Về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

6 nhiệm vụ của Hội Nông dân TPHCM

6 nhiệm vụ của Hội Nông dân TPHCM

TPHCM vừa tổ chức xong Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP và bắt tay ngay vào việc chuẩn bị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. PV Báo SGGP đã trao đổi với Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Văn Rảnh về chương trình hoạt động nhằm đưa các nghị quyết trên vào cuộc sống.

* PV:
Thưa đồng chí, tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân TPHCM (NDTP) vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải nhận định, hoạt động các cấp hội có nơi còn chậm đổi mới, nặng tuyên truyền một chiều, thiếu đi sâu nắm bắt tư tưởng, tâm trạng và những bức xúc của bà con. Điều này đã được Hội NDTP khắc phục ra sao, nhất là trong bối cảnh chuẩn bị triển khai Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

* Đồng chí NGUYỄN VĂN RẢNH:
Đại hội đã nghiêm túc tiếp thu và đề ra giải pháp khắc phục, trong đó xác định hội phải sát cơ sở, gần nông dân, lấy chi hội làm điểm tựa; lấy nông dân sản xuất giỏi, tiêu biểu làm nòng cốt; lấy lợi ích chính đáng của nông dân làm động lực. Ngay sau đại hội, Hội NDTP đã thông qua chương trình hoạt động và triển khai đến 119 hội ND cơ sở xã, phường, thị trấn, 684 chi hội, 3.482 tổ hội trên địa bàn dân cư nông thôn và 119 chi hội ngành nghề. Hội ND 13 huyện, quận đã xây dựng chương trình hành động. Tập trung nhất là việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

6 nhiệm vụ của Hội Nông dân TPHCM ảnh 1

Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã nhân giống, bảo tồn được hơn 100 giống hoa lan quý để phát triển nghề trồng lan. Ảnh: THÀNH TÂM

* Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng (khóa X), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ to lớn hiện nay ở nông thôn, bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phát huy sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội nông thôn, nhất là Hội ND VN. Là Chủ tịch Hội ND một TP đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, đồng chí nghĩ sao về vấn đề này?

* Theo thống kê của Trung ương Hội ND, có tới 2/3 diện tích đất nông nghiệp ở các địa phương bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người nông dân. Với TPHCM, nông dân tuy chiếm tỷ lệ không cao, nhưng lại có vị trí quan trọng trong quá trình đô thị hóa. Mặc dù đã có sự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, song khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong dân cư TPHCM (TP hiện có 227.473 hộ nông dân với 917.668 người trong tổng số hơn 5,6 triệu người). Như vậy, nông dân TPHCM đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển của TP. Và vì thế, chúng tôi cũng xác định vai trò vô cùng quan trọng của các cấp Hội ND TP.

* Nhiệm vụ ngành nông nghiệp TP là chuyển dịch cơ cấu sản xuất để nâng cao đời sống bà con nông dân. Hội đã tham gia vào quá trình này như thế nào, đặc biệt là trong việc khơi dậy tiềm lực của nền nông nghiệp đô thị TPHCM?

* Kết hợp với các ban ngành, chúng tôi xây dựng 6 nhiệm vụ cụ thể. Đó là hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất; giới thiệu và bảo lãnh tín chấp các dự án nhỏ của nông dân vay vốn với hệ thống ngân hàng, hỗ trợ vật tư, giống, thức ăn gia súc… Tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; hướng dẫn xây dựng đề án, dự án, trợ giúp pháp lý; đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất ở trong và ngoài nước; vận động, tiếp nhận và quản lý các nguồn bảo trợ, tài trợ. Qua đó, Hội NDTP đề ra giải pháp hỗ trợ cho bà con: tập huấn khoa học kỹ thuật; dạy nghề dưới 3 hình thức (dạy nghề tại chỗ, dạy nghề gắn với tiêu thụ sản phẩm, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm); tạo vốn, giải quyết việc làm, cung cấp thông tin về thị trường nông sản… và tiếp tục phát triển phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu”.

* Một trong những vấn đề bức xúc nhất hiện nay của bà con nông dân là đất đai. Hội ND cần phải làm gì trong việc tham mưu giải quyết những tranh chấp, khiếu kiện hay việc giải tỏa đền bù trong thời gian tới?

* Quá trình đô thị hóa đã và đang có nhiều tác động đến người nông dân cả về mặt tích cực và tiêu cực. Trong đó bức xúc nhất của bà con nông dân là đất đai, tập trung nhiều đến tranh chấp, khiếu kiện giải tỏa đền bù. Chúng tôi tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi và ổn định cuộc sống, sản xuất của bà con như: lập ban, tổ hòa giải, giải quyết khiếu kiện ở 13 huyện - quận và 129 xã phường nông nghiệp. Tham mưu cho UBND TPHCM chỉ đạo sở, ngành các cấp tạo điều kiện để Hội NDTP phối hợp tham gia hòa giải, giải quyết khiếu kiện trong nội bộ hội viên nông dân. Hội ND các cấp ký kết liên tịch với Thanh tra Nhà nước, tư pháp, tài nguyên - môi trường, văn phòng tiếp công dân cùng cấp triển khai phối hợp thực hiện nội dung Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ... Bước đầu đạt được một số kết quả: Từ năm 2001 đến nay, Hội ND các cấp phối hợp với ngành chức năng tổ chức được 1.265 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 79.551 lượt cán bộ hội viên tham dự. Đối tượng chủ yếu là những người trực tiếp làm công tác hòa giải, trực tiếp giải quyết khiếu kiện ở cơ sở. Trong công tác hòa giải cơ sở, hàng năm hội tham gia giải quyết trên 80% đơn được tổ chức hòa giải thành, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người. 

CÔNG PHIÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục