand, năm 2018, lợi nhuận cho nông dân trên mỗi khay kiwi Zespri™ Gold, giống của Viện Nghiên cứu thực phẩm và cây trồng New Zealand cao hơn kiwi Hayward khoảng 27%. Lợi nhuận theo diện tích cho người trồng kiwi Zespri™ Gold cao hơn kiwi Hayward đến 90%. Tương tự, tại những thị trường trọng điểm như Mỹ và châu Á, giá bán táo Envy™ có thể cao hơn các giống táo thông thường đến 80%. - 90%. 

Từ đó, New Zealand rút ra 6 bước thành công cho một giống cây mới: đầu tiên là giống cây mới có chất lượng cao vượt trội so với giống hiện có trên thị trường, đáp ứng được nhu cầu trong sản xuất và sau thu hoạch cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Hai là, bảo vệ hợp pháp giống cây đó thông qua nhãn hiệu và quyền giống cây (Nghiệp đoàn Quốc tế về bảo vệ giống cây mới - UPOV); đảm bảo có cơ chế thực thi các quy định này. Ba là, triển khai các hệ thống sản xuất và sau thu hoạch bền vững, tối ưu hóa: Sản lượng và chất lượng từ khâu trồng, tập huấn kỹ thuật, phân bón, tưới tiêu, quản lý sâu và bệnh phù hợp với môi trường và loại cây trồng. Bảo quản sau thu hoạch và thời gian sử dụng (các hệ thống quản lý nhiệt độ, đóng gói, kiểm soát bệnh và vận chuyển hiệu quả); an toàn thực phẩm (sử dụng chế phẩm nông nghiệp, vệ sinh, nước sạch cho tưới và rửa, an ninh trong suốt chuỗi cung ứng ở trang trại và cơ sở sơ chế); an toàn vệ sinh môi trường. Bốn là, áp dụng các hệ thống kiểm soát chất lượng, bảo hiểm và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt. Năm là, am hiểu và đáp ứng được yêu cầu của các thị trường mục tiêu. Sáu là, am hiểu người tiêu dùng mục tiêu để xây dựng và triển khai chiến lược thương hiệu, marketing và phân phối hiệu quả. 

Nhận thấy tiềm năng và những điểm trùng hợp thú vị của trái thanh long (nguồn gốc từ Nam Mỹ nhưng thế giới biết đến khi Việt Nam xuất khẩu) với trái kiwi, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, cho biết, đó là lý do New Zealand chọn thanh long làm trái cây đầu tiên để thực hiện Dự án phát triển giống trái cây cao cấp từ năm 2103. Dự án nhằm phát triển kinh doanh bền vững thông qua việc tạo ra, sản xuất có kiểm soát và thương mại hóa giống thanh long cao cấp của Việt Nam. New Zealand cũng đang thực hiện dự án kỹ thuật tăng năng suất và chất lượng cho trái bơ của Việt Nam với kỳ vọng giúp trái bơ giá trị cao hơn nhờ cải thiện chuỗi cung ứng để tăng cơ hội xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục