Xuất bản phẩm không thông qua nhà xuất bản, nạn in lậu, in trái phép, vi phạm quyền tác giả diễn ra phổ biến; tình trạng phát hành xuất bản phẩm nội dung cấm, mê tín dị đoan vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời và triệt để gây bức xúc dư luận xã hội… Đó là những hạn chế, tồn tại của ngành xuất bản được đưa ra mổ xẻ trong hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Luật Xuất bản do Bộ Thông tin truyền thông tổ chức ngày 12-10 tại Hà Nội.
Liên kết xuất bản vượt tầm kiểm soát
Theo đánh giá của Bộ Thông tin truyền thông, qua 6 năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những ưu điểm đã nảy sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn. Vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản đang vượt khỏi tầm kiểm soát của của chính các nhà xuất bản cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là tình trạng nhiều nhà xuất bản yếu năng lực dẫn tới việc buông lỏng quản lý, không tuân thủ đúng quy trình biên tập và đọc duyệt bản thảo, duyệt phát hành, không thể giám sát đối tác liên kết, thậm chí phó thác hoàn toàn sản phẩm liên kết cho đối tác quyết định. Đã xuất hiện trường hợp NXB có tới 9/10 xuất bản phẩm được thực hiện theo hình thức này và sai phạm xảy ra thường do liên kết.
Dẫn chứng cho hiện tượng này, ông Nguyễn Đức Hùng, đại diện nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cho biết, thực tế đã có trường hợp nhà xuất bản “bán” giấy phép cho đối tượng liên kết chỉ với giá “bèo” 300.000 đồng. Số tiền này, theo ông, thậm chí không thể bù đắp được phần chi trả cho việc biên tập chứ chưa kể các hoạt động liên quan khác. Cũng chính vì sự “tự hạ thấp” của một số nhà xuất bản đã khiến đối tác liên kết lạm quyền, tự tung tự tác, không nghiêm túc thực hiện cam kết trong hợp đồng như tự tăng số lượng in, thay đổi tên và nội dung bản thảo, không nộp lưu chiểu.
Cũng chính từ thực trạng này mà đề xuất phương thức linh hoạt trong chế định hậu kiểm, lưu chiểu xuất bản phẩm cho phù hợp với thực tế cũng được đưa ra. Theo đó, cùng với việc một số loại xuất bản phẩm như truyện tranh, chuyên đề định kỳ nên điều chỉnh thời hạn nộp lưu chiểu ngắn hơn (theo quy định là 10 ngày trước khi phát hành) thì việc sửa đổi luật trong thời gian tới cũng nên đưa thêm vào chi tiết: xử lý xuất bản phẩm lưu chiểu có sai phạm nội dung tại bất cứ thời điểm nào phát hiện sai phạm. Việc làm này được đánh giá là khá thực tế vì không chỉ tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản kịp thời đưa ấn phẩm đến với người đọc mà còn nâng cao ý thức tự kiểm duyệt của các nhà xuất bản trước tình trạng thiếu trầm trọng nhân lực đọc kiểm tra nội dung trong khi các đầu sách liên tục tăng lên mỗi năm.
Quy định về trần chiết khấu?
Để ngăn chặn tình trạng “xóa sổ” dần hệ thống cửa hàng, hiệu sách cấp huyện, xã ở nhiều địa phương do nhận thức về hoạt động xuất bản chưa đầy đủ đồng thời bảo hộ hoạt động của các nhà xuất bản cũng như đảm bảo quyền lợi của người đọc sách, ông Nguyễn Đức Hùng cũng đề xuất việc cần phải quy định trần chiết khấu trong phát hành.
Theo ông Hùng, hiện nay, thị trường sách có một cuộc chạy đua không lành mạnh về mức giá chiết khấu. Trong khi các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành sách Nhà nước chỉ đưa ra mức chiết khấu cho người bán từ 22-26% giá bìa thì một số nhà sách tư nhân đã lũng đoạn thị trường bằng cách đưa ra có số “khủng” lên tới 50-60%. Để có thể đưa ra mức hoa hồng lớn như vậy trong cuộc đua phát hành, nhiều hiện tượng lập lờ tăng giá bìa để trừ chiết khấu cao hay in nối bản, in lậu… cũng đã xuất hiện gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các nhà xuất bản.
Việc xuất hiện hình thức xuất bản phẩm sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong thời công nghệ thông tin phát triển ngày càng nhanh hiện nay cũng đòi hỏi có những hướng dẫn, quy định chi tiết để tránh xảy ra các hiện tượng biến tướng. Xoay quanh vấn đề này, ông Lưu Xuân Lý, Giám đốc nhà xuất bản Văn hóa dân tộc cho rằng, chỉ trong vòng 10 năm mà Luật Xuất bản đã bổ sung, sửa chữa đến 3 lần. Điều đó chứng tỏ quá trình xây dựng luật đã không có được tầm nhìn bao quát, không theo kịp tốc độ phát triển của ngành và đó cũng chính là lý do làm cho đối tượng chịu ảnh hưởng của Luật này là các nhà xuất bản luôn ở trong trạng thái loay hoay.
Liên quan tới trách nhiệm của đối tác liên kết, nếu trong luật trước đây chỉ quy định ở mức độ liên đới mà chưa có quy định cụ thể, chi tiết nên khó phân xử khi có sai phạm xảy ra thì nay, trong qua trình nghiên cứu, sửa đổi luật, nhiều ý kiến hướng tới việc quy định rõ trách nhiệm đối tượng liên kết phải ngang bằng với nhà xuất bản khi có xuất bản phẩm vi phạm. |
Vĩnh Xuân