76 tuổi, vẫn… giành Huy chương Bạc

76 tuổi, vẫn… giành Huy chương Bạc

Là một giáo viên đã về hưu, là bà nội của 6 đứa cháu, nhưng ở tuổi… 76 - độ tuổi còn lâu đời hơn lịch sử phát triển của SEA Games đến hơn… 20 năm - bà Ng Lai Chun (VĐV Singapore già nhất ở các kỳ SEA Games) vẫn đủ sức giành được HCB SEA Games 26; mà không chỉ có 1 tấm HCB thôi đâu, có đến… 2 tấm HCB - ở nội dung đôi nữ (hợp cùng nữ VĐV Tan Sock Ngin) và đồng đội nữ ở môn đấu được tổ chức tại Khách sạn Jayakarta (Palembang, Nam Sumatra).

Bà Ng Lai Chun - tấm gương luyện tập TDTT dù đã ở tuổi 76

Bà Ng Lai Chun - tấm gương luyện tập TDTT dù đã ở tuổi 76

Đương nhiên, bà Ng Lai Chun không thể “bay, nhảy, chạy hay là… bơi” ở những môn thể thao danh tiếng dành cho những chàng trai, những cô gái trẻ khỏe, sung mãn, bà chỉ tham gia môn đánh bài bridge - một trong những môn “thể thao” lần đầu tiên xuất hiện ở SEA Games, nhờ vào những nỗ lực không ngừng nghỉ của chủ nhà Indonesia. Nhưng việc bà qua mặt nhiều tay bài lọc lõi, mưu mẹo cũng rất đáng khen ngợi đó chứ!

Người giáo viên về hưu này sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền thưởng nào từ Chương trình trợ thưởng hàng triệu đô la do Ủy ban Olympic quốc gia Singapore khởi xướng, vì chương trình này chỉ dành cho những VĐV Singapore thắng HCV ở SEA Games 26, tuy nhiên, đối với bà Ng Lai Chun, tiền thưởng nào giá trị bằng niềm vui giành HCB?

Bà Ng Lai Chun - người đã chơi bài bridge (một loại bài được chơi bởi 4 người chơi từ 2 đội khác nhau mà người giành chiến thắng phải sử dụng mưu mẹo) trong gần 40 năm nay và cũng thường xuyên “luyện tập” 3 lần trong 1 tuần - vui sướng cho biết: “Hãy cùng nhìn vào các VĐV khác thử xem, tất cả họ đều còn rất trẻ. Tôi cảm thấy rất xúc động, khi ở độ tuổi thất thập cổ lai hy này mà tôi vẫn còn có thể làm được một thứ gì đó và giành được những tấm huy chương về cho đất nước của tôi!”.

Hiện tại, việc đưa bài bridge vào SEA Games vẫn gây nhiều tranh cãi. Đối với nhiều chuyên gia, một môn thi đấu không có nỗ lực về thể chất như thế này không xứng đáng là một môn thể thao.

Trưởng đoàn thể thao cờ, bridge của Singapore - ông Zhang Yukun - giải thích: “Rõ ràng, đây không phải một môn thể thao điển hình thuộc tuýp của các bạn, nhưng chơi bài bridge đòi hỏi phải thật tập trung. Rất nhiều người xem chơi cờ là một môn thể thao, và môn đấu của chúng tôi tương tự như chơi cờ vậy. Sự khác biệt duy nhất chỉ là trong môn bài bridge, bạn phải đánh cặp với một người nữa. Nếu chơi cờ được xem như là một môn thể thao, tại sao chơi bài bridge lại không thể? Và sức chịu đựng cũng là một đòi hỏi ở môn thể thao nơi chúng tôi có thể chơi đến 8 giờ một ngày”.

Bà Ng Lai Chun còn phải chạy bộ nhẹ 45 phút mỗi ngày để duy trì sức chịu đựng và đã bị môn thể thao này cuốn hút khi nhìn thấy… bà nội của mình chơi - bà cho biết thêm: “Đây là một môn thi đấu rất mệt mỏi, ngay cả với những người trẻ tuổi. Bài bridge rất dễ học, nhưng để đạt trình độ cao lại rất khó. Bạn không chỉ thi đấu một mình mà phải phối hợp ăn ý với người khác. Đó là một thách thức”. Là một đại sứ của Hiệp hội chơi bài bridge Singapore, bà Ng Lai Chun hy vọng môn đấu này sẽ xuất hiện thường xuyên ở SEA Games, trước mắt là ở SEA Games 2015, nơi Singapore là nước chủ nhà. Và hy vọng bà vẫn còn đủ sức khỏe cũng như trí tuệ để tham gia thi đấu”.

HOÀNG PHONG

Tin cùng chuyên mục