Đó là lễ hội truyền thống của đồng bào Pa Cô nhằm tri ân người đã khuất, gửi gắm tình cảm yêu thương với người sống. Khác những lần trước, lễ hội A Riêu Ping tổ chức đầu năm 2013 tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nhằm chào mừng kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chào đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
A Riêu Ping có từ bao giờ, các già làng Pa Cô đều không nhớ nổi. Chỉ biết rằng, trong tâm thức mỗi người luôn khắc ghi, dịp lễ hội tổ chức là kết thúc một vòng đời nên dù ở đâu, làm gì hễ nghe già làng truyền lệnh thì mọi người tụ họp đông đủ. Già làng Hồ Pă Luôn, bản Kỳ Nơi, xã Tà Rụt, cho biết: “Ngay từ buổi đầu hình thành tộc người Pa Cô, A Riêu Ping là lễ cúng nhà mồ kèm theo nghi thức phong tục tập quán cất bốc, quy tập mồ mả đồng bào về ngôi nhà chung dòng họ như khi đang còn sống. Qua đó, tăng cường sự đoàn kết gắn bó huyết thống đồng bào và sự tôn kính hiếu nghĩa người sống đối với người đã khuất”.
Trước ngày diễn ra lễ hội, thanh niên trai tráng vào rừng chọn cây gỗ đẹp, thẳng và tròn đem về đẽo làm cột cây nêu. Tiếp đó, chọn những cây tre thẳng, óng ả chẻ nhỏ làm chùm tua buộc trên cây nêu... Cây nêu - nơi trú ngụ các vị thần mà cháu con mời về dựng lên cũng là lúc không khí lễ hội rộn ràng. Đứng trước cây nêu, người uy tín nhất trong bản đọc lời thề: “Hỡi anh em các dân tộc 3 miền, chúng ta hãy nguyện đời đời đoàn kết đùm bọc lẫn nhau như anh em một nhà”. Tiếp đó, cồng, chiêng, tù và dồn dập âm vang thôi thúc mọi người nhảy múa với ước nguyện xin các vị thần về chung vui lễ hội, phù hộ cháu con.
Ngày hôm sau, bà con bắt tay vào dựng nhà mồ theo kiến trúc 4 cột chịu lực liên kết bằng các tấm ván có trang trí họa tiết hình mặt người; mái nhà trước phải cao hơn mái sau... Nhà mồ đầu tiên dành cho làng, tiếp đó là nhà mồ các dòng họ. Người Pa Cô cho rằng địa điểm đặt nhà mồ phải gần các con suối có nước chảy quanh năm tạo sự mát mẻ và thuận lợi trong việc làm ăn của người đã khuất ở thế giới bên kia. Ngoài ra, nhà mồ quay đầu về phía núi với trang trí bằng các hình người nam, nữ khỏa thân được đẽo bằng cây rừng tượng trưng cho hạnh phúc và sự sinh sôi nảy nở như vòng đời bất tận.
Ba ngày cất bốc hài cốt về nhà mồ, các gia đình, dòng họ làm lễ cúng Giàng và người đã khuất. Công tác chuẩn bị xong, đại diện các họ tiến hành cất bốc người quá cố tại rừng ma về. Trong quá trình di chuyển hài cốt, không được đi ngang qua làng mà phải đi ngoài rìa làng về nơi đặt nhà mồ. Cùng lúc, nhạc cụ của nhóm Ardooc nổi lên. Nhóm khoảng chừng 10 người đến từ các bản khác nhau, chủ yếu là đàn ông mang theo đàn, sáo, trống, chiêng, khèn… để hát biểu dương, phản ánh những mặt tốt mặt chưa tốt của các dòng họ, thậm chí là những người đứng đầu hay những người khách quý.
Tốp này đi hết dòng họ này đến dòng họ khác, nếu được tiếp đón chu đáo, những người trong dòng họ hòa thuận thì khi qua dòng họ khác tốp này sẽ hát ca ngợi, biểu dương nếu không thì ngược lại… Cứ thế, dòng họ nào cũng phải nghênh đón đàng hoàng tử tế. Sau một vòng quanh các dòng họ, tốp Ardooc đến ngôi nhà chung dành cho già làng, trưởng bản và khách quý nghe ngóng sau đó lại hát những bài ca ngợi hay chê bai tùy theo tình hình. Đội này như một đội giám sát nhằm phản ánh đầy đủ các mặt xấu tốt của các dòng họ cho đến khách quý trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
VĂN THẮNG - LAN NGỌC