Những nhiệm vụ chủ yếu trong năm học 2018-2019 sẽ được ngành giáo dục tập trung thực hiện gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT); đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDPT; xây dựng, ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn trường học, lớp học. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Nghiên cứu, đề xuất và trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển trường lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện...
Năm học mới, ngành giáo dục cũng rà soát, điều chỉnh hoặc ban hành mới định mức số lượng người làm việc theo vị trí việc làm ở các sở GD-ĐT theo chủ trương tinh giản biên chế và thực hiện Chương trình GDPT mới. Các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, có phương án phù hợp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những vùng tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh. Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới, ưu tiên bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên dạy lớp 1.
Đây cũng là năm học mà Bộ GD-ĐT tập trung thẩm định, ban hành và hướng dẫn các sở GD-ĐT, các cơ sở GDPT thực hiện Chương trình GDPT mới. Chỉ đạo việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học từ lớp 1 - 12, trong đó ưu tiên đối với lớp 1. Đồng thời, khuyến khích tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa chương trình GDPT mới.
Hoàn thiện thể chế về GD-ĐT là 1 trong 5 giải pháp cơ bản của ngành giáo dục trong năm học 2018-2019. Theo đó, sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Giáo dục sửa đổi và Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Cùng với đó, Bộ GD-ĐT khẳng định tiếp tục hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học. Cụ thể, tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi. Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi. Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT đối với các hội đồng thi.